DƯ ÂM PHIÊN CHẤT VẤN ĐẦU TIÊN CỦA UBTVQH KHOÁ XV: NHIỀU BÀI HỌC QUÝ CHO HOẠT ĐỘNG CỦA HĐND

19/03/2022

Thành công của phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV đã tạo dư âm tốt đẹp và niềm tin trong lòng cử tri cả nước. 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành công thương và tài nguyên - môi trường được đưa ra chất vấn là những vấn đề lớn, “nóng”, được dư luận quan tâm...

 

Thành công của phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV đã tạo dư âm tốt đẹp và niềm tin trong lòng cử tri cả nước. 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của ngành công thương và tài nguyên - môi trường được đưa ra chất vấn là những vấn đề lớn, “nóng”, được dư luận quan tâm vì sát thực tiễn cuộc sống, “trúng” tâm tư nguyện vọng của cử tri và Nhân dân. Thành công của phiên họp không chỉ khẳng định đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội mà còn giúp cơ quan dân cử địa phương học hỏi được nhiều bài học quý trong thực hiện sứ mệnh luật định và cử tri trao quyền.

Kinh nghiệm từ lựa chọn nội dung chất vấn

Thực tiễn cho thấy, nếu làm tốt khâu chuẩn bị thì xem như đã có 1/3 thành công đối với một hội nghị nói chung hay kỳ họp, phiên họp của cơ quan dân cử nói riêng, nhất là việc chuẩn bị nội dung cho phiên họp. Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ mới của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã khẳng định: Để chuẩn bị cho phiên chất vấn lần này, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan đã phối hợp chặt chẽ, khoa học, chuẩn bị tốt nhất về các điều kiện tổ chức, cũng như nội dung phiên họp.

Theo đó, trên cơ sở kết quả tập hợp kiến nghị của các Đoàn ĐBQH, phiếu chất vấn của ĐBQH, ý kiến, kiến nghị của cử tri, ý kiến về kinh tế - xã hội được ĐBQH quan tâm từ Kỳ họp thứ Hai đến trước phiên họp thứ 9, các nội dung trên lĩnh vực của ngành công thương và lĩnh vực tài nguyên - môi trường được Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn để đăng đàn. Đó là những nội dung chất vấn “có phạm vi rộng, ảnh hưởng và tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của Nhân dân; quản lý nhà nước không chỉ tập trung ở 2 bộ quản lý ngành nêu trên, mà còn liên quan đến các bộ, ngành liên quan”. Lựa chọn trúng vấn đề, cùng với tinh thần làm việc nghiêm túc, nêu cao trách nhiệm, phiên chất vấn và trả lời chất vấn sôi nổi, thành công, thỏa mong đợi của các bậc cử tri và Nhân dân.

Từ thành công của phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các cấp ở địa phương có thể rút ra bài học quý từ công tác chuẩn bị, nhất là khâu chuẩn bị nội dung. Mặc dù đã được quy định rõ nhưng thực tiễn có khá nhiều địa phương chưa thực hiện được, ở cấp huyện và xã lại càng ít. Từ thành công của phiên chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, HĐND các cấp ở địa phương cần nghiên cứu để vận dụng linh hoạt hình thức giám sát này trong phiên họp Thường trực HĐND giữa hai kỳ họp. Điều này không chỉ giảm sức nặng cho kỳ họp mà còn làm cho cơ quan dân cử năng động, đổi mới hơn - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh Nguyễn Thị Thùy bày tỏ.

“Cần học hỏi ngay qua phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa rồi trong việc lựa chọn vấn đề. Những vấn đề cử tri và Nhân dân quan tâm, vấn đề đang “nóng” ở địa phương rất dễ nhận biết. không khó để lựa chọn đưa ra phiên họp. Vấn đề ở đây là Thường trực HĐND có chủ động hay không” - Đại biểu Lê Hồng Thái, HĐND xã EaKao, TP. Buôn Ma Thuột phân tích.

Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh tham dự phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV - Ảnh: Nguyễn Hoa 

Rõ trách nhiệm với dân

Một yếu tố làm nên thành công của phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngoài công tác chuẩn bị, điều hành linh hoạt, uyển chuyển, biết gỡ “thắt” vấn đề của Chủ tọa, trách nhiệm của các đoàn ĐBQH, cá nhân người chất vấn và người được chất vấn đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo dõi các Bộ trưởng trả lời chất vấn lần này có thể thấy rất rõ trách nhiệm trước cơ quan dân cử và trước Nhân dân của các "tư lệnh" ngành. “Nhiều vấn đề được nêu ra, nhiều câu hỏi tái chất vấn để làm rõ nhưng Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên rất thẳng thắn, rõ ràng và trách nhiệm trong việc trả lời. Không trình bày dài dòng mà đi thẳng vấn đề, nhất là Bộ trưởng chỉ rõ trách nhiệm của Bộ cũng như nguyên nhân, các giải pháp tháo gỡ. Tôi thấy rất vui vì những vấn đề người dân đang quan tâm được đưa lên bàn nghị sự và người có trách nhiệm trả lời cũng rất rõ ràng, trách nhiệm trước Nhân dân” - cử tri Nguyễn Thanh Thủy, huyện Bố Trạch, Quảng Bình hồ hởi cho biết.

Kinh nghiệm từ diễn biến của phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể thấy, thành công của phiên họp ngoài lựa chọn trúng thì việc giải quyết vấn đề rõ trách nhiệm và hướng giải quyết thỏa đáng là điều quan trọng. Theo đó, bài học rút ra ở đây chính là cần nêu cao trách nhiệm của người chất vấn và người được chất vấn. Người chất vấn cần đeo bám vấn đề nếu được Thường trực HĐND lựa chọn đưa ra bàn nghị sự. Bên cạnh thông báo cho người được chất vấn nội dung, vấn đề chất vấn để có sự chuẩn bị, Thường trực HĐND cũng cần gửi các nội dung này cho các đại biểu HĐND để tiếp cận vấn đề, khảo sát thực tiễn, nghiên cứu tài liệu để chuẩn bị câu hỏi tái chất vấn để làm rõ trách nhiệm và gợi mở cùng Chủ trì “chốt” vấn đề.

Một bài học nữa cần rút ra từ phiên chất vấn đó chính là phát huy vai trò của các Tổ đại biểu HĐND (cấp tỉnh, huyện) và cá nhân đại biểu HĐND cấp xã trong việc thường xuyên liên hệ với cử tri, gửi các vấn đề cử tri phản ánh kiến nghị cũng như phản ánh, các vấn đề “nóng”, dư luận quan tâm về Thường trực HĐND sớm để Thường trực HĐND chủ động quyết định thời điểm tổ chức chất vấn, giải trình tại phiên họp. Ứng dụng triệt để công nghệ thông tin thông qua việc tường thuật trực tiếp phiên họp trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và hệ thống truyền thanh (ở cơ sở) để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)