Tăng cường phối hợp giữa UBTVQH và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong góp ý kiến, phản biện xã hội đối với các dự thảo Luật

18/10/2024

Công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đạt nhiều kết quả tích cực trong nhiệm kỳ 2019-2024, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, hai cơ quan đã đẩy mạnh công tác xây dựng pháp luật - đây được coi là điểm nhấn trong hoạt động phối hợp giữa hai cơ quan nhiệm kỳ vừa qua. Đồng thời đề nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tăng cường phối hợp với UBTVQH để tổ chức tốt việc góp ý kiến, phản biện xã hội đối với các dự thảo luật.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giải pháp then chốt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới

Khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X

        

Toàn cảnh Phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029

Tại Phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024-2029, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã có bài phát biểu tham luận về “công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.

Công tác phối hợp giữa UBTVQH và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đạt nhiều kết quả tích cực

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, trong nhiệm kỳ 2019-2024, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; có nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, đẩy mạnh thực hành dân chủ ở cơ sở, thực hiện giám sát và phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Nhấn mạnh công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Quốc hội, trong đó có sự phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã đạt nhiều kết quả tích cực, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, hai cơ quan đã phối hợp chặt chẽ, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; phối hợp tốt việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV theo Nghị quyết số 96/2023/QH15 ngày 23/6/2023 của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương thông tin về công tác phối hợp giữa Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại Phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Đồng thời phối hợp hiệu quả trong việc tập hợp, xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; quyết định các vấn đề quan trọng về đại đoàn kết toàn dân tộc, dân tộc, tôn giáo, vấn đề liên quan đến thực hiện dân chủ, đồng thuận xã hội... Các cuộc vận động lớn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình “chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”… luôn nhận được sự quan tâm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Các đồng chí thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất tích cực tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc hằng năm.

Đánh giá cao hai cơ quan đã đẩy mạnh phối hợp trong công tác xây dựng pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đây được coi là điểm nhấn trong hoạt động phối hợp giữa hai cơ quan. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tăng cường lấy ý kiến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với những dự thảo luật, dự thảo nghị quyết. Đặc biệt, trong việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực tổ chức các hội nghị, hội thảo và nhận được hơn 12 triệu ý kiến của các tổ chức, cá nhân, đưa hoạt động này trở thành đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý rộng khắp trên cả nước.

Bên cạnh đó, hai cơ quan đã chủ động phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực tham gia, cung cấp thông tin, tài liệu để hỗ trợ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cử đại diện tham gia các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; định kỳ gửi báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo quy định.

Các đại biểu dự Phiên bế mạc

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, Đoàn Chủ tịch đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng tổng hợp và phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân tại các kỳ họp Quốc hội. Hơn 27.300 ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cả nước thông qua tiếp xúc cử tri trong 5 năm qua đã được hai cơ quan phối hợp tổng hợp, trình tại các kỳ họp Quốc hội, đây là cơ sở quan trọng để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị hai cơ quan cần tiếp tục quan tâm thực hiện một số nội dung quan trọng sau:

Thứ nhất, tăng cường phối hợp trong việc củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 43 ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ trong xã hội, phát huy mọi khả năng sáng tạo của Nhân dân để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ hai, phát huy cao độ vai trò của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, các Hội đồng tư vấn của Mặt trận trong công tác xây dựng pháp luật với tinh thần “từ sớm, từ xa”, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng chuyển từ thiên về quản lý sang khuyến khích sáng tạo, khơi thông, phát huy các nguồn lực để phát triển; tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ quy định của pháp luật; xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới để mở đường cho phát triển. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ trách nhiệm, đổi mới phương thức quản lý, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, “lợi ích nhóm”, tăng cường cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; bảo đảm tính ổn định của Luật.

Trong nhiệm kỳ khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xác định 156 nhiệm vụ lập pháp và đến nay, đã hoàn thành 137/156 nhiệm vụ (đạt 87,82%). Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét khối lượng nhiệm vụ lập pháp lớn nhất tại một kỳ họp, theo đó, dự kiến sẽ thông qua 15 luật và 02 nghị quyết quy phạm pháp luật; cho ý kiến 13 dự án luật”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tăng cường phối hợp với UBTVQH để tổ chức tốt việc góp ý kiến, phản biện xã hội đối với các dự thảo luật. “Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH đang chỉ đạo triển khai các Đề án, chuẩn bị tổ chức Diễn đàn pháp luật, Diễn đàn giám sát để tiếp tục quán triệt, triển khai quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật và tư duy giám sát; tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đề nghị Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tích cực góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật; đồng thời, đề xuất các nội dung để phát huy tốt hơn nữa vai trò của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trong tham gia lập pháp, giám sát”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đoàn Chủ tịch Đại hội

Thứ ba, đề nghị Đoàn Chủ tịch tiếp tục chủ động, tích cực phối hợp với UBTVQH trong các hoạt động giám sát; xác định đúng, trúng các nội dung để đưa vào Chương trình giám sát hằng năm của mỗi bên; phân công đại diện tham gia hoạt động giám sát theo Chương trình giám sát của mỗi bên. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại 63 tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, phát huy tinh thần dân biết, dân bàn, dân kiểm tra.

Thứ tư, tiếp tục cố gắng tạo chuyển biến trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, công tác tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân; tăng cường giám sát, đôn đốc các cơ quan, tổ chức tích cực giải quyết kiến nghị kịp thời, hợp lý, hợp tình. Phối hợp chỉ đạo các Đoàn đại biểu Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri, đa dạng hóa các hình thức tiếp xúc để thu hút rộng rãi, đông đảo cử tri tham gia.

Thứ năm, hai cơ quan phối hợp khẩn trương tiếp thu chỉnh lý Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu xây dựng dự án Luật điều chỉnh về hoạt động từ thiện nhân đạo; tổng kết, nghiên cứu, rà soát Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, hai bên cần phối hợp nghiên cứu, xây dựng, ban hành Nghị quyết quy định trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc tiếp thu phản hồi ý kiến, kiến nghị, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thứ sáu, tiếp tục duy trì các hội nghị liên tịch; tăng cường chia sẻ thông tin hoạt động của mỗi bên và tăng cường phối hợp thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, công tác nhân sự, công tác đối ngoại Quốc hội với đối ngoại nhân dân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tăng cường phối hợp, nâng cao chất lượng công tác tham mưu; chủ động đề xuất các chương trình nhằm đa dạng hóa các hoạt động phối hợp công tác.

Từ kết quả đạt được trong 05 năm qua, với tinh thần “hướng về dân, lắng nghe dân để hiểu được lòng dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tin tưởng rằng, trong nhiệm kỳ 2024-2029, công tác phối hợp giữa Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và UBTVQH sẽ tiếp tục có những đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của mỗi cơ quan và nhiệm vụ chung được giao, góp phần “phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến” để đưa đất nước tự tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

Bích Ngọc - Trọng Quỳnh