CẦN BẢO ĐẢM TÍNH KHẢ THI KHI GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG, DUY TU VÀ ỨNG PHÓ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRONG THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH

12/03/2022

Cho ý kiến tại Phiên họp thứ 9 về báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh, các ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bảo đảm tính khả thi khi giải phóng mặt bằng, duy tu, ứng phó biến đổi khí hậu trong thực hiện Dự án.

 

Báo cáo tại Phiên họp, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cho biết, Dự án đường Hồ Chí Minh là Dự án quan trọng quốc gia, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 38/2004/QH11 năm 2004. Dự án có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau), dài 3.183 km, tuyến chính dài 2.499 km, nhánh phía tây dài 684 km; đi qua 28 tỉnh, thành phố. Dự án dự định sẽ thông tuyến vào năm 2010. Tuy nhiên, để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 để điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Theo Bộ giao thông Vận tải, việc tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng là mục tiêu hết sức quan trọng để khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo khu vực phía Tây; căn cứ nhu cầu vận tải và điều kiện nguồn lực của quốc gia để phân kỳ đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh khu vực, Chính phủ xác định các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản để hoàn thành các mục tiêu trên.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, đề nghị Chính phủ rà soát lại tổng thể, toàn diện để điều chỉnh, bổ sung và xem xét việc tích hợp quy hoạch đường Hồ Chí Minh với Quy hoạch phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, các quy hoạch vùng khác có liên quan. Quy hoạch chi tiết của đường Hồ Chí Minh cần nghiên cứu, điều chỉnh lại hướng tuyến và điểm khống chế tại một số đoạn đường gần khu vực biên giới, chú ý việc gắn kết giữa giao thông vận tải với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu rõ, đối với phân kỳ đầu tư đến năm 2020, Dự án chưa đạt yêu cầu nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô 2 làn xe. Theo Báo cáo của Chính phủ, đến hết năm 2020 còn 07 đoạn với tổng chiều dài khoảng 279 km chưa triển khai, trong đó mới cân đối bố trí vốn cho 03 đoạn với tổng chiều dài 108 km, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Tính đến thời điểm hiện tại, để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh còn lại 171 km của 03 đoạn: Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Đoan Hùng - Chợ Bến và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận chưa bố trí vốn để triển khai thực hiện.

Về giải phóng mặt bằng, di dân, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chỉ ra rằng, theo Báo cáo của Chính phủ, còn hiện tượng cá biệt một số địa phương bàn giao mặt bằng chậm, không liên tục, ảnh hưởng đến tiến độ của Dự án. Ủy ban đề nghị Chính phủ có đánh giá cụ thể về việc giải phóng mặt bằng ở những địa phương bàn giao mặt bằng chậm; đánh giá kỹ hơn về sự phối hợp giữa các ngành chức năng tại một số địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí lại dân cư, chuyển đổi sản xuất, nhất là đối với những đoạn gần khu vực biên giới chưa được quan tâm đúng mức; làm rõ trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc giải phóng mặt bằng chậm và triển khai quy hoạch, đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội chậm làm hạn chế đến hiệu quả tổng hợp của công trình.

Thực tế cho thấy, do quy định phạm vi hành lang của đường Hồ Chí Minh khá rộng, trong khi Nhà nước chưa có điều kiện đền bù giải tỏa, cho nên đời sống của rất nhiều hộ dân sinh sống trong phạm vi cắm mốc giới gặp nhiều khó khăn. Đề nghị nghiên cứu đề xuất những giải pháp bảo đảm tính khả thi trong điều chỉnh quy hoạch, giải phóng mặt bằng, di dân và thực hiện Dự án.

Về công tác khai thác, vận hành, quản lý, duy tu, bảo dưỡng, Ủy ban cơ bản nhất trí với những đánh giá về công tác khai thác, vận hành, quản lý, duy tu bảo dưỡng, theo báo cáo của các Bộ, ngành và các địa phương có tuyến đường đi qua. Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập đến việc quản lý khai thác toàn tuyến và các đoạn tuyến sau khi hoàn thành.

Về công tác bảo đảm hành lang an toàn giao thông, Ủy ban nhận thấy, vẫn còn xảy ra tình trạng lấn chiếm và xây dựng công trình trái phép trong phạm vi hành lang an toàn giao thông đường bộ của đường Hồ Chí Minh. Mặc dù mật độ dân cư còn khá thưa, lưu lượng xe trung bình ngày đêm trên tuyến đường Hồ Chí Minh chỉ bằng 1/10-1/20 lưu lượng xe trung bình lưu hành trên quốc lộ 1A, nhưng tình hình tai nạn giao thông trên tuyến cũng khá phức tạp. Để khắc phục tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp cố tình vi phạm, đồng thời tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ.

Về công tác bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu, qua khảo sát thực tế, Ủy ban nhận thấy có những đoạn tuyến chịu ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu gây ra; tại thời điểm triển khai Dự án chưa cập nhật kịp thời kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xảy ra tình trạng sụt trượt, lún, nhất là đối với các tuyến đường ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong giai đoạn đầu thực hiện Dự án, các vấn đề bảo vệ môi trường được xem xét, tính toán kỹ lưỡng, tuy nhiên trong giai đoạn sau có nơi, có lúc chưa được quan tâm đúng mức, nhất là các khu vực có tính đa dạng sinh học cao nơi tuyến đường đi qua.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu vấn đề, đoạn Cổ Tiết - Chợ Bến thuộc dự án thành phần đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến đã thực hiện giải phóng mặt bằng lâu rồi, người dân rất trông chờ, tuy nhiên, theo Báo cáo của Chính phủ, Dự án này cần chuyển đổi phương thức đầu tư BOT sang đầu tư công do không khả thi về tài chính. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải làm rõ vấn đề này, nếu cần thiết thì sẽ lấy ý kiến khu dân cư chịu tác động của dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại Phiên họp

Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới chỉ rõ, Chính phủ cần tập trung vào những việc cụ thể cần làm để kết thúc dự án. Đặc biệt, sau 18 năm triển khai dự án, nhiều đoạn đường đã xuống cấp, nhất là đất nền yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, do đó phải có kế hoạch trùng tu; khảo sát đặc điểm của từng vùng, đoạn đường để có kế hoạch triển khai cụ thể.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện dự án, chưa đáp ứng tiến độ và yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội vì đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu trồng toàn tuyến với quy mô tối thiểu hai làn xe; cần xem xét tổng thể các nguyên nhân chủ quan khách quan về trách nhiệm của địa phương, của Trung ương để đánh giá một cách toàn diện cho việc thực hiện dự án này. Đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh báo cáo theo hướng thực hiện tiếp các đoạn, tuyến đang dở dang; rà soát nhu cầu, hiệu quả đầu tư trong điều kiện có nhiều tuyến đường đã và đang triển khai, sự phù hợp quy hoạch giao thông và khả năng cân đối ngân sách, khả năng huy động nguồn lực của xã hội để thực hiện từng đoạn tuyến đáp ứng yêu cầu phát triển của từng thời kỳ; báo cáo cấp thẩm quyền quyết định theo từng đoạn tuyến./.

Hồ Hương