ĐỀ XUẤT BỔ SUNG CÁC QUY ĐỊNH VỀ LOẠI GIAO DỊCH CÓ YẾU TỐ ĐẶC THÙ, CÓ TÍNH MỚI VÀO TRONG LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG (SỬA ĐỔI)

30/07/2022

Đóng góp ý kiến vào Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Thu Hà-Phó trưởng Ban Kiểm tra pháp chế thanh tra, Tập đoàn VNPT cho rằng cần bổ sung các quy định về loại giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới, trách nhiệm của người tiêu dùng, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch, phù hợp với thực tiễn và các quy định pháp luật.

Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng (sửa đổi): Dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4

Đề xuất các giải pháp, phương thức giải quyết tranh chấp hữu hiệu giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Trong hơn 10 năm thực thi (2011-2022), các quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời, kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, so với sự phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu của người dân, một số quy định trong dự án Luật không còn phù hợp với thực tiễn. Chính vì vậy, trong tháng 7/2022, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường triển khai Đoàn công tác làm việc tại các địa phương để phục vụ cho việc thẩm tra dự án Luật. Trong thời gian tới, dự kiến tổ chức hội thảo tại Quảng Ninh (vào tháng 8/2022), làm việc với các cơ quan về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), họp thẩm tra sơ bộ; báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 8 (từ ngày 15-19/8/2022); nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện báo cáo thẩm tra; tổ chức phiên họp toàn thể Ủy ban để thẩm tra dự án Luật; chuẩn bị nội dung cần báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị về dự án Luật; trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 tới.

Đóng góp ý kiến vào việc hoàn thiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Thu Hà-Phó trưởng Ban Kiểm tra pháp chế thanh tra, Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) khẳng định: Kể từ thời điểm Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có hiệu lực, Luật và các văn bản dưới luật đã góp phần tạo nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội đã làm xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, đặc biệt là các giao dịch trên môi trường điện tử, các giao dịch xuyên biên giới, các dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số... Bên cạnh đó, nhiều Luật mới liên quan đến các khía cạnh trong giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đã được ban hành hoặc sửa đổi bổ sung để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật Việt Nam như: Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật tố tụng dân sự 2015... Do đó, việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn:

Thứ nhất, quy định chưa đầy đủ trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; quy định chưa đồng bộ, thống nhất giữa Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 và các văn bản pháp luật có liên quan. Một số thuật ngữ chưa được quy định trong Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ví dụ “tranh chấp tiêu dùng” dẫn đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng khó xác định được các tranh chấp. Một số thuật ngữ còn chưa thống nhất giữa các văn bản pháp luật, đơn cử như: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 sử dụng thuật ngữ “hàng hóa khuyết tật”, thủ tục đơn giản”, nhưng Bộ luật dân sự 2015 lại sử dụng thuật ngữ “hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 sử dụng thuật ngữ “thủ tục rút gọn”.


Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó trưởng Ban Kiểm tra pháp chế thanh tra (Tập đoàn Bưu chính viễn thông).

Thứ hai, quy định về cơ chế giải quyết tranh chấp chưa phù hợp với thực tiễn. Trong 04 phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh quy định tại Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 thì phương thức “thương lượng” được triển khai có hiệu quả và phù hợp với thực tiễn của doanh nghiệp. Đối với các phương thức giải quyết tranh chấp khác, thủ tục giải quyết phức tạp hơn, tốn nhiều chi phí, thời gian của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 hiện nay quy định không được thương lượng trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trong việc giải quyết tranh chấp, thay mặt Tập đoàn VNPT, bà Nguyễn Thị Thu Hà kiến nghị đối với những tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng, nếu doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể thương lượng được thì vẫn được phép áp dụng phương thức giải quyết tranh chấp này.

Để hoàn thiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và có thể áp dụng vào cuộc sống một cách hiệu quả, bà Nguyễn Thị Thu Hà đưa ra một số đề xuất, kiến nghị. Theo đó, đối với hàng hóa có khuyết tật và thu hồi hàng hóa có khuyết tật, Điều 608 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”.

Theo quy định tại Điều 432 Bộ luật dân sự năm 2015: Chất lượng của tài sản mua bán do các bên thỏa thuận; Khi các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về chất lượng tài sản mua bán thì chất lượng của tài sản mua bán được xác định theo tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo tiêu chuẩn ngành nghề; Trường hợp không có tiêu chuẩn về chất lượng của tài sản đã được công bố, quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tiêu chuẩn ngành nghề thì chất lượng của tài sản mua bắn được xác định theo tiêu chuẩn thông thường hoặc theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với mục đích giao kết hợp đồng và theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trong khi đó, Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật, trừ trường hợp quy định tại Điều 24 của Luật này”.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, khác với Bộ luật Dân sự năm 2015 thì Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 không sử dụng cụm từ “hàng hoà không đảm bảo chất lượng” mà đề cập thẳng đến “hàng hóa có khuyết tật”. Không những khác nhau về thuật ngữ, hai văn bản quy phạm pháp luật còn khác nhau trong việc quy định vấn đề bồi thường thiệt hại. Nếu như Bộ luật Dân sự quy định chủ thể kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng thì phải bồi thường mà không yêu cầu các trường hợp thiệt hại cụ thể xảy ra thì Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng. Do vậy, để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống quy phạm pháp luật, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người tiêu dùng khi triển khai áp dụng, Tập đoàn VNPT kiến nghị thống nhất thuật ngữ trong hai văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời đưa ra các tiêu chí để đánh giá một sản phẩm không đảm bảo chất lượng làm căn cứ triển khai.

Về hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung: Theo quy định tại Điều 405 Bộ luật dân sự 2015, “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng gồm những điều khoản do một bên đưa ra theo mẫu để bên kia trả lời trong một thời gian hợp lý. Nếu bên được đề nghị trả lời chấp nhận thì coi như chấp nhận toàn bộ nội dung hợp đồng theo mẫu mà bên đề nghị đã đưa ra. Trong khi đó, khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định “Hợp đồng theo mẫu là hợp đồng do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo để giao dịch với người tiêu dùng.”

Cách tiếp cận của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 là chưa rõ ràng vì không phải bất cứ hợp đồng nào do người cung cấp hàng hóa, dịch vụ soạn thảo đều là hợp đồng theo mẫu (trừ những hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung áp dụng đối với những hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu). Trường hợp tổ chức, cá nhân kinh doanh soạn thảo trước hợp đồng nhưng khách hàng vẫn có quyền đàm phán, sửa đổi nội dung thì hợp đồng này là hợp đồng soạn sẵn, không phải là hợp đồng theo mẫu. Do vậy, Tập đoàn VNPT kiến nghị thống nhất quy định tại các văn bản pháp luật để doanh nghiệp thuận lợi trong quá trình áp dụng.

Về cơ chế giải quyết tranh chấp; vai trò hỗ trợ của cơ quan nhà nước, vai trò của tổ chức xã hội trong công tác giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh: Theo Điều 31 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông qua thương lượng không áp dụng đối với trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng. Tuy nhiên, để tranh chấp được giải quyết một cách đơn giản, tiết kiệm thời gian và chi phí của các bên, việc Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 giới hạn như trên là chưa phù hợp với thực tiễn.

Bổ sung quy định tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là tổ chức có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh bằng phương thức hòa giải. Việc bổ sung quy định này giúp cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Toà án hạn chế việc tốn thời gian, nhân lực hơn vào việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế, theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, đây là một trong những nội dung chính được đưa ra lấy ý kiến sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lần này. Do việc phát triển hệ thống Internet và số người dùng thiết bị di động tham gia ngày càng tăng mang đến nhiều cơ hội mới từ phía cầu thị trường trên cơ sở làm thay đổi thói quen mua hàng của người tiêu dùng, chuyển từ thói quen mua, bán truyền thống sang mua hàng hoá, dịch vụ thông qua nền tảng bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, việc mua hàng hoá, dịch vụ qua thương mại điện tử mang đến nhiều thuận lợi nhưng đi kèm theo đó là sự rủi ro trong giao dịch cho cả người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Vì vậy, việc bổ sung các quy định về loại giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới, trách nhiệm của người tiêu dùng, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong các giao dịch có tính mới, tính đặc thù là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay để phù hợp với thực tiễn cũng như phù hợp với các quy định pháp luật khác có liên quan./.

Bích Lan

Các bài viết khác