PGS.TS ĐÀO NGỌC TIẾN: QUỐC HỘI TỔ CHỨC KỲ HỌP BẤT THƯỜNG ĐỂ CÓ CHIẾN LƯỢC ĐỦ MẠNH VÀ NHANH NHẰM PHỤC HỒI NỀN KINH TẾ

27/12/2021

PGS.TS Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nêu quan điểm: việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường để cho ý kiến, thông qua những vấn đề trọng đại về “quốc kế, dân sinh” là cần thiết để có được những chiến lược đủ mạnh và nhanh, đem lại hiệu quả trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.


Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận Phiên họp thứ 6 (đợt 2) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Tại Phiên họp thứ 6 (đợt 2), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có đề cập kỳ họp bất thường của Quốc hội dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 01/2022. Theo Phó Giáo sư, tiến sĩ (PGS.TS) Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nêu quan điểm: Việc Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường để bàn và cho ý kiến, thông qua những vấn đề trọng đại về “quốc kế, dân sinh” là hết sức cần thiết để chúng ta có thể có được những chiến lược, cơ chế đủ mạnh, đủ nhanh đem lại hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và đe dọa đến sự phát triển bền vững kinh tế-xã hội của đất nước.

Bên cạnh các giải pháp nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở, Việt Nam cần chú trọng tới các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ nhằm đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi chuỗi cung ứng và tạo việc làm bền vững cho người lao động.

Phóng viên: Phát biểu kết luận kết thúc Phiên họp thứ 6 (đợt 2) của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề cập kỳ họp bất thường của Quốc hội dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 01/2022. Quan điểm của ông về việc tổ chức kỳ họp bất thường này như thế nào?

PGS.TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương: Năm 2020 và đặc biệt là năm 2021, cả thế giới và Việt Nam đã phải đối mặt với dịch Covid-19 và gây ra rất nhiều ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước một đại dịch chưa từng có trong lịch sử như vậy, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp mạnh, đồng thời phải nhanh và quyết liệt. Do vậy, việc tổ chức kỳ họp bất thường của Quốc hội để bàn và cho ý kiến, thông qua những vấn đề trọng đại về “quốc kế, dân sinh” là hết sức cần thiết để chúng ta có thể có được những chiến lược, cơ chế đủ mạnh, đủ nhanh đem lại hiệu quả trong bối cảnh dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và đe dọa đến sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội của đất nước.

Phóng viên: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét cho ý kiến và đã nhất trí thông qua 03 nội dung cơ bản để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp bất thường. Đó là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022; chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc đường bộ Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - ; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Ông nhìn nhận như thế nào về các nội dung được đưa vào kỳ họp bất thường?

PGS.TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương: Những vấn đề được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí để trình Quốc hội là những vấn đề lớn, có ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Thứ nhất, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của một số Luật sẽ giúp tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta, để khai thông nhưng vướng mắc, phù hợp hơn với thực tiễn và yêu cầu phát triển.

Thứ hai, chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 nếu được hoàn thành sớm sẽ có tác dụng lan tỏa, liên kết vùng, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Thứ ba, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ sẽ góp phần tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhìn chung, đây đều là những vấn đề trọng đại và cấp bách, cần được chuẩn bị, thảo luận và thông qua một cách kỹ lưỡng nhưng nhanh chóng để triển khai kịp thời và đem lại những tác động đến phục hồi và phát triển bền vững kinh tế xã hội của Việt Nam. 


Phó Giáo sư, tiến sĩ Đào Ngọc Tiến - Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương.

Phóng viên: Đối với giải pháp gói tài khoá và tiền tệ, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tại đợt 1. Chính phủ cũng đã tiếp thu tối đa và đã có báo cáo đầy đủ, tờ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét và quyết định. Về nội dung này còn phải chờ ý kiến của Bộ Chính trị, do đó, đề xuất với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ bố trí một buổi riêng để xem xét, quyết định. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào trong khi dịch bệnh Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay?

PGS.TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương: Gói tài khóa và tiền tế, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là hết sức cần thiết, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong khi dịch bệnh Covid-19 đang tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong một hội thảo gần đây, các chuyên gia trong và ngoài nước đều tính toán và khẳng định, Việt Nam vẫn còn dư địa, tuy không nhiều để thực hiện gói tài khóa và tiền tệ này. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 là chưa từng có trong lịch sử nên chúng ta cần có cách tiếp cận toàn diện nhưng thận trọng, nhanh nhưng hiệu quả. Điều đó đòi hỏi một sự chuẩn bị kỹ càng. Cá nhân tôi hy vọng rằng gói tài khóa tiền tệ đó sẽ được sớm thông qua và tác động trúng đến những điểm nghẽn, điểm đột phá để có được tác động lan tỏa, hiệu quả đến phát triển kinh tế xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Phóng viên: Dịch bệnh Covid-19 đã tác động và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội và dự kiến dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường. Ông nhìn nhận như thế nào về những giải pháp mà Quốc hội và Chính phủ đã và đang triển khai để ổn định kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian qua cũng như đề xuất các giải pháp hiệu quả hơn trong thời gian tới?

PGS.TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương: Trước hết, có thể khẳng định những giải pháp mà Quốc hội và Chính phủ đã và đang thực hiện đã có tác động rõ nét đến ổn định kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội trong thời gian qua. Chúng ta nhìn nhận thấy những kết quả này thông qua một số điểm sáng trong kinh tế Việt nam năm 2021. Đó là kim ngạch xuất nhập khẩu vượt 600 tỷ USD, xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ ở mọi cấp độ và đặc biệt là việc đảm bảo cuộc sống và những yêu cầu cơ bản cho người dân mặc dù tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, nhiều doanh nghiệp phá sản và chuỗi cung ứng đứt gãy.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, chiến lược của nhiều nước trên thế giới và cả Việt Nam đã chuyển sang thích ứng linh hoạt thay vì theo đuổi chiến lược “zero-covid” thì các giải pháp cần phải được tiếp tục triển khai nhưng có sự điều chỉnh, bổ sung. Theo quan điểm cá nhân, bên cạnh các giải pháp nâng cao năng lực hệ thống y tế, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở thì cần chú trọng tới các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ. Chính sách tiền tệ cần điều hành linh hoạt, đảm bảo sự ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh chung của cả thế giới, đặc biệt là các đối tác lớn của Việt Nam. Về chính sách tài khóa, cần dịch chuyển từ hỗ trợ trực tiếp sang các chính sách hỗ trợ về thuế nhằm tạo ra những tác động theo cấp số nhân, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, từ đó phục hồi chuỗi cung ứng và tạo việc làm bền vững cho người lao động.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bích Lan