Nhìn lại kết quả công tác năm vừa qua của Ban Công tác đại biểu, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, với tinh thần sẵn sàng nhận nhiệm vụ và nỗ lực đổi mới phương thức làm việc, năm 2022, Ban Công tác đại biểu đã vinh dự được Đảng đoàn Quốc hội, Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tin tưởng phân công thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng. Bằng sự tín nhiệm của các cơ quan Quốc hội, các ĐBQH trong tham mưu, thực hiện chế độ chính sách; tín nhiệm của HĐND với vai trò là cơ quan thực hiện nhiệm vụ kết nối giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các cấp, Ban Công tác đại biểu đã khẳng định được vai trò, đóng góp thiết thực nâng cao chất lượng, năng lực hoạt động của đại biểu dân cử.
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, năm 2022, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Đảng đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), trực tiếp từ lãnh đạo Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn, tiếp tục đổi mới phương thức triển khai công việc của tập thể và từng cá nhân. Khoa học, logic, đúng tiến độ và có kế hoạch theo tuần, theo tháng là những yêu cầu đặt ra trong tất cả nhiệm vụ trước và trong khi triển khai. Hoạt động giao ban định kỳ theo tuần là bước cải tiến trong phương pháp điều hành của lãnh đạo Ban để kịp thời theo dõi tiến độ, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để có giải pháp xử lý kịp thời; hướng tới chia sẻ công việc, tăng tính tương tác, hỗ trợ giữa hai đơn vị chuyên môn của Ban. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các đề án, dự thảo nghị quyết theo phân công của Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh
Chuyên đề “Đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” hoàn thành đúng tiến độ để Đảng đoàn Quốc hội báo cáo Bộ Chính trị trong tổng thể “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Nhiều đánh giá, kiến nghị tại Chuyên đề đã được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6, Khóa XIII đề ra trong giải pháp tại Nghị quyết số 27-NQ/TW. Trong đó, có nhiều nội dung thuộc trách nhiệm tham mưu của Ban Công tác đại biểu sẽ thực hiện trong thời gian tới để thực hiện nhiệm vụ, giải pháp đề cao vai trò trung tâm của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu rõ, Đề án “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát, hướng dẫn của UBTVQH đối với HĐND” đã được Đảng đoàn Quốc hội thông qua và UBTVQH ban hành Kế hoạch thực hiện. Từ đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của UBTVQH; tăng cường gắn kết, phối hợp hoạt động chặt chẽ, thực chất, hiệu quả giữa các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH với HĐND, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội và HĐND.
Các nghị quyết của UBTVQH có phạm vi tác động và đối tượng điều chỉnh liên quan đến công tác tổ chức, biên chế, nhân sự hoặc có ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ĐBQH đã được Ban chủ trì tham mưu soạn thảo hoặc tham gia với các cơ quan soạn thảo để trình UBTVQH xem xét, thông qua theo đúng tiến độ, kế hoạch và yêu cầu. Nghị quyết số 15/2022/UBTVQH15 ngày 16.02.2022 của UBTVQH Quy định về việc sử dụng chuyên gia tham vấn Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc UBTVQH được ban hành và thực thi đã góp phần thu hút lực lượng chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm lý luận, thực tiễn để tham vấn trong hoạt động xây dựng pháp luật; giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề khác liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Hội nghị tập huấn “Kỹ năng nghiên cứu báo cáo kinh tế - xã hội dành cho đại biểu dân cử” tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết, Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12/9/2022 hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND được UBTVQH ban hành trên cơ sở đề xuất, chủ trì soạn thảo của Ban Công tác đại biểu và phối hợp với các cơ quan liên quan. Nhiều lần lấy ý kiến của Thường trực HĐND 63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, từng kiến nghị được Ban nghiên cứu, phân tích với mong muốn tham mưu UBTVQH ban hành một văn bản pháp luật “phản ánh hơi thở đời sống xã hội” như chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đề ra trong công tác xây dựng pháp luật.
Nghị quyết số 594 được ban hành đã hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn một số quy định theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Qua đó, đã trở thành cơ sở pháp lý quan trọng, khá đầy đủ để bảo đảm hoạt động giám sát của HĐND được thực hiện đúng nguyên tắc, thẩm quyền, công khai, minh bạch, khách quan, hiệu quả hoạt động giám sát của từng địa phương. Ban Công tác đại biểu đã phối hợp với Thường trực HĐND một số địa phương tổ chức Hội nghị quán triệt thực hiện Nghị quyết nhằm tăng tính thống nhất, đồng bộ trong thực hiện chức năng giám sát của HĐND. Trong đó, Nghị quyết số 594 đã được bình chọn nằm trong 10 sự kiện và hoạt động tiêu biểu của Quốc hội năm 2022.
Trưởng Ban Công tác đại biểu chia sẻ, việc tham gia xây dựng đề án và các nghị quyết là những nhiệm vụ khó, chưa có tiền lệ nhưng với tinh thần trách nhiệm cao của Ban Công tác đại biểu, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các cơ quan liên quan, các quy trình thực hiện các Đề án được Ban Công tác đại biểu tiến hành thận trọng. Quá trình triển khai đã bám sát chỉ đạo, định hướng của lãnh đạo Đảng đoàn Quốc hội, UBTVQH, Ban đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học và đối tượng chịu tác động trực tiếp từ mỗi đề án, nghị quyết. Từng giải pháp, nhiệm vụ đề ra đều được Ban nghiên cứu kỹ lưỡng và đề xuất trên cơ sở quy định pháp luật và kết quả từ thực tiễn.