CẦN KHUYẾN KHÍCH NGHIÊN CỨU VÀ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM ĐÔNG Y VÀ Y HỌC CỔ TRUYỀN VÀO HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ COVID-19

27/12/2021

Tại Hội thảo thực hiện chính sách, pháp luật về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong phòng, chống Covid-19 mới đây, Thạc sĩ Bùi Kim Tuyến-Trưởng Ban Tư vấn, phản biện & giám định xã hội nêu quan điểm: cần khuyến khích nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong lĩnh vực đông y và y học cổ truyền vào hỗ trợ điều trị Covid-19.

 

Trước bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, các nhà khoa học Việt Nam luôn tích cực, thường xuyên bám sát tình hình dịch bệnh để tham gia chống dịch, nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm khoa học và công nghệ phòng chống Covid-19; đồng thời đề xuất với các cơ quan Đảng và nhà nước nhiều giải pháp góp phần kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

Thạc sĩ Bùi Kim Tuyến - Trưởng Ban Tư vấn, phản biện & giám định xã hội (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) nêu quan điểm: Khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi cần có những nghiên cứu, phát triển sản phẩm một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, trong quá trình triền khai nghiên cứu, phát triển các sản phẩm góp phần điều trị và hỗ trợ điều trị COVID-19, các nhà khoa học gặp một số khó khăn.


Toàn cảnh Hội thảo.

Nhiều tổ chức công lập hoặc cá nhân nhà khoa học chưa được tiếp cận với các nguồn lực để tổ chức nghiên cứu, phát triển các sản phẩm khoa học và công nghệ, góp phần vào công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19. Mặc dù theo quy định, Nhà nước có thể hỗ trợ một phần kinh phí đối với các dự án nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong ngành y tế đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, có độ rủi ro cao, nhiều khi vượt quá năng lực tài chính của các nhà sản xuất trong nước. Đồng thời, chưa có các quy định về định mức từ ngân sách nhà nước để chi thù lao, mua bảo hiểm cho người tham gia thử nghiệm lâm sàng; chi cho hoạt động giám sát bảo đảm chất lượng nghiên cứu... Do vậy, các cơ sở nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình nghiên cứu, triển khai.

Để thực sự làm chủ tình hình và chủ động phòng chống thành công đại dịch Covid-19, các nhà khoa học cần có đầy đủ thông tin về sinh học, sinh học phân tử, dịch tễ học và đặc biệt là cơ sở khoa học của các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh bằng vaccine và hỗ trợ điều trị bắng các loại thuốc, các loại sinh phẩm đặc hiệu. Hệ thống nghiên cứu và phát triển của nước ta trong thời gian 20 năm vừa qua đã được tăng cường, nâng cấp và xây dựng mới. Tuy nhiên, chưa có sự tham gia phối hợp đồng bộ của các cơ quan nghiên cứu và nhà sản xuất. Do vậy, đến nay, chưa có nhiều sản phẩm được công nhận trên thị trường để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực y tế chưa thực sự đồng bộ với cơ chế, chính sách về tài chính cũng là những bất cập trong quá trình nghiên cứu, triển khai. Đặc biệt, các cơ chế, chính sách liên quan đến khuyến khích phát triển y học cổ truyền vẫn còn thiếu và không đồng bộ, dẫn đến chưa khuyến khích được các nhà khoa học nghiên cứu, phát triển các sản phẩm y học cổ truyền phục vụ cho việc điều trị và hỗ trợ điều trị covid-19.


Thạc sĩ Bùi Kim Tuyến - Trưởng Ban Tư vấn, phản biện & giám định xã hội (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam).

Với những khó khăn, bất cập trên, Thạc sĩ Bùi Kim Tuyến đề xuất một số giải pháp nhằm góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Theo đó, đề nghị các cơ quan của Đảng, Nhà nước tin tưởng hơn nữa vào các kết quả nghiên cứu của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước nhà, có các giải pháp thúc đẩy cho ra đời sớm các sản phẩm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 do các nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu thành công các loại thuốc, các sản phẩm dự phòng và điều trị Covid-19, trước tiên để sử dụng cho người Việt Nam và tiến tới xuất khẩu ra thế giới. Đề nghị các Bộ, ngành có cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà khoa học và công nghệ nghiên cứu phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phòng, chống Covid-19 như: Tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước, nghiên cứu thuốc và phác đồ điều trị mới; phát triển các sản phẩm phòng và điều trị Covid-19 là những kết quả nghiên cứu các sản phẩm đông y, đông-tây y kết hợp vốn là thế mạnh của y học cổ truyền Việt Nam.

Trong bối cảnh cấp bách chống dịch Covid-19 hiện nay, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực nghiên cứu, đặc biệt là nguồn lực kinh phí, đề nghị Nhà nước có chính sách đặc biệt để tháo gỡ những khó khăn cho các nhà khoa học, các cơ sở nghiên cứu, kể cả các tổ chức khoa học và công nghệ ngoài công lập để giúp các sản phẩm của các nhà khoa học và công nghệ Việt Nam sớm phát huy được hiệu quả trong việc ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Thạc sĩ Bùi Kim Tuyến cũng đề nghị Nhà nước xem xét, rà soát lại các cơ chế, chính sách, các quy định liên quan đến lĩnh vực y dược, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đồng thời khuyến khích việc nghiên cứu và phát triển các sản phẩm trong lĩnh vực đông y và y học cổ truyền, là những thế mạnh của Việt Nam, góp phần vào hỗ trợ điều trị Covid-19. Bên cạnh đó là tăng cường và huy động sự tham gia của các tổ chức khoa học ngoài công lập, các Hội nghề nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học ngoài hệ thống công lập, hoạt động trong lĩnh vực y tế tham gia vào công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ góp phần ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19./.

Bích Lan

Các bài viết khác