Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo "Luận cứ khoa học và thực tiễn của việc xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở" do Bộ Công an tổ chức mới đây cho rằng, đã đến lúc cần luật hóa các lực lượng không chuyên trách hỗ trợ lực lượng chuyên trách trong công tác bảo đảm an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, xác định đúng tên gọi, chức năng, nhiệm vụ và có chính sách hỗ trợ đối với lực lượng này.
"Cánh tay nối dài" của Công an Nhân dân
Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở bao gồm công an xã bán chuyên trách, lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng, được xem như “cánh tay nối dài” của lực lượng công an nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT ở cơ sở.
Từ thực tiễn tại cơ sở, ông Nguyễn Ngọc Hiển, Phó Bí thư Đảng ủy phường Quán Toan (quận Hồng Bàng, TP. Hải Phòng) cho biết, từ khi thành lập, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thường xuyên phối hợp với cán bộ Tổ dân phố nắm tình hình địa bàn, tình hình Nhân dân, đã cung cấp cho công an phường 1.785 tin có giá trị phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, qua đó, góp phần khám phá các vụ phạm pháp hình sự, kinh tế, ma túy trên địa bàn đạt hiệu quả cao. Đồng thời, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT luôn làm tốt chức năng, nhiệm vụ, tích cực tham gia phối hợp với lực lượng công an phường trong công tác bảo đảm ANTT địa bàn.
Lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng đã chủ động tham mưu tốt cho Đảng ủy, UBND phường thực hiện các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, phòng, chống dịch bệnh… "Có thể nói, lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đã có những đóng góp xứng đáng trong công tác bảo đảm ANTT của địa phương, góp phần giảm áp lực công việc cho lực lượng công an phường khi phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên môn và chính trị của địa phương”, Phó Bí thư Đảng ủy phường Quán Toan nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc khẳng định, việc hình thành, duy trì và tổ chức hoạt động hiệu quả của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT xuất phát từ nhu cầu khách quan của công tác bảo đảm ANTT tại cơ sở. Thời gian qua, các lực lượng này hỗ trợ rất tích cực cho lực lượng công an trên các địa bàn tỉnh Tây Ninh trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án đạt trung bình hằng năm trên 90%; tham gia quản lý, giáo dục đối tượng tại cộng đồng dân cư; hòa giải trên hàng nghìn vụ mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân từ cơ sở, ngăn chặn không để xảy ra mất an ninh trật tự. Đồng thời, là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, chuyển tải kịp thời đến Nhân dân những quy định của pháp luật về an ninh trật tự, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội... để người dân kịp thời nhận diện, nâng cao ý thức cảnh giác và tự giác tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại nơi sinh sống, góp phần phòng ngừa tội phạm có hiệu quả.
Các dại biểu tham dự tại điểm cầu Hà Nội - Ảnh: Trung Thành
Chưa phát huy hết vai trò và tiềm năng
Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Học viện An ninh Nhân dân Nguyễn Trường Thọ, tổ chức, hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thời gian qua đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, đặc biệt là về cơ chế, chính sách, pháp luật. Cụ thể, văn bản quy phạm pháp luật quy định tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở chủ yếu là các văn bản dưới luật, có giá trị pháp lý không cao. Lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách có nhiều điểm tương đồng về tính chất hoạt động nhưng được quy định ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau, thiếu đồng bộ, chồng chéo. Các lực lượng này chưa được tổ chức thống nhất, chặt chẽ, dẫn tới việc chưa phát huy được hết vai trò, tiềm năng, chưa tạo thành một khối liên hoàn trong bảo vệ ANTT.
Nhất trí với những đánh giá nêu trên, nhiều đại biểu tham dự Hội thảo cho rằng, đã đến lúc phải luật hóa các lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, xác định rõ các lực lượng không chuyên trách hỗ trợ lực lượng chuyên trách trong công tác bảo đảm ANTT ở cơ sở bằng tên gọi, chức năng, nhiệm vụ và có chính sách hỗ trợ cụ thể.
Cùng nhìn nhận ở góc độ này, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, GS.TS. Hoàng Chí Bảo cho rằng, trên phương diện pháp lý, cần nhanh chóng xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Theo ông, việc ban hành và thực hiện tốt luật này chẳng những cần thiết mà còn cấp thiết, nhất là trước yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, đẩy mạnh đổi mới hệ thống tổ chức bộ máy, từ bộ máy Đảng, Nhà nước đến các tổ chức đoàn thể trong hệ thống chính trị, trong xã hội, tăng cường cải cách hành chính, tăng cường quyền làm chủ của Nhân dân trong mọi lĩnh vực của đời sống. Việc xây dựng Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở sẽ góp phần nâng cao chất lượng của hệ thống chính trị cơ sở, thực hiện quy chế và pháp lệnh dân chủ cơ sở hướng vào phục vụ đời sống của người dân, ổn định và phát triển đời sống của người dân.
“Việc xây dựng và tiến tới ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở còn là thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm của Đảng ta nhằm phục vụ và bảo vệ Nhân dân, thấm nhuần quan điểm quần chúng, quan điểm Nhân dân của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong bối cảnh, tình hình hiện nay", GS.TS. Hoàng Chí Bảo khẳng định.