Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trình bày Tờ trình Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi)
Trình bày Tờ trình Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) tại Phiên họp thẩm tra sơ bộ do Ủy ban Pháp luật tổ chức, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, qua quá trình nghiên cứu, soạn thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) quán triệt những quan điểm, nguyên tắc sau: Quán triệt và cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác thanh tra; phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, tạo cơ sở pháp lý cho quá trình đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra trên cơ sở tinh thần của Nghị quyết số 18/NQ-TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 phù hợp với chức năng, nhiệm vụ về thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Đồng thời, Luật sửa đổi đáp ứng yêu cầu về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, bảo đảm phối hợp có hiệu quả giữa các công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán của bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Làm rõ và tăng cường trách nhiệm, thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc lãnh đạo công tác thanh tra, xử lý các vấn đề phát sinh được phát hiện qua hoạt động thanh tra, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, chấn chỉnh công tác quản lý, xử lý cán bộ vi phạm, thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, sử dụng sai mục đích. Sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 trên cơ sở tổng kết thực tiễn tổ chức và hoạt động thanh tra; kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Thanh tra hiện hành; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế đất nước; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của các nước trên thế giới về công tác thanh tra.
Làm rõ các quy định về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, Dự án Luật đã quy định về thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm: Thanh tra bộ, Thanh tra tổng cục, cục thuộc Bộ và Thanh tra sở. Cụ thể:
Thanh tra bộ là cơ quan của Bộ, giúp Bộ trưởng quản lý công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ; tiến hành thanh tra hành chính đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý của Bộ trưởng; tiến hành thanh tra chuyên ngành trong các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Thanh tra bộ chịu sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và chịu sự chỉ đạo về công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.
Thanh tra tổng cục, cục là cơ quan của tổng cục, cục thuộc Bộ, giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng thực hiện công tác thanh tra chuyên ngành, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Thanh tra tổng cục, cục chịu sự chỉ đạo, điều hành của Tổng cục trưởng, Cục trưởng và chỉ đạo về công tác chuyên môn, nghiệp vụ của Thanh tra bộ. Thanh tra tổng cục, cục chỉ được thành lập trong những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành có quy định cơ quan thanh tra hoặc theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Thanh tra sở là cơ quan của sở, giúp Giám đốc sở tiến hành thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Thanh tra sở chịu sự chỉ đạo, điều hành của Giám đốc sở và chịu sự chỉ đạo về công tác chuyên môn nghiệp vụ của Thanh tra tỉnh và Thanh tra bộ.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, Dự án Luật quy định việc thành lập Thanh tra sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập trên cơ sở quy định của các luật chuyên ngành về tổ chức, hoạt động cơ quan thanh tra; yêu cầu quản lý của từng lĩnh vực và tổ chức, bộ máy, biên chế được giao cho địa phương. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải thực hiện việc tổ chức, sắp xếp Thanh tra sở theo đúng quy định của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương và Nghị định số 107/2020/NĐ-CP ngày 14/9/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, Dự án Luật quy định mang tính nguyên tắc theo hướng Chính phủ quyết định thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước ở Trung ương và một số địa phương có chức năng, nhiệm vụ đặc thù trong tổ chức thi hành pháp luật (như lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm); đồng thời giao Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức thanh tra này./.