SỬA ĐỔI LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI: CẦN TÍNH TOÁN KỸ LƯỠNG ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM VỀ NHÂN LỰC, TÀI CHÍNH TRONG THI HÀNH PHÁP LUẬT

24/08/2023

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Nhiều ý kiến cho rằng, cần đánh giá khoa học, kỹ lưỡng về tính khả thi trong việc bảo đảm điều kiện về nguồn nhân lực, tài chính để thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Trình bày Tờ trình dự án luật này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự thảo luật đã bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn (tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc).

Về cơ sở chính trị, Nghị quyết số 28-NQ/TW xác định: Bảo hiểm xã hội bắt buộc (với các chế độ hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp) dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Bảo hiểm xã hội tự nguyện (với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác) dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

Về cơ sở thực tiễn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Luật BHXH năm 2014 quy định các chế độ BHXH bắt buộc bao gồm: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và chế độ tử tuất. Tuy nhiên, đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn mới chỉ tham gia BHXH bắt buộc với hai chế độ là hưu trí và tử tuất. Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2022, có 86 nghìn người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn đang tham gia BHXH bắt buộc nhưng chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất. Tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều Đại biểu Quốc hội kiến nghị bổ sung quyền lợi chế độ ốm đau, thai sản đối với đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh việc phân cấp của các địa phương thì khối lượng công việc đảm nhiệm của đối tượng này ngày càng lớn, cần khuyến khích đảm bảo quyền lợi về BHXH với nhóm này.

Do đó, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bắt buộc như các đối tượng khác.

Về bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về cơ sở chính trị: Nghị quyết số 28-NQ/TW xác định: BHXH tự nguyện với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay, từng bước mở rộng sang các chế độ khác. Nghiên cứu thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để người lao động có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng. Mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc.

Toàn cảnh phiên họp

Về cơ sở thực tiễn, khảo sát thực tiễn, tổng kết thi hành Luật BHXH năm 2014 cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, trong đó có nguyên nhân chủ yếu là do chính sách BHXH còn thiếu hấp dẫn, người lao động chưa được hưởng các quyền lợi ngắn hạn, trong khi mức hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp. Thực tiễn thời gian qua, Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ cho phụ nữ là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn khi sinh con đúng chính sách dân số.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Dự thảo Luật quy định người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và lao động nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2.000.000 đồng cho một con (bằng mức mà NSNN đang hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số). Chế độ trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện do NSNN đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.

Việc bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện nhằm tăng tính hấp dẫn của chính sách BHXH tự nguyện, thu hút người dân (đặc biệt là nhóm lao động trẻ tuổi) tham gia BHXH tự nguyện. 

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh

Thẩm tra dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, về điều kiện bảo đảm về nguồn nhân lực, tài chính để bảo đảm thi hành văn bản quy phạm pháp luật, Dự án Luật đã bổ sung trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội định kỳ 5 năm, đánh giá và dự báo khả năng cân đối của quỹ hưu trí và tử tuất (khoản 12 Điều 18), xác định và quản lý người lao động, người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 36 của Luật này (khoản 17 Điều 18), mở rộng danh mục và phương thức đầu tư (Điều 127).

Tuy nhiên, chưa có đánh giá, thuyết minh cụ thể về tính khả thi đối với quy định này, nhất là đối với nguồn nhân lực để thực hiện trong khi cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam luôn cho rằng khối lượng công việc hiện nay đang rất quá tải, nhất là ở các đô thị lớn, địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, đông lao động ngoại tỉnh... Thực tế hiện nay, chưa có bộ chỉ tiêu để có thể dự báo khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, hầu hết các chế độ chi trả định kỳ đều đã thực hiện thông qua các đơn vị dịch vụ.

Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ và Ban soạn thảo báo cáo cụ thể hơn về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực hoặc phương thức bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ này.

Các đại biểu tại phiên họp

Trong dự án Luật, Tờ trình, các báo cáo thành phần của Hồ sơ dự án Luật chưa đánh giá sâu, chưa dự kiến đầy đủ nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành Luật sau khi Luật có hiệu lực thi hành theo yêu cầu tại Điều 34 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Số liệu trong các báo cáo thành phần đã được điều chỉnh hoặc chưa được làm rõ so với khi gửi xin ý kiến các cơ quan, nên nhiều nội dung chưa có ý kiến của cơ quan chịu trách nhiệm (ví dụ như: bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là 75 tuổi, chế độ đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội… ). Chưa so sánh đầy đủ lợi ích/chi phí để xác định giải pháp phù hợp hoặc tối ưu để định hướng quy định, sửa đổi, bổ sung.

Do đó, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ rà soát, bổ sung thông tin dữ liệu liên quan đến các chính sách, nhất là các chính sách mới, quy định phát sinh được đề xuất trong dự án Luật. Dự kiến nguồn lực cũng như tổng số kinh phí mà ngân sách Nhà nước phải bảo đảm phân theo từng nhóm chế độ, nhóm chính sách sau khi Luật có hiệu lực để bảo đảm tính khả thi và làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định. Đây cũng là ý kiến tham gia thẩm tra của một số cơ quan của Quốc hội, ý kiến góp ý của các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Minh Hùng