Đánh giá bước đầu đối với báo cáo của Bộ Xây dựng về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổ công tác của Đoàn giám sát đề nghị Thanh tra Bộ cần mạnh dạn hơn nữa trong việc đề xuất một số vụ việc có nội dung phức tạp, kéo dài để Bộ trưởng tiếp và có ý kiến chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
Toàn cảnh cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Bộ Xây dựng về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo
Đánh giá bước đầu đối với báo cáo của Bộ Xây dựng về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổ công tác của Đoàn giám sát cho biết, báo cáo của Bộ Xây dựng được chuẩn bị nghiêm túc, đã cơ bản bám sát đề cương theo yêu cầu của Đoàn Giám sát, phản ánh khá toàn diện tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Xây dựng trong 05 năm qua, cung cấp nhiều số liệu cụ thể để minh chứng cho các đánh giá, nhận định về tình hình thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo giai đoạn 2016 - 2021; chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân.
Đối với công tác tiếp công dân, qua khảo sát trực tiếp tại địa điểm tiếp công dân của Bộ Xây dựng, xem xét, trao đổi, thu thập thông tin về tình hình tiếp công dân, Tổ công tác cho biết, mặc dù trong điều kiện cơ sở vật chất còn hạn chế, khó khăn nhưng được sự quan tâm của lãnh đạo Bộ, địa điểm tiếp công dân của Bộ được bố trí ở vị trí tương đối thuận lợi cho việc tiếp đón công dân đến thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và phản ánh; đồng thời dành riêng một phòng tiếp công dân định kỳ cho đồng chí Bộ trưởng thực hiện nghĩa vụ tiếp công dân theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Tiếp Công dân. Tại địa điểm tiếp công dân, việc niêm yết nội quy, quy chế tiếp công dân, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác tiếp công dân, quy trình tiếp công dân và xử lý đơn thư, lịch tiếp công dân định kỳ hàng tháng của đồng chí Bộ trưởng được niêm yết công khai, đầy đủ và nghiêm túc.
Tổ công tác nêu rõ, công tác quản lý, theo dõi việc tiếp công dân của Bộ được thực hiện bài bản, khoa học, đã thực hiện đúng các quy định về tiếp công dân. Tuy nhiên, qua khảo sát, việc ghi chép sổ tiếp công dân của năm 2020 có một số vụ việc chưa cập nhật đầy đủ, thiếu nội dung xử lý của cán bộ tiếp công dân; điều này có thể dẫn đến khó khăn trong việc quản lý, theo dõi kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Kim Anh, Tổ trưởng Tổ công tác trình bày báo cáo
Cùng với đó, việc tiếp công dân của người đứng đầu (Bộ trưởng) đã thực hiện đầy đủ theo quy định, nhiều vụ việc phức tạp, bức xúc đã được Bộ trưởng tiếp tại buổi tiếp định kỳ và tiếp đột xuất. Sau khi kết thúc tiếp công dân, Bộ Xây dựng đều ban hành Thông báo kết luận của Bộ trưởng đối với từng vụ việc.
Qua khảo sát, kiểm tra sổ tiếp công dân của Bộ trưởng và tại buổi làm việc, Tổ công tác kiến nghị Thanh tra Bộ cần mạnh dạn hơn nữa trong việc đề xuất một số vụ việc có nội dung phức tạp, kéo dài để Bộ trưởng tiếp và có ý kiến chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc, hạn chế tình trạng số buổi tiếp công dân định kỳ của Bộ trưởng không có công dân.
Đánh giá việc ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Tổ công tác cho biết, Bộ Xây dựng cơ bản đã ban hành ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện các quy định của Luật Tiếp công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, Bộ đã ban hành Quyết định số 972/QĐ-BXD ngày 14/11/2019 về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 35 CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị; Luật Tiếp Công dân, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân.
Tổ công tác chỉ rõ, để chấn chỉnh và hạn chế phát sinh vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, qua công tác tiếp nhận, xử lý đơn thư, Bộ Xây dựng đã tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện một số quy định của pháp luật liên quan đến quản lý, vận hành chung cư thương mại như: Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 13/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện các biện pháp nhằm rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan; Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 09/10/2018 về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/03/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt. Đặc biệt, để tăng cường công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên phạm vi toàn quốc, Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 15/9/2021 gửi Ủy ban nhân dẫn và Sở Xây dựng 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm chấn chỉnh và giải quyết tình trạng vi phạm về kinh phí bảo trì để kịp thời giải quyết những bức xúc, nguồn phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, với các vụ việc khiếu kiện phức tạp liên quan đến cải tạo, xây dựng mới chung cư cũ đã hết thời hạn sử dụng, có nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng. Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2021/ND-CP ngày 15/7/2021, trong đó đã có giải pháp căn bản, có hiệu quả về bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân ở tầng 1 của chung cư cũ góp phần hạn chế khiếu kiện của các hộ dân và hiệu quả, tiến độ thực hiện cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trên cả nước./.