Tại Phiên giải trình về nội dung “Dạy học trong bối cảnh COVID-19” được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Hơn 2 năm qua, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới các mặt đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là ngành Giáo dục. Kế hoạch năm học bị đứt đoạn, chương trình và nội dung giáo dục phải điều chỉnh khiến gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên và hơn 1 triệu giáo viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp; hơn 70.000 sinh viên không thể ra trường đúng hạn.
Phiên giải trình về nội dung “Dạy học trong bối cảnh COVID-19” được Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức vừa qua.
Việc học sinh phải ở nhà kéo dài, không có sự giao lưu, tiếp xúc trực tiếp đã ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục, sự phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện của trẻ em, học sinh, đặc biệt là về sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm thần. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc khuyến cáo, việc đóng cửa các trường học đã tạo ra một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn cho trẻ em. Ngoài sự chậm trễ trong việc học hành, nhiều trẻ em phải chịu sự cô lập xã hội và mức độ lo lắng tăng cao, thậm chí phải tiếp xúc với lạm dụng và bạo lực; một số nơi, việc đóng cửa trường học đã dẫn đến học sinh bỏ học, đi làm và kết hôn sớm.
Mặc dù Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ ngành đã đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt trong triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 và thực hiện mở cửa trường học an toàn, thích ứng với thực tiễn. Tuy nhiên, việc mở cửa trường học trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường đã và đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết, đặc biệt là yêu cầu bảo đảm an toàn sức khỏe cho thầy cô giáo, các em học sinh và bảo đảm chất lượng giáo dục.
Trước những thách thức trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị hữu quan cần làm rõ những khó khăn, thách thức đang đặt ra; các giải pháp để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho đội ngũ nhà giáo và người học. Ngoài ra, cần nhìn nhận, đánh giá kết quả của việc triển khai cùng lúc các phương thức dạy học, nhất là phương thức dạy học trực tuyến để từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục và sự phát triển toàn diện cho học sinh, sinh viên.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh.
Đề cập tình hình và đưa ra các giải pháp để mở cửa trường học an toàn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh khẳng định: Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cũng như triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tránh đứt gẫy các hoạt động giáo dục, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục. Bộ cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn toàn ngành thực hiện việc mở cửa trường học trở lại an toàn. Quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo là “kiên quyết, khẩn trương và chu đáo” để đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học tập trực tiếp an toàn trong thời gian sớm nhất.
Qua kiểm tra thực tế tại nhiều địa phương trong cả nước về công tác mở cửa trường học trở lại, chủ trương kiên quyết mở cửa trường học đưa học sinh tới trường học trực tiếp đảm bảo an toàn nhìn chung được xã hội, nhà giáo, phụ huynh và các chuyên gia ủng hộ, đồng tình, được đánh giá là đúng lúc và kịp thời. Lãnh đạo các địa phương đã thống nhất chủ trương và đã chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả, quyết liệt.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, để đảm bảo chất lượng học tập được tốt nhất khi học sinh quay trở lại trường học trong một thời gian dài nghỉ để phòng, chống dịch bệnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục đảm bảo tâm lý cho các em học sinh khi đến trường. Thầy, cô giáo có ứng xử phù hợp để hạn chế đến mức thấp nhất việc sang chấn tâm lý khi học sinh đến trường học trực tiếp. Nhất là hiện nay, theo khảo sát tại một số trường đại học xuất hiện tâm lý ngại đến trường học trực tiếp của một bộ phận sinh viên.
Tuy nhiên, việc mở cửa trường học trở lại cũng gặp một số khó khăn như số F0 là giáo viên, học sinh, sinh viên tiếp tục có diễn biến phức tạp. Một số địa phương có quan điểm khác nhau trong phòng, chống dịch bệnh trong các cơ sở giáo dục. Đặc biệt là một bộ phận phụ huynh học sinh còn chưa yên tâm cho con em đi học trở lại trực tiếp, nhất là đối với học sinh mầm non và tiểu học (đối tượng chưa được tiêm vắc xin). Cùng với đó, nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch. Kinh phí cho việc mua sắm thiết bị phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục và vệ sinh khử khuẩn còn thiếu.
Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh, giáo viên cũng như chất lượng giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết, Bộ kiến nghị nhiều giải pháp đồng bộ đối với Quốc hội, Chính phủ để công tác mở cửa trường học trở lại thực sự an toàn và có chất lượng. Đặc biệt cần phải ban hành các chính sách hỗ trợ đặc thù đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, giáo dục thường xuyên ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Cùng với đó, Chính phủ cần chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch nhất quán việc đưa trẻ em mầm non, học sinh đến trường đảm bảo an toàn. Quan tâm đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp.
Trước khó khăn do không đồng nhất trong việc xác định F0, F1 và các biện pháp cách ly, thời gian cách ly, Bộ Giáo dục và Đào tạo, quản lý các trường phổ thông, đại học và các chuyên gia Y tế kiến nghị với Bộ Y tế chuẩn lại cách phân loại F0, F1 theo tình hình thực tế hiện nay khi vắc xin đã phủ rộng để ổn định tâm lý xã hội.
Thạc sĩ Lê Thị Mai Hương- Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục.
Góp ý vào việc mở cửa trường học an toàn, Thạc sĩ Lê Thị Mai Hương- Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Tiểu học, THCS và THPT Thực nghiệm Khoa học Giáo dục nêu quan điểm, việc mở cửa trường học cũng như việc mở cửa các hoạt động kinh doanh dịch vụ hay hoạt động xã hội khác, sẽ bao gồm cả những cơ hội và những thách thức. Vì vậy, thứ nhất là cần phải có những thông tin chính thống, chi tiết, tin cậy để mọi người có cái nhìn toàn diện về vấn đề dịch bệnh và các ảnh hưởng của nó đến sức khỏe con người. Thứ hai là cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các nhà chuyên môn và nhà quản lý địa phương trong việc hướng dẫn chỉ đạo xử lý các vấn đề. Thứ ba là cần có các nguyên tắc cơ bản như xác định mức độ ưu tiên (sức khỏe, thực hiện kế hoạch giáo dục…), và cuối cùng là cần phải nhận được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh và nhà trường thì các vấn đề mới được căn bản giải quyết.
Nhấn mạnh về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương, cơ sở giáo dục hoàn thiện kế hoạch, phương án tổ chức dạy học bảo đảm an toàn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ sở giáo dục. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá toàn diện, đầy đủ tác động trước mắt và lâu dài của dịch COVID-19 tới hoạt động giáo dục ở tất cả cấp học và trình độ đào tạo; xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch cụ thể dạy và học trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch bệnh; Phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương, các cơ sở giáo dục hoàn thiện phương án tổ chức dạy học, tập huấn kịch bản ứng phó khi đưa học sinh, sinh viên trở lại trường học; Đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả, đảm bảo an toàn cho giáo viên, học sinh, sinh viên.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng đề nghị ngành Giáo dục cần chỉ đạo các cơ sở giáo dục bồi dưỡng, cũng cố kiến thức cho học sinh khắc phục những hạn chế bất cập trong thời gian học trực tuyến; chú trọng công tác tư vấn học đường để hỗ trợ học sinh sớm hòa nhập, trở lại trạng thái bình thường sau thời gian dài học trực tuyến; có kế hoạch học cập nhật, bổ sung kiến thức miễn phí cho học sinh./.