NHẬN DIỆN RÕ LỢI ÍCH VÀ RỦI RO TIỀM ẨN KHI PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM

29/12/2021

Tại hội thảo khoa học “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế ban đêm và hàm ý chính sách đối với Việt Nam” do Viện Nghiên cứu lập pháp tổ chức, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, kinh tế ban đêm đang ngày càng được nhiều quốc gia chú trọng khai thác và được coi là một động lực tăng trưởng kinh tế mới nhưng cần nhận diện rõ lợi ích cũng như những rủi ro tiềm ẩn.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Nội hàm về kinh tế ban đêm

Theo Ths.Trần Thị Thu Thủy, Viện Nghiên cứu lập pháp, mặc dù, kinh tế ban đêm đã được nhiều quốc gia quan tâm, tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có một định nghĩa hay một khái niệm thống nhất về kinh tế ban đêm. Việc xác định giới hạn các lĩnh vực hay thời gian hoạt động kinh tế ban đêm hiện nay có sự khác nhau giữa các quốc gia.

Chia sẻ về khái niệm này, Ths.Trần Thị Thu Thủy cho biết, có quốc gia quan niệm kinh tế ban đêm theo nghĩa rộng, đó là tất cả các hoạt động xã hội, văn hóa và sản xuất diễn ra trong khung thời gian ban đêm. Ví dụ, ở ÚC, kinh tế ban đêm bao gồm các hoạt động kinh doanh nhằm phục vụ nhu cuaafu tiêu dùng của con người vào ban đêm. Úc đã phân loại hoạt động kinh tế ban đêm gồm 03 phần: phần lõi, ngoài lõi, nhóm cung ứng.

Tuy nhiên, có quốc gia lại quan niệm theo nghĩa hẹp hơn, đó là tập hợp các hoạt động của nền kinh tế văn hóa diễn ra ban đêm, chủ yếu là các hoạt động và trải nghiệm mang tính giải trí (không bao gồm ngành công nghiệp mại dâm). Ví dụ, chính quyền thành phố New York đã xác định kinh tế ban đêm gồm 5 lĩnh vực chính, đó là: nghệ thuật; quán bar; dịch vụ ẩm thực; thể thao và giải trí. “Nhìn chung, phần lớn các nước đều quan niệm kinh tế ban đêm theo nghĩa hẹp", Ths.Trần Thị Thu Thủy nhấn mạnh.

TS.Trần Thị Thu Hương, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng

Phân tích về nội hàm kinh tế ban đêm, TS.Trần Thị Thu Hương, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng cho rằng, đa số các nước Châu Âu đều quan niệm kinh tế ban đêm theo nghĩa hẹp và xác định khung giờ hoạt động kinh tế ban đêm là từ 6 giờ chiều hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Nghiên cứu về kinh tế ban đêm ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ, Ths.Phạm Thiên Hoàng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nêu rõ, các hoạt động kinh tế đêm đã có từ nhiều năm ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, những năm gần đây thì vai trò của kinh tế đêm ngày càng được nhấn mạnh như một bộ phận hợp thành trong nền kinh tế tổng thể của nhiều quốc gia, đóng góp vào tăng trưởng, nâng tầm hình ảnh và danh tiếng của các thành phố, đồng thời nâng cao trải nghiệm của người dân. Kinh tế đêm đã trở thành biểu tượng sức sống của các đô thị. Các đô thị hàng đầu lâu đời như London, New York, hay mới nổi như Bắc Kinh, Bangkok đều có nền kinh tế đêm phát triển sôi động và giàu bản sắc. 

Trong dòng chảy tất yếu của nền kinh tế đêm, Việt Nam cũng đang nỗ lực nghiên cứu và hoạch định các chính sách phù hợp nhằm khơi dậy tiềm năng và thúc đẩy các hoạt động kinh tế đêm phát triển theo hướng năng động, hiệu quả và bền vững. Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam đặt dấu mốc then chốt kích hoạt và mở đường cho kinh tế ban đêm phát triển bài bản như một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Lợi ích và rủi ro tiềm ẩn có thể phát sinh khi phát triển kinh tế ban đêm

Từ góc độ văn hóa, Ths.Trần Thị Thu Thủy cho rằng, đêm cũng là không gian cơ bản để tăng cường giao tiếp xã hội và phát triển ý thức bản thân, đặc biệt là cho giới trẻ. Các hoạt động giải trí vào ban đêm giúp người dân thấy hạnh phúc, vui vẻ hơn và thành phố sống động hơn.

Từ góc độ kinh tế, lợi ích của kinh tế ban đêm giúp góp phần tái cấu trúc ngành công nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu nhập mới cho địa phương và cho quốc gia; tái thiết và phát triển khu vực đo thị và các khu vực không được sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định trong ngày; Khuyến khích tiêu dùng nội địa và tạo nguồn thu thuế cho địa phương; Nuôi dưỡng ngành du lịch, thu hút khách du lịch;…

Bên cạnh những lợi ích mang lại , Ths.Trần Thị Thu Thủy cũng chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn có thể phát triển kinh tế ban đêm như: Xuất hiện vi phạm về an toàn giao thông và gây rối trật tự công cộng;  Kinh tế ban đêm có thể vô tình trở thành môi trường thuận lợi, làm gia tăng các loại tội phạm và kéo theo những tệ nạn xã hội phổ biến như mại dâm, buôn bán ma túy, trộm cắp, cướp bóc, cờ bạc.

Ngoài ra, theo Ths.Trần Thị Thu Thủy, còn có những rủi ro tiềm ẩn khác cần nhận diện như: có thể tiêu tốn một khoản chi phí xã hội không mong muốn như chi phí chăm sóc sức khỏe, chi phí bảo vệ môi trường, chi phí lắp đặt hệ thống chiếu sáng, hệ thống camera giám sát,… Hơn nữa, tiếng ồn khiến cho một bộ phận cư dân ở trung tâm thành phố, đô thị không ngủ được, dẫn đến ảnh hưởng tới sức khỏe, tinh thần và trong nhiều trường hợp đã ảnh hưởng đến năng suất lao động. Các doanh nghiệp ở trung tâm thành phố có thể cũng phải chịu các chi phí liên quan đến sửa chữa các thiệt hại nhỏ do hành vi phá hoại (đập phá hoặc vẽ bậy) của những người tham gia hoạt động ban đêm; Xuất hiện chênh lệch điều kiện kinh tế - xã hội, lai căng văn hóa, chiếm dụng trái phép không gian công cộng, rủi ro về cháy nổ, quá tải về dịch vụ công, ô nhiễm môi trường;…

Ở góc tiếp cận khác, TS.Trần Thị Thu Hương nhấn mạnh, kinh tế ban đêm tồn tại như một hiện thực khách quan, kinh tế ban đêm tồn tại như một hiện thực khách quan, do thị trường dẫn dắt. Kinh tế ban đêm có khả năng mang lại lợi ích lớn về văn hóa, xã hội và kinh tế; đồng thời cũng tiềm ẩn rủi ro, thách thức về vấn đề trật tự an ninh xã hội cho các thành phố. Tuy nhiên, thay vì chỉ quan ngại và đưa ra các giải pháp nhằm xử lý rủi ro, thách thức từ kinh tế ban đêm, Nhà nước có thể chủ động phát triển kinh tế ban đêm thông qua các kế hoạch, chính sách và đặc biệt sử dụng tốt công cụ quy hoạch phù hợp, gắn kết được sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và cộng đồng.

Giải pháp khai thác và phát triển tiềm năng kinh tế ban đêm

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1129/QĐ-TTg ngày 27/7/2020 phê duyệt Đề án “Phát triển Kinh tế ban đêm ở Việt Nam”, theo đó phạm vi hoạt động kinh tế ban đêm chủ yếu tập trung vào lĩnh vực dịch vụ vui chơi, giải trí (các hoạt động nghệ thuật, nhà hát, âm nhạc, chương trình giải trí, lễ hội, sự kiện,…), dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán bar,…), dịch vụ mua sắm (các chợ, khu mua sắm,…) và du lịch (tham quan các địa điểm du lịch, di tích văn hóa, công trình kiến trúc,…) diễn ra từ 6 giờ tối hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Kinh tế ban đêm không bao gồm lĩnh vực/ngành sản xuất vật chất tổ chức vào ban đêm.

TS.Hà Thị Hồng Vân, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có sự đánh giá về tiềm năng phát triển, cơ hội, thách thức, yếu tố tác động để từ đó có giải pháp khai thác và phát triển tối đa tiềm năng kinh tế ban đêm trong thời gian tới.

“Phát triển kinh tế ban đêm cần dựa trên quan điểm chỉ đạo là bền vững. Cần tạo môi trường du lịch và dịch vụ bền vững, có trách nhiệm với môi trường và xã hội. Kinh tế ban đêm cũng đối mặt nhiều rủi ro, thách thức liên quan an ninh trật tự, ô nhiễm tiếng ồn, rác thải… và chưa có khung pháp lý, chính sách thúc đẩy loại hình này. Đi cùng với triển tác động tích cực của kinh tế ban đêm như tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân thì vẫn tồn tại những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý, điều hành, đặc biệt là nguy cơ gia tăng các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý, cờ bạc và các loại tội phạm khác. Điều này cần được phân tích, đánh giá một cách khách quan và đưa ra những khuyến cáo kịp thời nhằm phòng ngừa, ngăn chặn những tác động xấu của kinh tế đêm với tình hình an ninh trật tự xã hội….” TS. Hà Thị Hồng Vân nhấn mạnh.

TS.Lê Thị Thu Hiền, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng kiến nghị, cần nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng lợi ích của kinh tế ban đêm (như: quy mô của kinh tế ban đêm: doanh thu, đóng góp ngân sách nhà nước, tạo việc làm… ở Việt Nam) và những vấn đề ngảy sinh có thể phát sinh từ các hoạt động kinh tế ban đêm ở các thành phố lớn như: Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa,… Đồng thời, cần rà soát các quy định liên quan đến lao động, tiếng ồn, bảo vệ môi trường, kinh doanh rượu, thuốc lá, dịch vụ giải trí, an ninh trật tự…. để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế ban đêm; Nghiên cứu các quy định xử lý các vấn đề nảy sinh do sự phát triển của kinh tế ban đêm; Nghiên cứu cơ chế hoạt dộng, phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo sự hoạt động của kinh tế ban đêm;…

Ths.Phạm Thiên Hoàng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng

Trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển và chính sách/mô hình quản lý kinh tế đểm ở một số quốc gia và vùng lãnh thổ, Ths. Phạm Thiên Hoàng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng,  phát triển kinh tế đêm cần phải được cân nhắc có trọng tâm, trọng điểm, không phát triển ồ ạt ở tất cả các địa phương dẫn đến lãng phí nguồn lực. 

“Quy hoạch nền kinh tế đêm cần dựa trên tầm nhìn chiến lược dài hạn, bao quát tất cả mọi chủ thể làm việc, sử dụng dịch vụ ban đêm, cư dân sống xung quanh, người điều hành các hoạt động ban đêm, và cả các chủ thể liên quan đến việc quản lý và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế ban đêm. Quy hoạch kinh tế đêm cũng cần đảm bảo sự linh hoạt, tăng cường khả năng thích ứng,sức chống chịu của các hoạt động kinh tế đêm trước cú sốc từ bên ngoài như đại dịch Covid-19. Quá trình hoạch định cũng như thực hiện quy hoạch kinh tế đêm cần đảm bảo tham vấn đầy đủ mọi chủ thể tham gia trong nền kinh tế đêm….” Ths.Phạm Thiên Hoàng kiến nghị.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến chuyên gia phát biểu tại Hội thảo đề xuất: Cần rà soát, hoàn thiện chính sách và tạo hành lang pháp lý thống nhất về phát triển kinh tế ban đêm (quy định về loại hình kinh doanh; khu vực kinh doanh, khu vực hạn chế; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động; chính sách về giao thông; chính sách về an ninh, trật tự;….); Cần gắn phát triển kinh tế ban đêm với phát triển văn hóa, xác định nội hàm văn hóa của từng địa phương; Việc quản lý và điều phối các hoạt động kinh tế đêm tại các đô thị cần được tổ chức linh hoạt, thống nhất bởi một cơ quan chuyên trách; …/.

Lê Anh

Các bài viết khác