Chính phủ báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 sau 05 triển khai tại Kỳ họp thứ 4
Theo Báo cáo của Chính phủ, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, Thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011-2015. Sau khi kinh tế Thành phố tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm -6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch Covid, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng Quý I đạt 1,87%, Quý II đạt 5,73%, bình quân 6 tháng đạt 3,82%. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn (bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).
Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 38,42%, cao hơn so với mức 33,15% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011- 2015). Với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết số 54/2017/QH14, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định. Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép thành phố Hồ Chí Minh chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của Thành phố.
Bên cạnh đó, việc điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực. Việc thực hiện đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn Thành phố phát huy được vai trò trách nhiệm của người đứng đầu...
Tại phiên họp sáng nay, Chính phủ đã đề xuất, kiến nghị Quốc hội xem xét cho phép thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết ngày 31/12/2023. Đồng thời, đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
PGS.TS Vũ Hải Quân, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh
Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trước khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 54/2017/QH14, một trong những điểm nghẽn lớn của thành phố Hồ Chí Minh là chưa có chính sách đặc thù để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tỉ lệ ngân sách để lại cho Thành phố chưa đủ nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu cần được đầu tư, khơi thông nguồn lực...
Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội đã tăng tỉ lệ ngân sách để lại cho thành phố Hồ Chí Minh năm 2022 từ 18% lên 21%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng con số này vẫn chưa đủ, chưa đáp ứng được thực tiễn yêu cầu về nguồn lực để phát triển cho thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn lực ở đây gồm hạ tầng, an sinh xã hội cho người lao động và tạo động lực để phát triển mới, là khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng, nếu không suy nghĩ về một động lực phát triển mới, cuối cùng thành phố Hồ Chí Minh sẽ lại loay hoay với những mô hình phát triển cũ, khó tăng năng suất lao động, giá trị gia tăng thấp và thiếu tính bền vững. Do vậy, thành phố Hồ Chí Minh cần tiếp tục kiến nghị Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022 - 2025 là 23%, 2026 - 2030 là 26%.
Thạc sĩ Trương Đắc Bình, Chuyên gia cố vấn kinh tế và công nghệ, Giám đốc Công ty Adaptis GMBH Thụy sĩ tại Việt Nam
Bàn về tính hiệu quả của Nghị quyết này, Thạc sĩ Trương Đắc Bình, Chuyên gia cố vấn kinh tế và công nghệ, Giám đốc Công ty Adaptis GMBH Thụy sĩ tại Việt Nam cho rằng, Nghị quyết số 54/2017/QH14 có những nội dung phù hợp, tuy nhiên, cũng còn có những chính sách chưa tận dụng hết tiềm năng của thành phố để phát triển mạnh mẽ, chưa có kết nối vùng và thành phố khác hiệu quả, chưa có những giải pháp để khắc phục những hạn chế, thách thức trong phát triển đô thị nhiều năm qua, bao gồm tắc nghẽn giao thông, quá tải cơ sở hạ tầng, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiếu hụt nhà ở cho người có thu nhập thấp… Những thiếu sót này do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, đòi hỏi sự phối hợp nhiều bên có liên quan để giải quyết.
Những cơ chế, chính sách thí điểm cơ bản là những nội dung mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài, khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ trước khi xem xét, quyết định. Ngoài ra, trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 thì Thành phố dành năm đầu tiên xây dựng kế hoạch và công tác chuẩn bị triển khai; đồng thời có 02 năm Thành phố chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, nên thực tế Thành phố không có nhiều thời gian để phát huy toàn diện các cơ chế, chính sách của Nghị quyết.
Đồng tình với những đánh giá, nhận định thẩm tra của Ủy ban Tài Chính, Ngân sách của Quốc hội về những nội dung tổng kết của Chính phủ, Thạc sĩ Trương Đắc Bình cho rằng, việc tổng kết Nghị quyết số 54 có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với thành phố Hồ Chí Minh mà còn tạo cơ sở thực tiễn và cơ sở pháp lý để xây dựng, hoàn thiện chính sách đối với nhiều địa phương trên cả nước. Do vậy, trước khi đề xuất Quốc hội kéo dài thời gian áp dụng thí điểm, Chính phủ cần phải đưa ra những thông tin sâu sắc, toàn diện hơn trong Báo cáo của mình.
Thứ nhất, về quan điểm tổng kết, với tính chất là Nghị quyết thí điểm để nhân rộng mô hình, áp dụng cho một trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nhằm tạo sức lan tỏa trong phạm vi quốc gia thì nội dung tổng kết cần khẳng định rõ: việc thực hiện thí điểm có được coi là thành công hay không? Sức lan tỏa đến đâu.? Hiệu quả mang lại trên các mặt: kinh tế - xã hội, đối với đời sống người dân...?
Thứ hai, về đánh giá cơ chế, chính sách, Thạc sĩ Trương Đắc Bình cho rằng, qua tổng kết cần phải đánh giá được tính hợp lý, khả thi, quy mô của chính sách thí điểm, theo đó cần làm rõ, qua 5 năm thực hiện, các chính sách có thực sự phù hợp với đặc thù của thành phố Hồ Chí Minh hay không, đã đủ sức nặng để tạo đà tăng trưởng như kỳ vọng hay còn quá mỏng, chưa đủ sức bật cho Thành phố. Để bảo đảm tính mạch lạc, cần bóc tách thành các nhóm vấn đề liên quan đến những cơ chế, chính sách hiệu quả, phù hợp với Thành phố, đã và đang phát huy tác dụng, cần tiếp tục áp dụng, nhân rộng; những chính sách cần thiết với Thành phố nhưng chưa phát huy tác dụng do dịch bệnh, do vướng mắc với các quy định khác, cần giải quyết vướng mắc để tiếp tục áp dụng trong giai đoạn tới; những chính sách không phù hợp, đề nghị bãi bỏ; những chính sách đến nay không còn là đặc thù do pháp luật đã điều chỉnh để áp dụng phổ cập.
Thứ ba, về đánh giá việc tổ chức thực hiện, Chính phủ cần đánh giá khách quan, chỉ rõ những vướng mắc, nguyên nhân của hạn chế dưới góc độ thể chế, pháp luật (cần làm rõ những điều khoản, văn bản nào, quy trình, thủ tục nào cản trở việc thực hiện), không nên chỉ nêu chung chung là vướng do quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cần nhận diện thẳng thắn những hạn chế do tổ chức thực hiện, trong đó chỉ rõ những vướng mắc thuộc trách nhiệm của Thành phố phải xử lý (như triển khai giải phóng mặt bằng, triển khai dự án…); vướng mắc do cơ chế phối hợp, không chỉ phụ thuộc vào Thành phố mà liên quan đến nhiệm vụ của các bộ ngành (vấn đề sắp xếp lại cơ sở nhà đất, điều chỉnh chủ trương đầu tư…).
Đồng thời, cần đánh giá trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Cụ thể là trách nhiệm của Thành phố, của các bộ, ngành liên quan, của Chính phủ, Quốc hội trong quá trình đưa Nghị quyết vào cuộc sống; làm rõ những mặt tích cực trong thực hiện trách nhiệm và cả những tổ chức, cá nhân chưa làm đúng trách nhiệm (nếu có)./.