Theo Giáo sư, tiến sĩ (GS.TS) Lê Gia Vinh, đại dịch Covid-19 có lẽ là một dịch bệnh lớn nhất từ trước đến nay. Dịch bệnh khởi phát vào tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) và đã nhanh chóng trở thành bệnh truyền nhiễm nhóm A lây nhiễm qua đường hô hấp, gây ra tình trạng khẩn cấp, nguy hại đến tính mạng người dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội. Ngày 11/3/2021, Tổ chức Y tế Thế giới đã tuyên bố dịch bệnh Covid-19 là một đại dịch. Tính đến 15/12/2021, trên thế giới, dịch bệnh Covid-19 đã lan rộng ra hơn 220 quốc gia, khu vực và vùng lãnh thổ với nhiều biến thể nguy hiểm, số người mắc lên tới 271 triệu và làm 5,32 triệu người tử vong.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, Chính phủ và Bộ Y tế đã đề ra các biện pháp phòng dịch theo nguyên tắc “5K + vaccine” rất hữu hiệu, bao gồm: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập đông người, khai báo y tế và tiêm vaccine đúng quy định theo hướng dẫn. Những biện pháp này nếu được toàn dân tuân thủ nghiêm ngặt sẽ làm giảm được nhiều tỷ lệ lây nhiễm, tử vong do dịch bệnh trong cộng đồng. Ngoài ra, theo từng thời điểm, tùy theo cấp độ diễn biến và mức độ lây nhiễm của dịch bệnh, Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 Quốc gia ban hành các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly từng địa phương, khu vực hay từng thôn bản, dãy phố, hạn chế tụ tập để thích ứng với các tình huống lan tràn của dịch bệnh theo không gian và thời gian khác nhau. Điều này cũng giúp cho nước ta có thể thích nghi với tình trạng bình thường mới, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép: vừa phòng chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo cuộc sống bình thường mới cho Nhân dân và cho toàn xã hội.
Giáo sư, Tiến sĩ Lê Gia Vinh - nguyên Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam.
GS.TS Lê Gia Vinh nhận định: Trong nỗ lực đối phó với đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thử nghiệm lâm sàng ở một số nước nhằm đánh giá tác dụng của các loại thuốc điều trị Covid-19. Tuy nhiên, chưa có thuốc nào chứng minh được hiệu quả. Cho đến nay, ngoài một số thuốc điều trị triệu chứng do Covid-19, cả thế giới vẫn đang trông chờ vào hiệu quả phòng bệnh của các loại vaccine có thể ngăn ngừa được đại dịch này. Đến nay, đã có hơn 100 loại vaccine của hơn 40 quốc gia trên thế giới đang được nghiên cứu thử nghiệm, nhưng cũng chỉ có một số loại được cấp phép sử dụng và chuyển giao công nghệ.
Tuy vậy, nhân loại vẫn hy vọng trong một ngày không xa sẽ nghiên cứu sản xuất được các loại thuốc và phương tiện mới hữu hiệu để điều trị và hồi sinh cấp cứu những bệnh nhân mắc Covid-19 thể nặng, có biến chứng nguy hiểm.
Đề cập phuơng hướng chuyển giao công nghệ, GS.TS Lê Gia Vinh cho rằng, các nước có nền khoa học công nghệ hiện đại và y sinh học tiên tiến đã và đang viện trợ vaccine, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, thuốc, phương tiện phòng chống và điều trị Covid-19 cho các nước kém phát triển hơn với phương châm cả thế giới chung tay, góp sức, đồng lòng ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 mang tính toàn cầu, xây dựng một thế giới an bình, lành mạnh. Những phương hướng chuyển giao công nghệ chính gồm: sản xuất thuốc kháng thể đơn dòng; sản xuất thuốc kháng virus sau khi có khẳng định kết quả trên thử nghiệm lâm sàng; sản xuất các phương tiện hồi sinh cấp cứu như máy thở oxy, thở máy ECMO, máy lọc thận… với các máy móc, trang thiết bị ngày càng tiên tiến, hiện đại, an toàn và hiệu quả hơn.
GS.TS Lê Gia Vinh nêu quan điểm: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về nghiên cứu, phát triển, chuyên giao công nghệ, sản xuất thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị Covid-19, trang thiết bị và sinh phẩm y tế, vai trò của công nghệ và dữ liệu khoa học trong xây dựng và triển khai các biện pháp phòng, chống và thích ứng với Covid-19 là một chủ trương đúng đắn, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay để thích ứng với tình hình mới do những diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới và ở nước ta trong giai đoạn hiện nay./.