Cần “chìa khóa” để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón

29/10/2024

Thảo luận tại phiên toàn thể ở Hội trường sáng 29/10, nhiều ý kiến đại biểu quan tâm đến nội dung chuyển mặt hàng phân bón từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%, được Chính phủ đề xuất trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Cụ thể, các đại biểu cho rằng, cần “chìa khóa” để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón, đảm bảo mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Sửa đổi luật Thuế giá trị gia tăng: Bảo đảm khách quan, công bằng, tránh làm thất thu ngân sách

Xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón

Đối với nội dung chuyển mặt hàng phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%, Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã phân tích kỹ lưỡng tập trung vào mặt hàng phân bón.

Cụ thể, thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với nhóm mặt hàng phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế GTGT số 71/2014/QH13, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế. Việc sửa đổi chính sách vào thời điểm đó có thể chưa đánh giá được hết các tác động đối với ngành sản xuất trong nước, cụ thể: số thuế GTGT đầu vào của các doanh nghiệp sản xuất không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí đã làm giá thành sản xuất phân bón sản xuất trong nước tăng cao; Phân bón nhập khẩu được hưởng lợi do đang chịu thuế 5% được chuyển sang không chịu thuế và vẫn được hoàn toàn bộ thuế GTGT đầu vào. Điều này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn đến doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, nhất là trong bối cảnh của xu thế cung vượt cầu trên thị trường phân bón thế giới giai đoạn 2015-2020 (trước thời điểm dịch Covid-19), giá phân bón trên thị trường thế giới giảm mạnh, làm giá thành phân bón sản xuất trong nước không thể cạnh tranh với giá nhập khẩu, các doanh nghiệp trong nước đều có mức tăng trưởng âm, một số đơn vị lỗ, có nguy cơ phá sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật

Nếu việc sửa Luật Thuế GTGT lần này không khắc phục bất cập nêu trên thì ngành sản xuất phân bón trong nước tiếp tục phải chịu sự phân biệt đối xử so với tất cả các ngành sản xuất khác khi bị nằm ngoài phạm vi áp dụng thuế GTGT và có rủi ro bị quay lại tình trạng suy giảm và ngừng sản xuất như giai đoạn 2015-2020. Điều này đi trái với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đã được đề ra tại Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: “Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp nền tảng đáp ứng nhu cầu về tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế như công nghiệp năng lượng, cơ khí, chế tạo, luyện kim, hoá chất, phân bón, vật liệu...”. Về lâu dài, sự phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu có thể làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển nền nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực quốc gia, làm suy yếu ngành sản xuất trong nước đang từng bước phát triển trở lại và cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Do đó, để xử lý những bất cập trong chính sách đối với ngành sản xuất phân bón, cần thiết đưa các nhóm mặt hàng này quay lại diện chịu thuế GTGT 5% như dự thảo Luật Chính phủ đã trình để bảo đảm bình đẳng trong đối xử về thuế GTGT như tất cả các ngành sản xuất khác trong nước.

Lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân

Tham gia cho ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho biết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã tổ chức khảo sát, làm việc với các cơ quan liên quan của tỉnh và thống nhất với đề xuất của Chính phủ chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế 5%.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu

Đại biểu phân tích, phân bón là loại vật tư nông nghiệp quan trọng số một đối với sản xuất nông nghiệp của nước ta, chiếm tỷ trọng cao nhất trong giá thành của trồng trọt, trong khi ngành trồng trọt hiện nay đang chiếm 64% đến 68% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp. Thuế giá trị gia tăng đối với nhóm mặt hàng phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế giá trị gia tăng số 71 chuyển từ diện chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế đã tác động rất lớn đối với ngành sản xuất phân bón trong nước.

Do đó đại biểu tán thành những giải trình của Ủy ban Tài chính và Ngân sách và cho rằng, việc sửa đổi Luật thuế giá trị gia tăng lần này không khắc phục bất cập nêu trên thì ngành sản xuất phân bón trong nước tiếp tục phải chịu sự phân biệt đối xử so với tất cả các ngành sản xuất khác khi bị nằm ngoài phạm vi áp dụng thuế giá trị gia tăng và có rủi ro bị quay lại tình trạng suy giảm và ngừng sản xuất như giai đoạn 2015-2020. Khi mặt hàng phân bón được áp thuế VAT đầu ra, doanh nghiệp sẽ được khấu trừ VAT đầu vào, từ đó giảm áp lực khi đầu tư. Do đó, nếu chuyển đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón từ diện miễn thuế sang áp dụng thuế suất sẽ có lợi cho 3 nhà, nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, giảm sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu.

Các đại biểu tại phiên họp

Đại biểu cung cấp thêm thông tin, các nước trên thế giới đều áp dụng thuế giá trị gia tăng đối với ngành phân bón. Ví dụ, Trung Quốc là quốc gia sản xuất và tiêu thụ phân bón lớn nhất thế giới hiện đang áp dụng thuế giá trị gia tăng ở mức 11% với phân bón, đồng thời nước này cũng ban hành một số chính sách miễn giảm thuế tiêu thụ doanh nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất phân bón, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ, phân vi sinh, phân bón thân thiện với môi trường và những doanh nghiệp sản xuất phân bón đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển hoặc sử dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Tương tự, đối với Nga - đất nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới cũng đang áp dụng thuế suất giá trị gia tăng đối với ngành phân bón nhằm nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.

Đại biểu nhấn mạnh, ngành phân bón đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, góp phần bảo đảm an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp; mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do vậy, cần có các chính sách thuế hỗ trợ phát triển ngành phân bón theo hướng phát triển bền vững kết hợp hài hòa giữa các sắc thuế trực thu và gián thu trong hệ thống thuế như thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu

Phát biểu về nội dung này, đại biểu Cầm Thị Mẫn, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nêu rõ, qua nghiên cứu kỹ lưỡng báo cáo đánh giá tác động của Ban soạn thảo và nội dung giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như ý kiến của cử tri là nông dân của doanh nghiệp và các hiệp hội liên quan từ nhiều nguồn khác nhau, đại biểu có thể yên tâm về sự thay đổi này so với luật hiện hành - việc áp thuế 5% đối với phân bón không đồng nghĩa với việc mặt hàng này sẽ tăng giá. Đồng thời, các báo cáo đánh giá còn cho thấy năng lực sản xuất phân bón rất lớn, chủ yếu là doanh nghiệp trong nước, tỷ trọng phân bón nhập khẩu so với sản xuất trong nước chỉ chiếm 27%, nếu áp dụng thuế suất 5%, nhập khẩu vào cũng chịu 5% và cũng chịu sự điều tiết chung với phân bón trong nước.

Bên cạnh đó, mặt hàng phân bón là mặt hàng thuộc diện chịu sự kiểm soát và bình ổn giá của Nhà nước. Do đó, việc áp dụng thuế suất 5% chính là việc cùng lúc chúng ta thực hiện được mục tiêu mở rộng cơ chế thuế, tiến tới áp dụng một mức thuế suất, đồng thời phục hồi hỗ trợ sản xuất trong nước và về dài hạn sẽ tạo sự bền vững, ổn định nguồn cung phân bón đầu vào trong nước được phát triển, không phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu, làm cơ sở cho việc hạ giá thành mặt hàng phân bón. Như vậy, người nông dân cũng như doanh nghiệp sản xuất trong nước đều được hưởng lợi từ việc thay đổi này.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh phát biểu

Cũng bày tỏ sự tán thành với quy định của dự thảo Luật về mức thuế suất 5% đối với phân bón, đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình và tiêu chí là tự lực, tự chủ, tự cường mà hàng loạt lĩnh vực của chúng ta đang phụ thuộc vào nhập khẩu rất cao như phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y, dược phẩm ... Thậm chí sẽ có một làn sóng hàng giá rẻ tràn ngập vào chúng ta khiến ngành phân bón, thức ăn gia súc, thuốc thú y của chúng ta không tồn tại được đã được phản ánh hàng chục năm nay. Nếu thị trường thế giới biến động, họ tăng giá thì chúng ta cũng bị biến động, cũng phải tăng? Do đó, cần chuyển đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển, giảm sự lệ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Khi chúng ta tự lực, tự chủ, tự cường được nhiều lĩnh vực thì Chính phủ chúng ta có thể chi phối được và sẽ tìm cách áp dụng các biện pháp để giảm gánh nặng cho người tiêu dùng.

Giải trình tại Nghị trường Quốc hội về nội dung thuế VAT cho phân bón, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, trong giai đoạn thực hiện Luật số 71/2024/QH13, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Kiểm toán Nhà nước, các đoàn ĐBQH tỉnh: Bắc Giang, Cà Mau, Bình Định, Hải Phòng, Nam Định, Tiền Giang,... Hiệp hội phân bón, các doanh nghiệp sản xuất phân bón kiến nghị chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế suất 5%. Kiến nghị này đã được đưa vào nhiệm vụ rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính phân tích, giá phân bón không chỉ phụ thuộc vào vấn đề thuế tăng hay giảm mà giá phân bón phụ thuộc vào giá thành sản xuất, phụ thuộc vào thị trường, phụ thuộc vào cung cầu. Vì vậy, nếu chúng ta cố định tất cả các loại chi phí lãi thì thuế sẽ đảm bảo giá phân bón tăng hay giảm. Nhưng, thực ra giá thành sản xuất phụ thuộc vào khoa học công nghệ, phụ thuộc năng suất lao động, phụ thuộc giá nhân công, phụ thuộc vào các yếu tố khác, đặc biệt là phụ thuộc vào cung cầu. Khi chúng ta đang thực hiện không thu thuế đối với mặt hàng này giai đoạn 2018-2022 thì giá phân đạm ure vẫn tăng 19,71% đến 43,6%, thuế VAT vẫn không thu, điều đó có nghĩa phụ thuộc cơ bản về thị trường, tức là về cung cầu.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh, khi chúng ta đưa mặt hàng vào chịu thuế thì đúng là sẽ có tăng giá. Nhưng tăng giá chủ yếu là giá nhập khẩu, mà giá nhập khẩu thì có nghĩa là doanh nghiệp trong nước của chúng ta sẽ có lợi. Bởi vì tăng giá thì thuế áp cả nhập khẩu, áp cả trong nước. Khi giá nhập khẩu tăng lên thì doanh nghiệp trong nước sẽ có điều kiện để cạnh tranh. Như vậy, doanh nghiệp của nước ngoài phải nộp 1.500 tỷ vì hàng hóa nhập vào nhiều, còn doanh nghiệp trong nước chỉ phải nộp tăng thêm 200 tỷ. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích để đảm bảo cho doanh nghiệp trong nước phát triển tốt và tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ hiện đại, giảm giá thành phần sản phẩm; tiến tới giảm được giá bán cho người nông dân và chúng ta làm chủ được vấn đề phân bón.

Hồ Hương