Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Bộ Công an về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tham dự cuộc làm việc về phía Đoàn giám sát còn có Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình, Phó Trưởng Đoàn giám sát; các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực, Ủy viên chuyên trách các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo Ban Dân nguyện, Ban Công tác đại biểu; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh là các thành viên Đoàn giám sát.
Về phía Chính phủ có Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ, các lãnh đạo, chuyên viên của Bộ Công an; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Uẩn.
Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình điều hành nội dung làm việc.
Phát biểu khai mạc cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, Đoàn giám sát làm việc với Bộ Công an là đơn vị thứ 6 của các đơn vị Bộ, ngành Trung ương. Bộ Công an là cơ quan thực hiện khối lượng công việc rất lớn trong quy trình tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng như đảm bảo an ninh, an toàn cho động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện bảo đảm an ninh, trật tư an toàn xã hội.
Ngành Công an với chức năng đặc thù trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thực hiện các khâu trong điều tra, tố tụng hình sự, quản lý thi hành án hình sự, với bộ máy bố trí ở cả 3 cấp địa phương. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ thường xuyên có mối liên hệ tác động trực tiếp đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, đảm bảo thực hiện các quyền công dân, quyền con người, trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ Công an vừa là chủ thể thực hiện luật, vừa là chủ thể bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, nội dung cuộc làm việc này nhằm nắm bắt những kết quả đạt được, các tồn tại, hạn chế trong triển khai pháp luật tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Công an; đánh giá toàn diện kết quả tham gia phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương để giải quyết khiếu nại, tố cáo cùng với chính quyền các cấp của Công an. Đó là cơ sở để đề xuất việc hoàn thiện thể chế pháp luật cũng như những giải pháp thực hiện tốt hơn các luật này trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương khẳng định, trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Bộ Công an vừa là chủ thể thực hiện luật, vừa là chủ thể bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật nói chung, trong đó có pháp luật tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần tập trung làm rõ một số nội dung chính sau:
Thứ nhất, làm nổi bật vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Công an trong việc quán triệt, cụ thể hóa Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện Luật Tiếp công dân, Luật Tố cáo, Luật Tố tụng hình sự, trong thực hiện quản lý hành chính đối với các lĩnh vực được giao.
Thứ hai, làm rõ kết quả xây dựng pháp luật, ban hành văn bản hướng dẫn, phân tích kỹ các nội dung chủ yếu mà công dân khiếu nại, tố cáo trong hoạt động của lực lượng công an…
Thứ ba, phân tích, làm rõ vai trò của lực lượng Công an trong việc tham gia cùng với chính quyền các cấp trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thứ tư, tổng hợp, rà soát và đánh giá 501 vụ việc phức tạp, kéo dài về an ninh trật tự.
Các vấn đề nêu trên cần có báo cáo chính xác về số liệu, các phụ lục chi tiết kèm theo và phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành để rà soát, thống nhất về mặt số liệu. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, trên cơ sở đánh giá những ưu điểm nổi bật để tìm ra cách làm hay, sáng tao trong lực lượng Công an, từ đó có đánh giá, động viên tiếp tục làm tốt hơn. Đồng thời cần nêu rõ và đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan một cách đầy đủ.
Tổ trưởng Tổ Công tác, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An báo cáo kết quả bước đầu và đề nghị báo cáo bổ sung làm rõ một số nội dung về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngáy 01/07/2016 đến ngày 01/07/2021”,
Báo cáo kết quả bước đầu và đề nghị báo cáo bổ sung làm rõ một số nội dung về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngáy 01/07/2016 đến ngày 01/07/2021”, Tổ trưởng Tổ Công tác, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An cho biết, Báo cáo số 119 của Bộ Công an cơ bản đã bám sát Đề cương, phụ lục, bảng biểu theo hướng dẫn; phản ánh khá toàn diện tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ trưởng trong 5 năm qua; chỉ ra những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và đề xuất một số kiến nghị cụ thể.
Tuy nhiên, Tổ Công tác nhận thấy trong báo cáo có một số nội dung còn chung chung, chưa rõ; một số nhận định cần có số liệu minh họa; cần thống nhất số liệu giữa phụ lục và nội dung; một số nội dung cần có sự so sánh giữa các giai đoạn trước và sau giám sát để làm rõ được thực tế diễn ra trong giai đoạn báo cáo.
Về kết quả tổ chức thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổ Công tác nhận thấy kết quả thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ là nổi bật. Theo đó, Báo cáo đã khái quát được tình hình chung về khiếu nại, tố cáo của công dân, những lĩnh vực, nội dung chủ yếu công dân khiếu nại, tố cáo. Cụ thể, tình hình khiếu nại, tố cáo thuộc trách nhiệm giải quyết của ngành Công an có xu hướng tăng. Khiếu nại, tố cáo chủ yếu về công tác hành chính trong lực lượng CAND, liên quan đến hoạt động công vụ của cán bộ, chiến sỹ, đặc biệt là khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tố tụng hình sự có xu hướng phát sinh nhiều đơn thư, có vụ việc kéo dài, gửi nhiều nơi, vượt cấp. Nội dung này Tổ công tác đã trao đổi, đề nghị lảm rõ và trong Báo cáo bổ sung của Bộ Công an đã đề cập cụ thể.
Tổ công tác cũng đánh giá cao Bộ Công an đã báo cáo tương đối chi tiết, có số liệu cụ thể về tình hình khiếu nại, tố cáo phức tạp ở 63 tình, thành, khái quát được các vấn đề nóng như tranh chấp đất đai (chiếm gần 70%), ô nhiễm môi trường, đòi hỏi quyền lợi nhà chung cư, chuyển đổi mô hình chợ, phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Báo cáo của Bộ cũng đã nêu rõ xu hướng, diễn biến thời gian gần đây liên quan đến an ninh, trật tự, đồng thời cũng đề cập tới các nguyên nhân để xảy ra các vụ việc phức tạp. Các nhận định này rất quan trọng, để Đoàn giám sát có thể tổng hợp, đánh giá chung về vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự trong công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Thiếu tướng, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an Nguyễn Ngọc Hiếu báo cáo bổ sung theo yêu cầu của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/07/2016 đến ngày 01/07/2021,
Báo cáo bổ sung theo yêu cầu của Đoàn giám sát về việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/07/2016 đến ngày 01/07/2021, Thiếu tướng, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết, toàn bộ số liệu trong Báo cáo số 119 đã được thống kê đầy đủ, bảo đảm theo các chỉ tiêu yêu cầu tại Đề cương, Phụ lục của Đoàn giám sát. Đồng thời cũng chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan khiếu nại tố cáo trong tố tụng hình sự có xu hướng tăng.
Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an nêu rõ, trong những năm qua, lãnh đạo Bộ Công an, thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên quan tâm chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng ngừa sai phạm trong CAND. Các vi phạm, khuyết điểm, tồn tại, hạn chế, yếu kém phải được phát hiện sớm, kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn nếu không sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, sức chiến đấu của lực lượng CAND, đến niềm tin của Đảng, Nhân dân đối với lực lượng CAND.
Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an cũng làm rõ thêm kết quả công tác tiếp công dân của Bộ trưởng, đề cập đến các tiêu chí để xác định 501 vụ việc khiếu kiện phức tạp về an ninh, trật tự; kết quả, diễn biến, xu hướng của 501 vụ việc đến nay; phân tích vai trò của lực lượng CAND trong tham gia giải quyết các vụ khiếu kiện đông người, phức tạp, đảm bảo an ninh, trật tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời đánh giá thêm về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đại diện Bộ Công an cũng làm rõ thêm về những khó khăn, vướng mắc trong công tác cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là cán bộ thanh tra cở cấp cơ sở.
Đại diện lãnh đạo Bộ Công an tham dự cuộc làm việc.
Qua thảo luận, đa số các ý kiến đánh giá Báo cáo của Tổ công tác rất toàn diện, chất lượng, khách quan, đánh giá cao Báo cáo của Bộ Công an, nhất là công tác hoàn thiện và xây dựng thể chế. Bộ Công an đã ban hành đầy đủ, sửa đổi nhiều và rất kịp thời, nhất là những Nghị định, Thông tư về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Qua đó cho thấy công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Công an được thực hiện tốt.
Một số ý kiến đề nghị Bộ Công an và Đoàn giám sát tiếp tục phân tích làm rõ, nhất là về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tố tụng hình sự, trong thực hiện các nhiệm vụ, lĩnh vực liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân; làm rõ thêm thông tin về xử lý cán bộ sai phạm (mức xử lý kỷ luật, lĩnh vực nào, cấp nào, đơn vị nào); hướng xử lý các vụ việc đang được giải quyết; về cách thức xử lý đối với kiến nghị, phản ánh; đánh giá thêm về tỷ lệ tố cáo đúng, có đúng có sai nguyên nhân từ đâu… Đề nghị Bộ Công an làm rõ thêm các nhận định, đánh giá, nhất là các vấn đề liên quan đến thể chế, công tác phối hợp giữa các cơ quan; đặc biệt cần đánh giá kỹ về công tác cán bộ, đội ngũ làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, bộ máy làm công tác thanh tra trong ngành Công an.
Một số đại biểu đề nghị cần có giải pháp vấn đề số hóa trong công tác tiếp công dân và khiếu nại, tố cáo để đáp ứng nhu cầu thực tiễn hiện nay. Có ý kiến đề nghị Bộ Công an cần đề xuất phương hướng, giải pháp khi xảy ra các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, cần tiếp tục tăng cường tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo phạm vi, quyền hạn của Bộ, đồng thời gắn liền với nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia. Bộ Công an là cơ quan nòng cốt, cần đặc biệt lưu ý giải quyết hài hòa các mối quan hệ này.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương - Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội biểu dương và đánh giá cao Tổ Công tác đã có buổi làm việc trước và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Bộ Công an, Báo cáo của Bộ công phu, bám sát mục tiêu, yêu cầu giám sát. Đoàn giám sát đánh giá cao Phụ lục sơ bộ và cho rằng Bộ Công an đã ban hành các văn bản, Nghị định, Thông tư tương đối đầy đủ về công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, đồng thời sửa đổi được nhiều trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Công an tiếp tục phối hợp các cơ quan của Bộ rà soát, bổ sung để chuẩn hóa số liệu, làm cơ sở cho Đoàn nhận định, đánh giá.
Trong thời gian tới, cùng với sự phát triển kinh tế, xã hội, các yếu tố phát sinh khiếu nại, tố cáo ngày càng lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục tăng cường tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo phạm vi, quyền hạn của Bộ, đồng thời gắn liền với nhiệm vụ giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia. Bộ Công an là cơ quan nòng cốt, cần đặc biệt lưu ý giải quyết hài hòa các mối quan hệ này.
Qua các báo cáo và ý kiến của Đoàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, kết quả của ngành công an về lĩnh vực này rất đáng trân trọng, có nhiều cách làm mới. Tuy nhiên nhiều nội dung cần phân tích, đánh giá kĩ hơn để kiến nghị sửa đổi pháp luật, hoạch định chính sách ở tầm vĩ mô, đồng thời lan tỏa cảm hứng hành động đến các cấp, các ngành. Đề nghị làm rõ những thuận lợi, khó khăn trong tổ chức bộ máy, nhất là các cán bộ Công an làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch của Bộ về lĩnh vực này. Tiếp tục rà soát, phát hiện bất cập, hoàn thiện các luật như Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tố tụng hình sự và các luật khác liên quan.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị Bộ Công an nghiêm túc tiếp thu tối đa các ý kiến, hoàn thiện Báo cáo gửi Đoàn giám sát. Đoàn sẽ tổng hợp và kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và báo cáo kết quả chuyên đề giám sát này với Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay./.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại cuộc làm việc:
Toàn cảnh cuộc làm việc.
Các đại biểu và thành viên Đoàn giám sát nghe Tổ trưởng Tổ Công tác, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An báo cáo kết quả bước đầu và đề nghị báo cáo bổ sung làm rõ một số nội dung về chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngáy 01/07/2016 đến ngày 01/07/2021”,
Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu nêu và cho biết sẽ tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu và thành viên Đoàn giám sát, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Báo cáo của Bộ.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Nguyễn Văn Hiển đề nghị Báo cáo cần phân tích sâu và đầy đủ hơn về tình hình, nguyên nhân và kết quả giải quyết 501 vụ việc khiếu kiện phức tạp về an ninh, trật tự.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành nêu rõ, Báo cáo của Tổ công tác rất toàn diện, chất lượng, khách quan, đồng thời đánh giá cao Báo cáo của Bộ Công an, nhất là công tác hoàn thiện và xây dựng thể chế. Bộ đã ban hành các văn bản dầy đủ, sửa đổi nhiều và rất kịp thời, nhất là những Thông tư, quy định giải quyết khiếu nại, tố cáo....
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh đồng tình với các Báo cáo và đề nghị cần có giải pháp vấn đề số hóa trong công tác tiếp công dân và khiếu nại, tố cáo.
Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tp. Hà Nội Đào Ngọc Chuyền đóng góp ý kiến vào Báo cáo của Bộ Công an.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Trần Thị Hoa Ry đề nghị Bộ Công an có giải pháp như thế nào khi có các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội?
Nguyên Phó Trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương đánh giá cao và ghi nhận những kết quả đạt được của Bộ Công an trong công tác tiếp công nhân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đồng thời đề nghị rà soát, xem xét có bao nhiêu vụ việc trùng mà Bộ Công an đề cập trong Báo cáo.
Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phạm Nam Tiến cho rằng nguyên nhân, tồn tại, hạn chế về kết quả tổ chức thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được nêu trong Báo cáo chưa cụ thể, đề nghị Bộ Công an làm rõ hơn nguyên nhân, tồn tại, hạn chế về nội dung này.
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lê Thị Nguyệt cho rằng, việc giải quyết của Bộ Công an về ý kiến, kiến nghị của cử tri rất kịp thời, đề nghị làm rõ hạn chế trong quá trình tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; sự phối hợp giữa trụ sở tiếp công dân ở Trung ương với chính quyền địa phương…
Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh kết quả tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đạt kết quả cao, qua đó cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo Bộ Công an giải quyết rất tốt về lĩnh vực này. Tuy nhiên đại biểu đề nghị Báo cáo của Bộ cần bổ sung thêm số liệu tiếp công dân của Công an địa phương.
Đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng đánh giá cao Báo cáo số 119 và Báo cáo giải trình làm rõ thêm của Bộ Công an, đồng tình với Báo cáo của Tổ công tác và cho rằng Báo cáo của Bộ Công an cần bổ sung thêm các số liệu, dẫn chứng cụ thể, làm cơ sở cho các nhận đính, đánh giá.
Các đại diện lãnh đạo Bộ Công an giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu liên quan đến thi hành án dân sự, thi hành án hình sự về tiếp công dân và giải quyết đơn thư, giải quyêt khiếu nại, tố cáo; về xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia nói chung và tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng....