GIA ĐÌNH LÀ GỐC RỄ ĐỂ NGĂN CHĂN BẠO LỰC TRẺ EM

17/02/2022

Thảo luận tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức vừa qua, các chuyên gia đã chỉ ra những vụ việc bạo hành trẻ em thương tâm trong thời gian gần đây đều bùng nổ ở những gia đình hôn nhân không hạnh phúc.

 

Nạn nhân của những cuộc hôn nhân tan vỡ

Trong thời gian gần đây, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em với tính chất nghiêm trọng gây bức xúc lớn đối với dư luận xã hội. Nhất là khi trẻ em bị xâm hại, bạo hành bởi chính những thành viên thân thuộc, gần gũi trong gia đình – môi trường đáng ra phải là nơi an toàn đối với trẻ.

Toàn cảnh tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã chỉ ra điểm chung trong đặc điểm tâm lý thủ phạm là sự thoái hóa về nhân cách, với các đặc điểm lệch lạc như: Tính ích kỷ cao độ, tuyệt đối hóa lợi ích cá nhân, lối sống vị kỷ, hưởng thụ, thói quen dùng bạo lực để giải tỏa bức xúc tâm lý trong giao tiếp xã hội, coi thường các chuẩn mực về đạo đức và pháp luật.

Bên cạnh đó, người liên quan trực tiếp sau hung thủ là chính bố hoặc mẹ của nạn nhân. Họ cũng thờ ơ, đồng tình với hành vi bạo lực đó. Các đại biểu cho rằng, rất có thể trong họ tồn tại suy nghĩ đứa con như một trở ngại với người mới; hay còn nhắc họ nhớ về những nỗi đau buồn với người cũ. Qua vụ việc bé gái 8 tuổi bị mẹ kế bạo hành đến chết tại thành phố Hồ Chí Minh; vụ bé gái 3 tuổi bị người tình của mẹ đóng đinh ở đầu tại Hà Nội…, chúng ta có thể thấy, trẻ em đều là những nạn nhân của những cuộc hôn nhân tan vỡ; kẻ trực tiếp bạo hành với trẻ chủ yếu là mẹ kế, chồng hờ, nhân tình của bố, mẹ bé. Nhất là ở những trường hợp ly hôn, việc giành giật nuôi con không phải từ tình thương, mà đôi khi chỉ vì tâm lý trả thù. Bên cạnh đó, ly hôn khiến những đứa trẻ không được sống cùng cả cha và mẹ trong một mái nhà, mà phải sống cùng với cha hoặc mẹ cùng người tình của cha hoặc mẹ, do vậy, ngoài việc họ trút những áp lực cuộc sống hàng ngày lên bé còn có những cơn ghen bằng những trận đòn roi.

Cũng có nnhững gia đình sau khi ly hôn sẽ không dành đủ sự quan tâm, chăm sóc cần thiết cho các em dẫn đến các em trở thành nạn nhân của bạo lực, thậm chí là xâm hại tình dục. Các chuyên gia cho rằng, những gia đình ly hôn là những gia đình gặp những vấn đề bất thường, thiếu cân bằng các chức năng, vai trò của các thành viên trong gia đình. Một gia đình có những rối loạn chức năng như vậy thì vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần, rối loạn trong gia đình dễ ảnh hưởng tới từng thành viên trong gia đình, đặc biệt là đối tượng trẻ em. Chính vì thế, trong một số vụ việc gần đây, trong các gia đình hậu ly hôn, trẻ em gặp rủi ro cao hơn trong các vấn đề liên quan đến bạo lực và xâm hại. Mặc dù không phải gia đình nào bố mẹ ly hôn, trẻ em cũng bị bạo lực, nhưng các đại biểu cho rằng, đây chính là đối tượng mà chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn bởi các em có nguy cơ gặp rủi ro cao hơn.

Gia đình hạnh phúc sẽ ngăn được bạo lực

Hiện đã có đầy đủ quy định pháp luật về quyền trẻ em, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng như đường dây nóng…Dù vậy, phải nhìn nhận là các cơ chế hoạt động vẫn chưa thực tế và kém hiệu quả. Khung pháp lý nhiều nhưng chưa hiệu quả trong răn đe, phòng ngừa các vụ bạo hành trẻ em.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, bạo hành trẻ em trong gia đình nay đã trở thành hiện tượng xã hội, chứ không còn là những vụ việc đơn lẻ, theo thống kê gần đây đã có 7 – 8 vụ việc bạo hành trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng trong gia đình, trẻ bị đánh đập tàn nhẫn trong thời gian dài. Nó thể hiện sự xuống cấp đạo đức trong gia đình. Từ nhiều năm nay, xã hội đã xem nhẹ vấn đề giáo dục gia đình, thiếu hỗ trợ các bậc cha mẹ kỹ năng, kiến thức chăm sóc con em và bảo vệ trẻ.

Các đại biểu cho rằng, để phòng ngừa các vụ bạo hành trẻ em, cần phải sớm khắc phục những vấn đề trên. Đặc biệt, cần làm sao để khôi phục truyền thống văn hóa gia đình Việt Nam, xây dựng gia phong, gia đạo, nề nếp, ông bà, cha mẹ nêu gương, con cháu thảo hiền. Bởi yếu tố  ngăn chặn bạo lực gia đình hiệu quả nhất chính là gìn giữ mái ấm gia đình bền vững và hạnh phúc.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cũng chỉ ra, hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta còn lỗ hổng trong việc chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19, phụ huynh các gia đình đối mặt với nhiều  áp lực tâm lý từ công việc, cuộc sống... hơn trước đây. Trên đời này, cha mẹ là người yêu thương con vô điều kiện, vậy nên nếu những người cha mẹ, bạo hành hoặc đồng tình việc bạo hành với chính con ruột mình thường là những người ít nhiều có vấn đề về sức khỏe tâm thần, mắc bệnh lý về rối loạn cảm xúc, hoang tưởng, mà chưa được phát hiện và can thiệp kịp thời, chứ người bình thường sẽ không thể có những hành xử như vậy.

Giải pháp để trẻ em không bị tổn thương sau khi bố mẹ ly hôn, các chuyên gia cho rằng, điều này cần phải sự phối hợp ở nhiều phía.Với cha mẹ trẻ cần hiểu đứa con là kết tinh của yêu thương. Đối với những người thân như ông bà, cô dì chú bác hai bên… là hệ thống đỡ đầu và giám hộ thông qua việc thăm hỏi thường xuyên nhằm kết nối mối quan hệ với con cháu mình.

Đặc biệt, sau khi tòa phán quyết và xử ly hôn xong, chúng ta cần phải có những hệ thống đôn đốc, giám sát việc hiện trách nhiệm nghĩa vụ của các bên đối với trẻ; có hệ thống hỗ trợ tâm lý hôn nhân trước, trong, sau quá trình ly hôn, bởi khi tâm của người chăm sóc trẻ bình thường, không có vấn đề tâm lý nào thì những đứa trẻ không còn là cái cớ cho người lớn trút xả bức xúc tâm lý vào nữa./.

Thu Phương