CẦN ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG KỸ LƯỠNG VIỆC ĐƯA NGƯỜI TỪ ĐỦ 12 TUỔI ĐẾN DƯỚI 18 TUỔI VÀO CƠ SỞ CAI NGHIỆN BẮT BUỘC

11/03/2022

Cho ý kiến về dự thảo Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, tại phiên họp thứ 9 của UBTVQH, nhiều ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ lưỡng tác động trên nhiều phương diện như chế độ chính sách, các điều kiện bảo đảm cai nghiện,…

Toàn cảnh Phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cơ bản nhất trí với Tờ trình của Tòa án Nhân dân tối cao cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư Pháp về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Nhấn mạnh đây là đối tượng rất dễ bị tổn thương và giai đoạn đang có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất với Hiến pháp, các luật có liên quan như Luật Trẻ em, Luật Thanh niên, Luật Khám chữa bệnh,… cũng như các điều ước Quốc tế Việt Nam đã ký kết.

Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội 

Cho rằng Báo cáo đánh giá tác động chưa đầy đủ/toàn diện, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần đánh giá cả các tác động tiêu cực của chính sách, nhất là tác động xã hội, đối tượng cụ thể là trẻ em, thanh niên, gia đình và xã hội. Từ đó, làm cơ sở để lựa chọn giải pháp thực hiện đảm bảo tính khả thi. "Đề nghị cần đánh giá tác động chính sách, tác động xã hội đầy đủ hơn, trong đó có tác động tích cực và tiêu cực của Pháp lệnh này đối với lứa tuổi từ 12 đến dưới 18, có sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, nhà giáo và giải pháp hiệu quả khi áp dụng bởi đối tượng là trẻ em...”,  Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan cho biết, Ủy ban Xã hội đã có ý kiến rất kỹ về nội dung đánh giá tác động trong báo cáo tham gia thẩm tra. Phó Chủ nhiệm Ủy ban đề nghị, cần phải có đánh giá tác động về đối tượng của người từ 12 đến dưới 18 tuổi đang sử dụng trái phép ma túy. Vì một số cơ sở cai nghiện ma túy hiện nay đang quá tải, đang chưa đủ điều kiện để có thể tiếp nhận thêm hoặc đảm bảo các điều kiện về cai nghiện ma túy.

 Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban cũng cho biết, cơ sở cai nghiện ma túy cũng là một trong những danh mục phải lập quy hoạch, được đưa ra trong Nghị định số 110/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Có quy hoạch này cho nên có chương trình mục tiêu, có được bố trí ngân sách để thực hiện chương trình cai nghiện ma túy. Tuy nhiên đã hết nhiệm vụ, hết chương trình được sử dụng ngân sách để thực hiện việc cai nghiện ma túy. Vì vậy, hiện nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng rất khó khăn trong thực hiện việc nâng cấp trang thiết bị, đảm bảo điều kiện cai nghiện ma túy. “Đề nghị cần báo cáo đánh giá tác động về nguồn lực, về khả năng để tiếp nhận, về số lượng các người cai nghiện ở mức độ này như thế nào, để đảm bảo khi pháp lệnh ban hành có tính khả thi,..”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, để ban hành Pháp lệnh phải cung cấp thêm khía cạnh thực tế, có đánh giá cụ thể về thực trạng.

Cho rằng đây là vấn đề xã hội, phải có các biện pháp để làm sao thực hiện tốt công tác phòng, chống ma túy và kết hợp với giáo dục, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị bổ sung thêm hiện trạng người từ 12 đến dưới 18 tuổi đang sử dụng trái phép ma túy; đánh giá về cơ sở vật chất cũng như nguồn lực thực hiện.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình sự cần thiết phải ban hành Pháp lệnh để thực hiện quy định tại khoản 5 Điều 33 của Luật Phòng, chống ma túy. Đánh giá cao quy trình xây dựng, thẩm tra dự án, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Pháp lệnh được TANDTC chủ trì nghiêm túc, tiếp thu nhiều ý kiến của cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan, hồ sơ dự án Pháp lệnh cơ bản đạt yêu cầu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ 

Đồng tình với một số ý kiến phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cần đánh giá tác động kỹ lưỡng/đầy đủ hơn, không chỉ là tạo cơ sở pháp lý để tòa xem xét, quyết định đưa người nghiện vào cơ sở bắt buộc, làm tăng khối lượng của tòa án cấp huyện mà còn các vấn đề khác liên quan đến kinh tế, xã hội, ngân sách, đầu tư, cơ sở vật chất, dự kiến nguồn lực,… cũng cần phải đánh giá đầy đủ. “Đề nghị Ủy ban Tư pháp khi trình để biểu quyết thông qua Pháp lệnh phải báo cáo tiếp thu, giải trình, đánh giá rất kỹ việc này. Nói là thực hiện thủ tục rút gọn mà không đánh giá tác động là không được,… Đề nghị phải đánh giá kỹ tác động và lắng nghe đầy đủ ý kiến của các bộ, các cơ quan”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu Tòa án Nhân dân tối cao phối hợp với các cơ quan của Chính phủ (đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) làm rõ thêm Báo cáo đánh giá tác động. Trong đó, lưu ý đánh giá về thực trạng các cơ sở cai nghiện bắt buộc trên cả nước, chế độ chính sách, các điều kiện bảo đảm cai nghiện và trong đó có những điều kiện bảo đảm cho trẻ em; thực trạng, quy định hiện hành, chế độ, những vấn đề cần lưu ý để đảm bảo tính khả thi của việc tiến hành các trình tự, thủ tục quyết định xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc,… Đồng thời, thông qua đó, Thường vụ Quốc hội sẽ có văn bản đề nghị với Chính phủ quan tâm hơn đến các điều kiện và chế độ bảo đảm, để thực hiện các quy định của Luật Phòng, chống ma túy liên quan đến điều này./.

Lan Anh