KINH NGHIỆM QUỐC TẾ VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ BAN ĐÊM VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI VIỆT NAM

25/12/2021

Sáng 25/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo khoa học “Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế ban đêm và hàm ý chính sách đối với Việt Nam”. TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp chủ trì Hội thảo.

 

Toàn cảnh Hội thảo 

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với sự tham dự của đại diện các đơn vị thuộc Viện Nghiên cứu lập pháp; các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng; Đại học Thương mại;…

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, kinh tế ban đêm đang ngày càng được nhiều quốc gia chú trọng khai thác và được coi là một động lực tăng trưởng kinh tế mới. Hình ảnh truyền thống của những khu vực trung tâm thành phố yên tĩnh, vắng vẻ vào ban đêm hiện nay không còn xuất hiện trong thực tế ở nhiều nước. Kinh tế ban đêm đã hiện hữu ở các thành  phố, đặc biệt những nơi có nhiều khách du lịch và trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống của các trung tâm thành phố và thủ đô.

Kinh tế ban đêm đã hình thành ở Việt Nam từ nhiều năm nay và được đánh giá là một cơ hội mới trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hiện nay, kinh tế ban đêm xuất hiện sôi động hơn ở một số đô thị và các trung tâm du lịch lớn như: Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An,… và dưới các loại hình như: khu phố đi bộ, khu mua sắm, khu ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, chợ đêm,….vào ban đêm.

Phó Viện trưởng Lê Hải Đường cho rằng, mặc dù chưa có báo cáo, thống kê cụ thể về đóng góp của kinh tế ban đêm vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nhưng từ lâu, một số hoạt động đêm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của một bộ phận người dân địa phương và địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch.

TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp

Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm bởi nền chính trị ổn định; hoạt động du lịch ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là du lịch quốc tế; quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh chóng; … Tuy vậy, hoạt động kinh tế ban đêm ở Việt Nam còn có nhiều hạn chế như: hoạt động còn nghèo nàn, đơn điệu và manh mún ở một số đô thị và trung tâm du lịch lớn; hoạt động kinh doanh còn mang tính “chộp giật”. Bên cạnh đó, hoạt động kinh tế ban đêm còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức liên quan tới vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương.

Một trong những nguyên nhân quan trọng làm cản trở sự phát triển của các hoạt động kinh tế ban đêm thời gian qua ở Việt Nam, đó chính là mô hình kinh tế ban đêm còn khá mới mẻ và chưa được nhận thức đầy đủ nên các Bộ, ngành, địa phương gặp trở ngại trong việc ban hành chính sách và quản lý các khu vực trung tâm, đô thị vào ban đêm. “Hội thảo nhằm tìm hiểu, phân tích làm rõ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về chính sách phát triển kinh tế ban đêm và từ đó rút ra bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam... ”, Phó Viện trưởng nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích làm rõ kinh nghiệm của một số quốc gia, một số thành phố lớn trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển như Mỹ, Úc, một số nước ở Châu Âu và một số nước trong khu vực như: Trung Quốc, Thái Lan,… về chính sách phát triển kinh tế ban đêm đồng thời đề xuất nhiều kiến nghị, giải pháp cụ thể đối với Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế ban đêm

Phát biểu tại hội thảo, TS. Hà Thị Hồng Vân, Viện Hàn Lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết, kinh tế ban đêm ở Trung Quốc phát triển đã từ rất lâu. Từ khoảng năm 2010, các trung tâm thương mại, con phố thương mại ban đêm ở các thành phố lớn đã rất sầm uất. Và cho đến ngày nay, quy mô của các trung tâm thương mại này ngày càng lớn hơn. Tỷ lệ tiêu dùng ban đêm so với tiêu dùng trong ngày ngày càng được mở rộng. Theo một thống kê của Bộ Thương mại Trung Quốc, có đến 60% việc tiêu dùng xảy ra vào ban đêm. Kim ngạch bán lẻ của các khu thương mại mô hình lớn từ 18h đến 22h mỗi ngày vượt hơn một nửa trong tổng doanh thu cả ngày.

Tuy nhiên, TS. Hà Thị Hồng Vân cũng cho rằng, kinh tế ban đêm ở Trung Quốc hiện nay vẫn tồn tại một số vấn đề cần giải quyết như: các biện pháp phát triển kinh tế ban đêm của các địa phương đưa ra đôi khi quá rộng, chưa phát huy được đặc sắc của từng địa phương;  kinh tế ban đêm ở Trung Quốc vẫn thiếu nội hàm văn hóa; các vấn đề tạo môi trường kinh doanh cho kinh tế ban đêm ở Trung Quốc vẫn cần được giải quyết;…

Ths. Phạm Thiên Hoàng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương 

Chia sẻ về phát triển kinh tế đêm ở Vương quốc Anh, Ths. Phạm Thiên Hoàng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, Vương quốc Anh được xem là một quốc gia đi đầu trong phát triển kinh tế ban đêm được tổ chức quy củ. Vương quốc Anh đã thành lập Hiệp hội ngành ban đêm (NTIA - Night Time Industrie Association) để kết nối, theo dõi sự phát triển, và phản ánh tâm tư, nguyện vọng cũng như các vấn đề để đề xuất các cơ quan chức năng ban hành các chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm. Về tổ chức bộ máy quản lý hoạt động kinh tế đêm, Chính quyền Trung ương cũng phân cấp cho các thành phố chủ động hoạch định và bố trí nhân sự quản lý. Kinh tế đêm trở thành một trụ cột động lực, tạo giá trị khoảng 70 tỷ bảng, chiếm khoảng 4% tổng sản lượng kinh tế của Vương quốc Anh. Báo cáo của NTIA cho biết, năm 2014, du khách đã tới thăm Anh Quốc khoảng 1,5 tỷ ngày, trong đó có tới  300 triệu ngày du khách đi ăn hoặc chơi đêm là hoạt động du lịch trọng tâm. Chi tiêu cho các hoạt động diễn ra vào ban đêm chiếm 21% trong tổng số 52 tỷ bảng Anh chi trong những ngày du lịch.

TS. Trần Thị Thu Hương, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng

Về kinh nghiệm phát triển kinh tế ban đêm ở Châu Âu, TS. Trần Thị Thu Hương, Viện Nghiên cứu phát triển bền vững vùng cho biết, đã hình thành bộ máy quản lý hoạt động kinh tế ban đêm; quy hoạch các không gian công cộng, trong đó có khu vực riêng biệt để phát triển các hoạt động về đêm. Đồng thời, đa dạng hóa các hoạt động về đêm, kéo dài thời gian mở và có chính sách hỗ trợ đối với các hoạt động kinh tế về đêm; Thuận lợi hóa hạ tầng công cộng, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ; Xây dựng cơ chế kiểm soát rủi ro hoạt động kinh tế ban đêm.

Ngoài ra, tại Hội thảo, các đại biểu cũng đưa ra bức tranh toàn cảnh về chính sách phát triển kinh tế ban đêm của ÚC, Mỹ, Thái Lan, Macao, Singapore… đồng thời nêu nhận định, đánh giá về những ưu điểm, nhược điểm trong các chính sách này.

Khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam

Trên cơ sở phân tích chính sách phát triển kinh tế ban đêm của một số quốc gia, đa số ý kiến đại biểu cho rằng, phát triển kinh tế ban đêm là tất yếu, phù hợp với xu hướng quốc tế. Phát triển kinh tế ban đêm là một động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Việc tận dụng, nắm bắt cơ hội từ các mô hình kinh tế mới, trong đó có kinh tế ban đêm sẽ là yếu tố giúp nâng cao lợi thế cạnh tranh dài hạn ở Việt Nam. Do vậy, Việt Nam cần có sự đánh giá về tiềm năng phát triển, cơ hội, thách thức, yếu tố tác động để từ đó có giải pháp khai thác và phát triển tối đa tiềm năng kinh tế ban đêm trong thời gian tới.

Theo TS. Hà Thị Hồng Vân, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, ở cấp Trung ương, cần rà soát, hoàn thiện chính sách và tạo hành lang pháp lý thống nhất về phát triển kinh tế ban đêm. Khung pháp lý về kinh tế ban đêm cần quy định về: loại hình kinh doanh; khu vực kinh doanh, khu vực hạn chế; thời gian hoạt động; giấy phép hoạt động; tiêu chuẩn hoạt động; chính sách về giao thông; chính sách về an ninh, trật tự; chính sách khuyến  khích, hỗ trợ thương nhân, người tiêu dùng, khách du lịch tham gia hoạt động KTBĐ. Đồng thời, quy định và phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong quản lý hoạt động kinh tế ban đêm trên cơ sở tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương.

Ngoài ra, TS. Hà Thị Hồng Vân cũng lưu ý cần gắn phát triển kinh tế ban đêm với phát triển văn hóa, xác định nội hàm văn hóa của từng địa phương. Đây là yếu tố quan trọng, tạo nên bản sắc thu hút người dân và khách du lịch. Do vậy, nên phát triển các hoạt động biểu diễn văn hóa truyền thống kết hợp với việc xây dựng các khu chợ, trung tâm thương mại hoạt động vào ban đêm …

Đề xuất hàm ý chính sách đối với Việt Nam, Ths. Phạm Thiên Hoàng, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị, quy hoạch nền kinh tế đêm cần dựa trên tầm nhìn chiến lược dài hạn, bao quát tất cả mọi chủ thể làm việc, sử dụng dịch vụ ban đêm, cư dân sống xung quanh, người điều hành các hoạt động ban đêm, và cả các chủ thể liên quan đến việc quản lý và thúc đẩy sự phát triển của kinh tế ban đêm. Quy hoạch kinh tế đêm cũng cần đảm bảo sự linh hoạt, tăng cường khả năng thích ứng, sức chống chịu của các hoạt động kinh tế đêm trước cú sốc từ bên ngoài như đại dịch Covid-19. Quá trình hoạch định cũng như thực hiện quy hoạch kinh tế đêm cần đảm bảo tham vấn đầy đủ mọi chủ thể tham gia trong nền kinh tế đêm.

 Về phương diện quản lý, Ths. Phạm Thiên Hoàng đề xuất, việc quản lý và điều phối các hoạt động kinh tế đêm tại các đô thị cần được tổ chức linh hoạt, thống nhất bởi một cơ quan chuyên trách, có thể là Hội đồng điều phối phát triển kinh tế đêm dưới sự dẫn dắt của một “nhạc trưởng” lãnh đạo các hoạt động kinh tế đêm. “Nhạc trưởng” dẫn dắt kinh tế đêm có thể học hỏi theo mô hình  các “thị trưởng đêm” hiện được áp dụng rộng rãi ở khoảng 40 thành phố trên thế giới kể từ khi ý tưởng này lần đầu tiên được thành phố Amsterdam (Hà Lan) đưa ra năm 2014.

PGS. TS Trần Thế Công, Trưởng Bộ môn Kinh tế học, Giảng viên cao cấp Đại học Thương mại

Góp ý tại Hội thảo, một số ý kiến đại biểu cũng đề xuất, cần nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng lợi ích của kinh tế ban đêm; Nhận diện đầy đủ các quy định của pháp luật về lĩnh vực này hiện nay; Rà soát các quy định liên quan đến lao động, tiếng ồn, bảo vệ môi trường, kinh doanh rượu, thuốc lá, dịch vụ giải trí, an ninh trật tự …để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động kinh tế ban đêm; Nghiên cứu các quy định xử lý các vấn đề nảy sinh do sự phát triển của kinh tế ban đêm;...

Kết luận Hội thảo, TS. Lê Hải Đường, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho biết, Hội thảo đã tập trung làm rõ kinh nghiệm của các nước trong việc xây dựng các chương trình/kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm; cơ chế quản lý, kiểm soát rủi ro hoạt động kinh tế ban đêm; chính sách hỗ trợ đối với các hoạt động kinh tế về đêm; quy hoạch các khu vực/không gian công cộng để phát triển các hoạt động về đêm… từ đó, gợi mở nhiều chính sách thiết thực đối với Việt Nam.

Ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến phát biểu tham luận, thảo luận tại hội thảo, Phó Viện trưởng đề nghị Ban Chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Bộ “Pháp triển kinh tế ban đêm - Kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị hoàn thiện pháp luật” tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ và tiếp tục hoàn thiện, đảm bảo chất lượng đề tài nghiên cứu đảm bảo tính ứng dụng, hiệu quả cao./.

Lê Anh