PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI: KHÔNG CHỦ QUAN, ĐẢM BẢO THÀNH CÔNG CHO KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ NHẤT

30/12/2021

Chiều 30/12, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo Văn phòng Quốc hội nhằm rà soát công tác chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV.

 

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo

Tham dự cuộc họp có: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; đại diện Thường trực các cơ quan của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội.

Báo cáo một số nội dung công tác chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thị Thúy Ngần cho biết, kỳ họp bất thường sẽ được tiến hành theo hình thức trực tuyến, dự kiến kỳ họp diễn ra trong 5 ngày làm việc (từ ngày 04 – 11/01/2022). Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 4 nội dung quan trọng gồm: dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của một số luật; chủ trương đầu tư dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ và dự thảo; dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đến thời điểm này, các nội dung của kỳ họp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến kỹ lưỡng, thận trọng, nhiều lần. Các cơ quan hữu quan đã và đang tích cực, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu để kịp gửi đến các đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc kỳ họp.

Toàn cảnh buổi làm việc

Công tác thông tin, tuyên truyền được chia thành 3 giai đoạn (trước, trong và sau kỳ họp), bảo đảm sự chủ động, có tính dự báo trước cũng như bảo đảm công tác chỉ đạo, phối hợp, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng giữa các cơ quan, đơn vị nhằm triển khai hiệu quả hoạt động truyền thông về kỳ họp.

Kỳ họp bất thường diễn ra trong bối cảnh tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, do đó, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, Văn phòng Quốc hội đã có văn bản đề nghị Bộ Y tế xây dựng Kế hoạch chi tiết bảo đảm công tác y tế về phòng, chống dịch Covid-19 cho kỳ họp và các hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường. Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế các địa phương phối hợp với Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội bảo đảm công tác y tế và phòng, chống dịch Covid-19 phục vụ kỳ họp.

Về các điều kiện bảo đảm khác, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, đến nay, công tác phục vụ các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần… đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng phục vụ kỳ họp.

Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc

Tại cuộc làm việc, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan đã thảo luận, góp ý kiến về công tác chuẩn bị nhằm bảo đảm thành công cho kỳ họp bất thường sắp tới.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, chủ trương của lãnh đạo Quốc hội là trên cơ sở bám sát tình hình đất nước, đối với những vấn đề lớn, quan trọng, phức tạp, có tính thời điểm, Quốc hội sẽ không chờ đến kỳ họp theo thông lệ mà khi cần thiết sẽ tổ chức kỳ họp bất thường nhằm giải quyết ngay những vấn đề cấp bách xã hội đặt ra. Đây chính là sự đổi mới quyết liệt của Quốc hội về phương thức hoạt động.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lưu ý, đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường, các nội dung của kỳ họp đều là những vấn đề lớn, quan trọng, phức tạp, thời gian chuẩn bị không nhiều. Do đó, từ quy trình các bước chuẩn bị, đến kịch bản ứng phó với các tình huống xảy ra đều phải rà soát kỹ lưỡng, trong trạng thái sẵn sàng, chủ động mức cao nhất.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Văn phòng Quốc hội phối hợp với các Uỷ ban và các cơ quan hữu quan tích cực, khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tài liệu gửi đến các vị đại biểu Quốc hội trước khi khai mạc kỳ họp, đảm bảo đủ thời gian cho đại biểu quốc hội nghiên cứu. Cần đẩy mạnh công  tác phối hợp, tăng cường hoạt động tiếp công dân trong thời gian diễn ra kỳ họp. Đặc biệt lưu ý, công tác phòng, chống dịch Covid-19 phải luôn ở mức cao nhất, không chủ quan, lơ là. Công tác thông tin, tuyên truyền cần nâng cao, đổi mới, sáng tạo, chú trọng tính đi trước, tạo sự liền mạch, tính liên tục./.

Dương Dung