UBTVQH ĐỀ NGHỊ CẦN XÁC ĐỊNH RÕ MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐƯỜNG HỒ CHÍ MINH TRONG GIAI ĐOẠN SAU NĂM 2020

11/03/2022

Cho ý kiến tại Phiên họp thứ 9 về báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 66/2013/QH13 đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Dự án trong giai đoạn sau năm 2020.

 

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ Giao thông Vận tải cho biết, việc tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng là mục tiêu hết sức quan trọng để khai thác tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo khu vực phía Tây; căn cứ nhu cầu vận tải và điều kiện nguồn lực của quốc gia để phân kỳ đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh khu vực, Chính phủ xác định các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản để hoàn thành các mục tiêu trên.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy nêu rõ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ bản tán thành với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Chính phủ đề ra trong việc tiếp tục thực hiện Dự án đường Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Tuy nhiên, về thời gian, cần xác định rõ tiến độ thực hiện Dự án đã không đáp ứng được phân kỳ đầu tư theo yêu cầu của Nghị quyết và xác định rõ thời gian thực hiện từ năm 2022 để phù hợp với thời điểm hiện tại.

Đối với nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025, Ủy ban đề nghị Chính phủ tích cực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, thanh quyết toán kịp thời, hoàn thành các dự án đang triển khai thực hiện dở dang, sớm đưa vào khai thác, sử dụng. Đối với các dự án còn lại, một số dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, một số dự án khác đang được đề nghị chuyển đổi phương thức đầu tư. Do đó, đề nghị cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, lựa chọn phương án đầu tư thiết thực, hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày báo cáo thẩm tra 

Ủy ban đề nghị Chính phủ xem xét, cân đối, bố trí nguồn vốn thích hợp và quyết tâm hoàn thành các dự án thành phần còn lại trong giai đoạn 2021-2025, cụ thể như sau: Dự án Chợ Chu - Ngã Ba Trung Sơn dài 28,5km. Hoàn thành tuyến đường này sẽ rút ngắn được khoảng cách đường bộ từ Chợ Mới - Chợ Chu (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên), đến Ngã ba Trung Sơn (huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang), góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh và xây dựng nông thôn mới khu vực này. Dự án Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận: dài 55km khi hoàn thành sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long; góp phần giữ vững quốc phòng, an ninh khu vực biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Dự án Cổ Tiết - Chợ Bến: dài 87,5 km thuộc Dự án Đoan Hùng - Chợ Bến, hiện nay đi trùng với quy hoạch cao tốc phía Tây.

Về nguồn vốn, trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn và phải dành nguồn lực cho các mục tiêu quan trọng khác, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, có phương án cân đối nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và phạm vi vốn đầu tư công trung hạn bằng nguồn ngân sách nhà nước đã được phân bổ cho Bộ Giao thông vận tải theo Nghị quyết số 29/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội để hoàn thành 03 dự án thành phần nói trên, thực hiện việc nối thông toàn tuyến, góp phần hoàn thiện Dự án.

Đối với việc nâng cấp một số đoạn theo phân kỳ đầu tư, Nghị quyết số 66/2013/QH13 quy định “nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật Đầu tư công, điều kiện quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án là “Không trùng lặp với các chương trình, dự án đã có quyết định chủ trương đầu tư hoặc đã có quyết định đầu tư”. Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ làm rõ các dự án đi trùng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các dự án đi trùng cao tốc Bắc Nam phía Tây để thống nhất quản lý trong quá trình chuẩn bị, thực hiện đầu tư và khai thác, bảo đảm hạn chế sự trùng lặp, để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư, phát huy các kinh nghiệm, giải pháp hữu ích về cơ chế, chính sách, giải phóng mặt bằng, môi trường, khoa học, công nghệ, huy động và phân bổ vốn đầu tư…

Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu việc đầu tư nâng cấp tuyến đường trong giai đoạn tiếp theo, thực hiện theo quy trình đối với dự án mới, bảo đảm phù hợp với quy hoạch giao thông và tuân thủ theo quy định của pháp luật; cân nhắc kỹ về việc xác định thời hạn hoàn thành các dự án cao tốc trong Báo cáo để phù hợp với Quy hoạch và nguồn lực hiện nay, bảo đảm tính khả thi; xem xét, sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng đảm bảo quy mô 04 làn xe của Quốc lộ 1A từ thành phố Cà Mau, đường Hồ Chí Minh từ Năm Căn đến Đất Mũi.

Cho ý kiến về việc tiếp tục đầu tư hoàn chỉnh đường Hồ Chí Minh theo quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tích cực chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, thanh quyết toán kịp thời, hoàn thành các dự án đang triển khai thực hiện dở dang, sớm đưa vào khai thác, sử dụng. Đối với các dự án còn lại, một số dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, một số dự án khác đang được đề nghị chuyển đổi phương thức đầu tư. Do đó, đề nghị cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng, lựa chọn phương án đầu tư thiết thực, hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Nguyễn Phú Cường nêu rõ, đối với phân kỳ đầu tư sau năm 2020, một số đoạn đường Hồ Chí Minh được quy hoạch là đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây; một số đoạn đi trùng cao tốc Bắc - Nam phía Đông, triển khai đầu tư một số đoạn theo giai đoạn phân kỳ; một số đoạn tuyến khác đã được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025…Do đó, cần rà soát để đảm bảo không bị chồng chéo, trùng lặp các dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho ý kiến

Khẳng định sự cần thiết, khẩn trương hoàn thành đầu tư các dự án thành phần tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng giai đoạn tiếp theo Chính phủ cần có báo cáo chi tiết, cụ thể hơn để Quốc hội chủ động trong công tác giám sát về phân kỳ đầu tư, hình thức đầu tư, vốn, tiến độ đảm bảo của các dự án thành phần còn lại.

Kết luận một số nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến thẩm tra và ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn chỉnh báo cáo theo hướng thực hiện tiếp các đoạn, tuyến đang dở dang; rà soát nhu cầu, hiệu quả đầu tư trong điều kiện có nhiều tuyến đường đã và đang triển khai, sự phù hợp quy hoạch giao thông và khả năng cân đối ngân sách, khả năng huy động nguồn lực của xã hội để thực hiện từng đoạn tuyến đáp ứng yêu cầu phát triển của từng thời kỳ; báo cáo cấp thẩm quyền quyết định theo từng đoạn tuyến./.

Hồ Hương - Nghĩa Đức