BẠO HÀNH TRẺ EM: THAY ĐỔI NHẬN THỨC NGƯỜI DÂN VÀ ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG TỐ GIÁC TỘI PHẠM.

15/02/2022

Thảo luận tại tọa đàm tham vấn chuyên gia về tăng cường thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống bạo lực trẻ em do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục tổ chức, nhiều chuyên gia cho rằng để bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực trong gia đình, giải pháp cốt lõi là cần tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân trong tố giác tội phạm bạo hành trẻ em và thói quen giáo dục trẻ em bằng đòn roi.

 

Toàn cảnh tọa đàm

Trong những năm gần đây, tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Nguyên nhân trước hết là nhận thức của gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ và phần nào bị xem nhẹ. Nhiều người coi chuyện đánh con là bình thường. Sự dồn nén tâm lý của một người do những khó khăn về kinh tế hoặc vì các chất kích thích... đều có thể là nguyên nhân dẫn đến bạo hành trẻ em. Thời gian phải giãn cách xã hội do dịch COVID-19 vừa qua cho thấy sự hạn chế di chuyển và các biện pháp cách ly khác kèm theo áp lực về xã hội, kinh tế hiện hữu... đã làm tăng bạo lực gia đình, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ.

Qua thảo luận, các đại biểu đã chỉ ra những nguyên nhân chính gây nên các vụ bạo hành trẻ em trong gia đình. Thứ nhất, các đại biểu cho rằng, nhận thức gia đình về vấn đề bảo vệ trẻ em hiện nay chưa đầy đủ và phần nào đó còn bị xem nhẹ, nhiều thói quen, phong tục, tập quán như văn hoá “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”  bấy lâu nay khiến cho người ta coi chuyện đánh con là “bình thường” đó là quyền của cha mẹ phải dạy cho con nên người mà vô tình chính cha, mẹ cũng không biết được rằng, bạo lực đối với con trẻ thường có tính chất thăng hạng qua mỗi lần bạo hành. Lần sau sẽ bạo lực mạnh hơn, nghiêm trọng hơn lần trước…

Đòn roi trong giáo dục là câu chuyện không mới và bao giờ cũng khơi lên những tranh luận trái chiều về phương pháp dạy dỗ. Từ xưa đến nay, nhiều người Việt vẫn dùng roi uốn nắn một đứa trẻ chưa ngoan. Tuy nhiên, có khá nhiều trường hợp đến tận lúc trưởng thành vẫn không thể quên những ám ảnh về trận đòn trong tuổi thơ. Rồi có người lại đi vào vết xe đổ của bố mẹ, dùng roi vọt dạy con, lớn tiếng nạt nộ con và biện minh bằng bài học cũ "thương cho roi cho vọt".

Viện trưởng Viện nghiên cứu bền vững Nguyễn Phương Linh tại tọa đàm

Nguyên nhân thứ 2 mà các đại biểu chỉ ra đó là tâm lý “đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Trong khi đó, trẻ em là đối tượng không có khả năng tự bảo vệ, nhất là nhóm trẻ em dưới 3 tuổi. Trẻ nhỏ không thể lên tiếng, không biết tự bảo vệ, thậm chí ở độ tuổi này trẻ có lên tiếng có thể cũng không ai tin và không ai giúp đỡ. Lấy ví dụ từ vụ việc bé gái 3 tuổi ở Hà Nội bị người tình bạo hành, ban đầu là những trận đòn roi, sau đó là uống thuốc trừ sâu, nuốt đinh vít và đỉnh điểm là lần lượt 9 cái đinh đóng vào đầu bé. Tất cả những hành động rất dã man nhưng không ai hay biết, không ai tố giác tội phạm.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu bền vững Nguyễn Phương Linh, chính tâm lý này người dân đã vô tình để những vụ việc bạo hành kéo dài và gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Đây là một trong những nguyên nhân sâu xa mà chúng ta cần phải thay đổi.

Những vụ việc bạo hành trẻ em trong gia đình gây hậu quả nghiêm trọng trong thời gian gần đây là lời nhắc nhở, cảnh báo những người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ cần đặc biệt quan tâm đến trẻ. Việc này bắt đầu từ gia đình, cộng đồng môi trường xung quanh trẻ. Đã đến lúc quyền trẻ em cần được nhận thức và phương pháp giáo dục con cái của mỗi gia đình cũng cần thay đổi, nhận thức của người dân trong tố giác tội phạm bạo hành trẻ em trong gia đình cũng cần thay đổi./.

Thu Phương – Nghĩa Đức