CẦN TĂNG CƯỜNG HẬU KIỂM PHIM PHÁT HÀNH TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

21/02/2022

Thảo luận tại Hội nghị góp ý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, nhiều đại biểu cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi lần này cần có quy định tăng cường hậu kiểm phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng.

 

Toàn cảnh hội nghị

Qua nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được các chuyên gia đánh giá đã có nhiều bước tiến về chất lượng so với trước đây. Dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung nhiều nội dung như: bổ sung một số chính sách cụ thể nhằm huy động nguồn lực của Nhà nước, của toàn xã hội tham gia phát triển điện ảnh, xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh; làm rõ chính sách về phát triển nguồn nhân lực; bổ sung các chính sách thu hút đầu tư và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân nước ngoài vào hoạt động điện ảnh Việt Nam; cụ thể hóa quy định về phổ biến phim trên các nền tảng; đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện ảnh…

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, sau khi được Quốc hội khoá XV cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Ban soạn thảo và Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục đã có sự phối hợp chặt chẽ, có nhiều trao đổi, tiếp thu các ý kiến đóng góp hoàn thiện dự thảo Luật, làm sao cho dự thảo Luật hiệu quả, có đời sống lâu hơn, để Điện ảnh Việt Nam được tạo điều kiện phát triển hơn trong thời gian tới. Sau thời gian nghiên cứu từ thực tế cũng như các ý kiến đóng góp bằng nhiều hình thức, dự thảo Luật hiện còn 8 chương, 49 điều trong đó đã rút gọn lại một số điều.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông tại hội nghị

Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho biết, một số nội dung cơ bản của dự thảo Luật đã thống nhất phương án chỉnh lý, giải trình, tiếp thu như về đối tượng áp dụng hoặc về chính sách Nhà nước phát triển điện ảnh. Dự thảo Luật cũng đã gom nội dung các khoản 1, 2, 3, 6 của Điều 6 về phát triển công nghiệp điện ảnh thành khoản 1 của Điều 5 (mới) để các chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh tránh phân tán, dàn trải ở nhiều điều khác nhau trong dự thảo Luật. Đồng thời, quy định cụ thể các hoạt động được hưởng ưu đãi về tín dụng, thuế, đất đai để có căn cứ sửa đổi các luật chuyên ngành (khoản 3 Điều 5).

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng cho biết, quy định về việc phổ biến phim trên không gian mạng là vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian qua. Vì thế tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về việc đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý ở từng cấp; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phổ biến phim, trong đó có trách nhiệm cung cấp công cụ kiểm duyệt tự động, cảnh báo cũng như công cụ cho người xem báo cáo vi phạm để cơ quan nhà nước phát hiện kịp thời, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý nhà nước gỡ bỏ những vi phạm khi có yêu cầu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý, bổ sung các quy định như tại điểm đ, e, g khoản 1, khoản 2, khoản 6 Điều 21 dự thảo Luật…

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), dự kiến trình Quốc hội khoá XV xem xét thông qua tại kỳ họp vào tháng 5 tới, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật lần này đã tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, các Bộ, ngành, chuyên gia, nên đã dần hoàn thiện, có nhiều điểm, rõ ràng, tiến bộ, khả thi hơn.

Quan tâm đến nội dung phát hành phim trên không gian mạng, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, cần tăng cường hậu kiểm với các bộ phim phổ biến trên không gian mạng. Các đại biểu nhận định, việc quản lý phim trên không gian mạng là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) lần này, bởi trong xu thế của công nghệ thông tin hiện nay, xuất hiện rất nhiều loại hình chiếu phim trên mạng, cùng với nhiều ứng dụng xem phim trực tuyến như Galaxy, FPT Play, Netflix, hay YouTube…

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp, Nguyễn Quỳnh Liên phát biểu

Phát biểu ý kiến về nội dung này, đại diện Bộ Tư pháp, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự hành chính Nguyễn Quỳnh Liên cho biết, Bộ Tư pháp đồng tình với quan điểm cần tăng cường hậu kiểm các phim phổ biến trên không gian mạng, vì thực tế cho thấy chúng ta không đủ nhân lực và công cụ để có thể kiểm duyệt phim trên mạng trước khi chiếu, nên quá trình tiền kiểm là khó khả thi. Vì thế với phim chiếu trên không gian mạng, chúng ta cần kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm, tuy nhiên cần tăng cường hình thức hậu kiểm nhiều hơn, tăng cường trách nhiệm của các đơn vị phát hành, phổ biến phim cũng như đánh vào ý thức của người xem, tránh đặt gánh nặng tiền kiểm lên các cơ quan quản lý nhà nước trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, phổ biến, phát hành phim trên mạng.

Qua thảo luận, các đại biểu cũng cho rằng, tăng cường hậu kiểm là phù hợp với xu hướng và thông lệ quốc tế, tuy nhiên trong một số trường hợp nếu chỉ áp dụng phương án hậu kiểm có thể xảy ra nguy cơ bỏ lọt các bộ phim ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng an ninh, đối ngoại. Do đó, các đại biểu cho rằng, cần quy định phương án kết hợp tiền kiểm và hậu kiểm một cách hợp lý, trong đó hậu kiểm là chủ yếu, tiền kiểm đối với phim có ảnh hưởng xấu đến chính trị, tư tưởng, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, và đảm bảo phù hợp với điều kiện, khả năng quản lý của cơ quan nhà nước./.

Thu Phương

Các bài viết khác