Bổ sung quy định thu hút đầu tư ngoài Ngân sách nhà nước cho Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

16/10/2024

Góp ý tại Hội thảo khoa học về "Phương hướng, giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ ở nước ta hiện nay" do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, nhiều ý kiến chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết kịp thời sửa đổi toàn diện Luật Khoa học và công nghệ năm 2013, trong đó, cần bổ sung các quy định để thu hút đầu tư ngoài Ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...

LẤY Ý KIẾN ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH SÁCH LỚN TRONG SỬA ĐỔI LUẬT KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Hội thảo khoa học về "Phương hướng, giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ ở nước ta hiện nay"

Luật Khoa học và công nghệ được ban hành lần đầu vào năm 2000 và sửa đổi năm 2013 đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động khoa học và công nghệ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai thi hành Luật Khoa học, công nghệ 2013 cho thấy vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế về cả chính sách pháp luật và đòi hỏi từ thực tiễn.

Phân tích những điểm bất cập, các chuyên gia cho biết, thực tế đòi hỏi phải điều chỉnh hành lang pháp lý, cơ chế chính sách cho thích ứng, kịp thời, phù hợp khi Việt Nam hội nhập, nhất là các làn sóng công nghệ mới phát triển nhanh chóng như: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, công nghệ Internet kết nối vạn vật;… Bên cạnh đó, chưa quy định đủ cơ chế thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (ĐMST); quy định về tổ chức khoa học và công nghệ công lập chưa thể hiện khả năng tự chủ của tổ chức, hiệu quả hoạt động còn chưa tương xứng; chưa có quy định liên quan đến quản lý hoạt động ĐMST;..

TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thành viên HĐKH của UBTVQH 

TS. Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thành viên HĐKH của UBTVQH cho biết, khoa học công nghệ Việt Nam đã có bước tiến nhất định. Cụ thể: Năm 2022, Việt Nam đứng thứ 54/100 quốc gia trong bảng xếp hạng về hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, năm 2023 đứng thứ 46/132 quốc gia về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu; số lượng bài báo của Việt Nam đăng trên tạp chí quốc tế giai đoạn 2017 -2022 là 83.539 bài;…

Tuy nhiên, việc huy động đầu tư xã hội cho hoạt động khoa học, công nghệ hiện nay tỷ lệ còn thấp, không đáp ứng được yêu cầu đề ra. Theo thống kê, khoảng 10 năm trước đây, kinh phí hoạt động khoa học và công nghệ chủ yếu dựa vào Ngân sách nhà nước (NSNN) thì đến nay đầu tư cho khoa học và công nghệ từ NSNN và từ doanh nghiệp đã tương đối cân bằng với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%. Mặc dù vậy, tỷ lệ này vẫn rất thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới, thông thường các quốc gia đều có mức đầu tư xã hội nhiều gấp từ 2 đến 3 lần so với mức đầu tư từ NSNN.

Bên cạnh đó, đầu tư cho khoa học công nghệ cũng ngày càng giảm so với quy định của Luật Khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13. Mặc dù, quy định phải đầu tư cho khoa học công nghệ không dưới 2% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm, nhưng hơn 10 năm nay chưa năm nào đầu tư đủ 2%, thậm chí những năm gần đây càng ngày càng giảm. Đơn cử, năm 2023, ngân sách đầu tư cho khoa học công nghệ chỉ có 0,82% tổng chi NSNN.

Cũng theo TS. Nguyễn Quân, mặc dù Luật Khoa học và công nghệ 2013 có nhiều tư tưởng tiến bộ, đổi mới nhưng tính khả thi lại chưa cao, nhiều quy định chưa đi vào được cuộc sống. Do đó, cần tiếp tục sửa đổi, thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra đồng thời, tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế tài chính, vấn đề chuyển giao công nghệ, nhất là chuyển giao kết quả nghiên cứu cho doanh nghiệp;…

 PGS. TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên PCN Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội 

Cùng quan điểm, PGS. TS Lê Bộ Lĩnh, nguyên PCN Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, vừa qua, Đảng ta đã ban nhiều văn bản thể hiện quan điểm, chủ trương mới liên quan đến khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) cần được thể chế hóa. Cụ thể: Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nhiều nội dung quan trọng mang tính định hướng phát triển đất nước dựa trên KH,CN&ĐMST; Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2023 xác định KH,CN&ĐMST cùng với phát triển toàn diện nguồn nhân lực là một trong các đột phá chiến lược để phát triển đất nước; Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã đặt ra nhiệm vụ: “Hoàn thiện pháp luật, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo; Hoàn thiện các chính sách tài chính nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.”;… Cùng với đó, tình hình thực tiễn thay đổi, Luật Khoa học và công nghệ 2013 cũng chưa có quy định liên quan đến quản lý hoạt động ĐMST thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia, thúc đẩy liên kết giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp.

Theo PGS. TS Lê Bộ Lĩnh cách thức tiếp cận là luật cơ bản do đó phải đề cập tới tất cả các nội dung liên quan đến khoa học và công nghệ. Trong đó, lưu ý, trong lần sửa đổi này phải đảm bảo tính đồng bộ, kết nối trong toàn bộ hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ; tránh xung đột với hệ thống pháp luật nói chung và các luật có liên quan như: Luật chuyển giao công nghệ; Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;.. Đồng thời, nghiên cứu luật hóa đầy đủ những nội dung mới, làm rõ nội hàm khoa học, công nghệ, ĐMST…

Ngoài ra, PGS. TS Lê Bộ Lĩnh cũng lưu ý, chính sách khoa học công nghệ phải đảm bảo thúc đẩy, gắn kết giữa hoạt động khoa học công nghệ với các ngành, các lĩnh vực; sát với định hướng chiến lược, sự phát triển của các ngành chiến lược; Tăng cường nguồn lực cho sự phát triển khoa học công nghệ, tháo gỡ cơ chế tài chính; khắc phục tình trạng hành chính hóa trong phân bổ, quản lý,... Đồng thời, quy định sửa đổi cũng phải chú trọng tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập phát triển; có chính sách khuyến khích, ưu tiên phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ; đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu, có chính sách gắn kiến giữa viện trường và doanh nghiệp.

TS. Hoàng Kim Khuyên, Viện Nhà nước và Pháo luật, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

Đồng tình với nhiều quan điểm nêu trên, TS. Hoàng Kim Khuyên, Viện Nhà nước và Pháp luật, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về khoa học, công nghệ. Trong đó, cần chú trọng tạo cơ sở pháp lý thuận lợi, đầy đủ thúc đẩy phát triển các tổ chức khoa học, công nghệ ngoài công lập, đẩy mạnh quy hoạch, đầu tư phát triển các tổ chức khoa học, công nghệ ngoài công lập, có cơ chế tự chủ về nhân sự, tài chính;…

Bên cạnh đó, TS. Hoàng Kim Khuyên cũng kiến nghị, cần chú trọng nguồn nhân lực khoa học, công nghệ chất lượng cao; bồi dưỡng, phát triển nhân tài; xây dựng chính sách liên kết chặt chẽ giữa 3 nhà gồm nhà giáo dục, nhà nghiên cứu và nhà sản xuất; tăng cường chức năng nghiên cứu ngay tại các trường đại học, học viện;… "Việc hoàn thiện các quy định cũng phải bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật và quy định sửa đổi cần đáp ứng được yêu cầu về tính thích ứng nhanh với những biến đổi không ngừng của thực tiễn...", TS. Hoàng Kim Khuyên nhấn mạnh.

 PGS. TS. Trần Văn Nam, nguyên Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Ở góc tiếp cận khác, liên quan tới giải pháp hoàn thiện quy định về phát triển thị trường khoa học và công nghệ, PGS. TS. Trần Văn Nam, nguyên Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, cách mạng 5.0 tiếp tục phát triển từ cách mạng 4.0 với việc áp dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IOT), và dữ liệu lớn để cải thiện quy trình sản xuất và dịch vụ. Khác với các cuộc cách mạng trước, cách mạng 5.0 nhấn mạnh vai trò của con người, đặt mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống, sức khỏe và hạnh phúc. Về xu hướng chuyển đổi số ở Việt Nam hiện nay, bùng nổ tăng trưởng của các mô hình Fintech, Startups xây dựng trên nền tảng công nghệ số, hệ sinh thái, giảm bớt các nhân tố trung gian,.. Do đó, đòi hỏi điều chỉnh hành lang pháp lý tạo điều kiện cho Doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.

Để chuyển giao công nghệ từ các tổ chức nghiên cứu đến doanh nghiệp hiệu quả, theo PGS. TS. Trần Văn Nam cần thiết lập văn phòng chuyển giao công nghệ, thiết lập các hợp đồng rõ ràng, định giá công nghệ và tổ chức các sự kiện kết nối. Trong đó, định giá công nghệ cần đánh giá chính xác giá trị thương mại của công nghệ để doanh nghiệp có cơ sở đưa ra quyết định đầu tư./.

Lê Anh