TS.CẤN VĂN LỰC: BAN HÀNH CƠ CHẾ THỬ NGHIỆM TẠI VIỆT NAM LÀ CẦN THIẾT VÀ PHÙ HỢP

09/02/2022

Tại hội thảo quốc tế Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp, Đại sứ quán Anh tổ chức tại Hà Nội, TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế đưa ra nhận định, việc ban hành cơ chế thử nghiệm trên thế giới đang ở giai đoạn “bão hòa/chín muồi” nhưng việc ban hành cơ chế thử nghiệm tại Việt Nam tại thời điểm hiện nay là cần thiết và phù hợp.

Ts. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

TS.Cấn Văn Lực cho biết, cơ chế thử nghiệm (Regulatory Sandbox) trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) đã được Ngân hàng Nhà nước bắt đầu nghiên cứu từ năm 2019, và đang trong giai đoạn hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, Nghị định này mới chỉ dừng lại ở lĩnh vực ngân hàng, nhiều khả năng cần mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác.

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai cơ chế thử nghiệ cho Fintech tại Anh, Ts. Cấn Văn Lực khẳng định, cơ quan quản lý tài chính của Vương quốc Anh (FCA) là cơ quan đầu tiên trên thế giới nghiên cứu và áp dụng bài bản Sandbox như một trong những phương pháp để điều chỉnh Fintech.

Qua phân tích Sandbox tại Anh, TS.Cấn Văn Lực nhấn mạnh, nước Anh đã đặt việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo mang lại lợi ích cho người dùng lên hàng đầu, do vậy số lượng Fintech tham gia thử nghiệm trong Sandbox là rất lớn, cần tính toán nguồn lực hỗ trợ cụ thể. Tuy nhiên, không loại trừ việc các tổ chức tài chính lợi dụng Sandbox cho việc quảng bá thương hiệu của mình. FCA có tiếp cận mở đối với Sandbox về cả đối tượng, lĩnh vực và phạm vi địa lý (trong nước, xuyên biên giới), cũng như sử dụng Sandbox như một công cụ điều tiết chính sách trong đại dịch Covid-19.

TS.Cấn Văn Lực cũng cho biết thêm, cách tiếp cận Sandbox của Thái Lan tương đối thận trọng với mục tiêu chủ yếu là thử nghiệm chính sách, số lượng đơn vị tham gia khá hạn chế. Việc triển khai Sandbox có nhiều lợi ích, tuy nhiên cũng gây ra trở ngại trong việc phối hợp giữa các đơn vị quản lý khác nhau. Kết quả của các Sandbox, ngoài việc phê duyệt triển khai chính thức/ cải cách pháp lý… , mà còn là cơ sở để mở rộng sang các nước để hình thành các Sandbox xuyên biên giới. Bên cạnh đó, việc hình thành Trung tâm hỗ trợ Fintech và Bộ phận chuyên trách quản lý – vận hành Sandbox là cần thiết.

Tại Úc, khung pháp lý thử nghiệm Sandbox đã được Chính phủ Úc áp dụng cho các Fintech từ năm 2016. Được xây dựng bởi Ủy ban quản lý chứng khoán và đầu tư Úc (ASIC), khung pháp lý này được triển khai dưới dạng miễn trừ giấy phép, trong đó các công ty Fintech sẽ được giảm bớt một số điều kiện xin giấy phép so với các doanh nghiệp bình thường.

Tuy nhiên, việc miễn giảm giấy phép này cũng có rất nhiều hạn chế để cân bằng giữa việc hỗ trợ các doanh nghiệp sáng tạo và bảo vệ người tiêu dùng khỏi các sản phẩm kém chất lượng. Do đó, khung pháp lý thử nghiệm của Austrailia không đạt được kết quả như kỳ vọng trong giai đoạn từ năm 2016-2020, với chỉ 7 công ty Fintech tại Úc sử dụng. Đến tháng 9/2020, Ủy ban chứng khoán và đầu tư Úc đã cập nhật và thay thế nó bằng một “Cơ chế thử nghiệm cải tiến” để cải thiện những hạn chế của khung pháp lý cũ.

Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm các nước và thực tế hoạt dộng tại Việt Nam, Ts. Cấn Văn Lực đưa ra 8 khuyến nghị về "Cơ chế thử nghiệm cho Fintech" như sau:

Thứ nhất, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định Cơ chế thử nghiệm hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng, làm tiền đề để xây dựng các Sandbox trong các lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm,…vv. Kinh nghiệm của Thái Lan cho thấy việc triển khai nhiều Sandbox đã thúc đẩy thị trường tài chính nói chung (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán), Bộ Tài chính Việt Nam có thể nghiên cứu Sandbox cho thị trường vốn và bảo hiểm như mô hình của Thái Lan. Tuy nhiên, cần lưu ý cơ chế phối hợp giữa các đơn vị quản lý (NHNN, Bộ Tài chính, Bộ KH&CN, Bộ TT&TT, Công an,… vv) do Fintech có thể hoạt động ở đa lĩnh vực pháp lý. Đồng thời, mô hình của Sandbox nên theo chuẩn chung (có cấp phép và kiểm soát) để tránh thất bạ.

Thứ hai, xác định mục tiêu chính của Sandbox là mục tiêu thử nghiệm chính sách, hay mục tiêu tạo ra sản phẩm đổi mới vì lợi ích của người dùng. Sandbox của Việt Nam nên lựa chọn mục tiêu thử nghiệm chính sách như Thái Lan và Singapore, cần tuyển chọn kỹ lưỡng số lượng tổ chức tham gia vào thử nghiệm (khoảng 5 -10 đơn vị/Sandbox). Như vậy, sẽ phù hợp với nguồn lực giám sát của NHNN hiện nay. Kết quả của Sandbox sẽ là cấp phép đầy đủ cho Fintech hoặc những cải cách về pháp lý trong dài hạn tại Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý xảy ra sự thiên vị trong xét duyệt, khi chủ yếu các đơn vị tham gia Sandbox là tổ chức tín dụng lớn, kỳ lân công nghệ mà không có các công ty khởi nghiệp.

Thứ ba, không coi Sandbox là giải pháp duy nhất để thúc đẩy đổi mới sáng tạo tài chính. Hiện nay chưa có nghiên cứu định lượng đo lường hiệu quả kinh tế trực tiếp mà Sandbox mang lại. Do vậy, Chính phủ cần có cách tiếp cận linh hoạt và chủ động với hoạt động của Fintech như: thành lập Trung tâm hỗ trợ Fintech (tư vấn về mặt pháp lý cho Fintech), triển khai các Chương trình Regtech (kêu gọi các đơn vị công nghệ tham gia giải quyết các vấn đề trong công tác quản lý),…

Thứ tư, cần lường trước chi phí khi triển khai Sandbox. Các đơn vị FCA, UNSGSA và Worldbank đều đưa ra khuyến nghị về nguồn lực cho việc vận hành Sandbox có thể lớn hơn nhiều so với dự tính ban đầu của nhà quản lý. Do vậy, các nhà quản lý Việt Nam nên có cách tiếp cận thận trọng. Đồng thời, nên thành lập một nhóm chuyên gia phối hợp với các Chuyên gia công nghệ để vận hành Sandbox (như Thái Lan).

Thứ năm, tư duy mở rộng Sandbox. Hội  nhập tài chính là vấn đề mà Việt Nam luôn thúc đẩy trong thập kỷ gần đây. Với yêu cầu này, việc sử dụng hệ thống thanh toán xuyên biên giới, dùng chung tiêu chuẩn tài chính sẽ sớm trở nên phổ biến. Do vậy, sua khi triển khai Sandbox và thu được các kết quả, các Cơ quan quản lý Việt Nam cần nghiên cứu hợp tác với các nước trong khu vực để mở rộng Sandbox và học hỏi kinh nghiệm triển khai.

Thứ sáu, về dài hạn, xem xét mở rộng Sandbox theo hướng cụ thể hóa cho các lĩnh vực và đối tượng khác, không chỉ giới hạn ở lĩnh vực ngân hàng.Kinh nghiệm của Singapore là mở rộng để bao trùm các đối tượng Fintech lớn đến nhỏ/rủi ro thấp đến cao, hay Thái Lan là bao trùm các lĩnh vực của hệ thống tài chính (ngân hàng, thị trường vốn và bảo hiểm); hoặc không giới hạn lĩnh vực như Anh. Ngoài ra, việc sử dụng Sandbox nhưu một công cụ điều tiết chính sách cũng cần được cân nhắc, như Vương quốc Anh sử dụng “Digital Sandbox” để thúc đẩy sáng kiến trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn vì dịch Covid-19.

Thứ bảy, nâng cao năng lực thanh tra giám sát, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mạnh mẽ hơn, nhất là lĩnh vực tài chính. Điều này cũng kéo theo tội phạm mạng cũng tăng cao. Do vậy, NHNN cần nâng cao khả năng thanh tra giám sát của mình trong lĩnh vực công nghệ tài chính, hoặc gián tiếp thông qua việc tăng cường hoạt động giáo dục tài chính cho khách hàng.

Thứ tám, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các giải pháp để đảm bảo an toàn bảo mật trong việc chia sẻ dữ liệu giữa Ngân hàng và Fintech khi triển khai Sandbox. Tại Việt Nam, mô hình Fintech kết hợp với Tổ chức tín dụng triển khai các loại hình sản phẩm dịch vụ khá là phổ biến. Vấn đề đặt ra là đảm bảo an toàn cho việc kết nối dữ liệu giữa hai tổ chức này, tránh rủi ro rò rỉ thông tin, rủi ro danh tiếng, … Theo dó, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét thử nghiệm ban hành chuẩn dữ liệu mở, Trung tâm cơ sở dữ liệu chung giữa các ngân hàng và Fintech,…/.

Lê Anh - Nghĩa Đức