Buổi chiều, các đại biểu QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng và thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này.
Khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam
Ðầu giờ làm việc buổi sáng, các đại biểu QH nghe Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của QH Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu QH và ý kiến của nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Tờ trình dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Báo cáo cho biết: Dự thảo sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 chương, 120 điều (giảm bốn điều so với Dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ năm). Dự thảo trình Quốc hội lần này đã được chỉnh lý hợp lý, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bám sát Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011), nghị quyết của các Ðại hội Ðảng và các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về mục đích, yêu cầu, những quan điểm cơ bản và định hướng lớn của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản (Ðiều 4), tuyệt đại đa số ý kiến nhân dân và các đại biểu QH tán thành việc khẳng định trong Hiến pháp vai trò lãnh đạo của Ðảng và những nội dung thể hiện tại Ðiều 4 của Dự thảo. Dự thảo Hiến pháp lần này thể hiện đầy đủ những vấn đề cơ bản về Ðảng Cộng sản Việt Nam được xác định trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011); phù hợp thực tiễn tổ chức và hoạt động của Ðảng Cộng sản Việt Nam; là sự kế thừa các bản Hiến pháp trước đây của nước ta; phù hợp truyền thống lịch sử của cách mạng Việt Nam, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước.
Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân (Chương II), các ý kiến cho rằng, Dự thảo có nhiều điểm mới, tiến bộ, phù hợp các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Quy định về quyền con người và quyền công dân tại chương này là phù hợp thực tiễn của Việt Nam và là kết quả, thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.
Về thu hồi đất (khoản 3, Ðiều 54), có ba loại ý kiến khác nhau. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Ðây sẽ là cơ sở quan trọng cho Luật Ðất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thu hồi đất cần quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường...
Tham nhũng còn diễn biến phức tạp
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác PCTN năm 2013; nghe Ủy ban Tư pháp của QH Báo cáo thẩm tra về công tác PCTN năm 2013. Theo đó, trong năm, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, sự giám sát của QH, HÐND, MTTQ Việt Nam, công tác PCTN được triển khai khá đồng bộ trên các mặt và đạt được kết quả tốt hơn so với những năm trước. Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng có những chuyển biến tích cực, số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý tăng hơn so với năm trước...
Báo cáo thẩm tra nêu rõ, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu giảm. Nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, hiệu quả thấp; việc hoàn thiện thể chế chậm, tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên trách về chống tham nhũng còn bất cập. Công tác phát hiện tham nhũng còn yếu, chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra; việc xử lý hành vi tham nhũng có biểu hiện nương nhẹ, vẫn còn tình trạng lạm dụng để xử lý kỷ luật, hành chính, không khởi tố vụ án, đình chỉ vụ án, bị can, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm...
Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh, đánh giá khái quát những kết quả đạt được trong công tác PCTN, nêu ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân, đồng thời đã đưa ra một số kiến nghị, giải pháp khắc phục; nhưng chưa có sự đánh giá, phân tích sâu sắc nguyên nhân của những việc chưa làm được, hạn chế, yếu kém... Ðiều đáng lưu ý là, qua nhiều năm đánh giá, kiểm điểm, Chính phủ vẫn chưa nêu được cụ thể những bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị đã làm tốt và chưa làm tốt công tác PCTN hoặc những nơi, lĩnh vực để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng để kịp thời động viên, khen thưởng nơi làm tốt; xác định rõ, xử lý trách nhiệm các cá nhân, cơ quan, tổ chức, đơn vị làm chưa tốt.
Cũng trong buổi sáng, các đại biểu QH nghe Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về tình hình triển khai thi hành (trong đó có việc ban hành các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành) các luật, nghị quyết đã được QH khóa XIII thông qua; nghe Ủy ban Pháp luật của QH trình bày Báo cáo thẩm tra tình hình triển khai thi hành công tác này.
Khen thưởng, động viên người trực tiếp lao động
Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại Hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày báo cáo của Ủy ban TVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng. Báo cáo cho biết: Tại kỳ họp thứ năm, QH đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, có 125 lượt ý kiến phát biểu tại tổ, 18 ý kiến phát biểu tại Hội trường, hai đại biểu và ba cơ quan, tổ chức gửi ý kiến bằng văn bản. Sau kỳ họp, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo Ủy ban về các vấn đề xã hội, Ban soạn thảo dự án, Ủy ban Pháp luật và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, các Ðoàn đại biểu QH để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.
Thảo luận về Dự thảo luật này, các đại biểu Thượng tọa Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh), Khúc Thị Duyền (Thái Bình) và một số đại biểu khác cho rằng, việc sửa đổi Luật đã thể hiện cơ bản các quan điểm theo định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, đó là: nâng cao tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng; phân cấp và mở rộng thẩm quyền khen thưởng đối với một số hình thức khen thưởng. Trong đó, cần tiếp tục thể hiện rõ trong dự thảo Luật các vấn đề sau: tăng tỷ lệ khen thưởng đối với kết quả lao động sáng tạo; quy định thống nhất các hình thức khen thưởng trong hệ thống chính trị và đối với các tổ chức, cá nhân. Ðặc biệt là cần có những quy định cụ thể hình thức khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp. Việc Dự thảo luật chú trọng khen thưởng người lao động trực tiếp sẽ tạo động lực mới cho các phong trào thi đua và các tầng lớp nhân dân, hạn chế việc khen thưởng chỉ tập trung đối với cấp lãnh đạo... Bên cạnh đó, việc khen cần có mức thưởng tương ứng, phù hợp và bảo đảm tính động viên, khuyến khích; tránh hiện tượng khen nhưng chỉ thưởng qua loa, chiếu lệ, không phù hợp, không tương xứng với những thành tích xuất sắc của người được khen thưởng.
Một số đại biểu đề nghị Dự thảo luật cần bổ sung hình thức khen thưởng các hộ gia đình có công, có những đóng góp xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi hiện nay, trong thực tế xây dựng nông thôn mới, ở khắp nơi trong cả nước đã xuất hiện nhiều hộ gia đình sẵn sàng hiến hàng trăm đến hàng nghìn m2 đất ở cùng cây trồng... để làm đường giao thông nông thôn. Ðây là những hộ gia đình rất cần được tuyên dương, khen thưởng kịp thời, xứng đáng.
Về nguyên tắc thi đua, khen thưởng, một số đại biểu cho rằng, cần bổ sung các nguyên tắc: Cùng một thành tích thì không xét các danh hiệu thi đua khác nhau hoặc không để các cấp khác nhau cùng xét khen thưởng nhằm tránh bệnh thành tích và hạn chế tác dụng của phong trào thi đua; nếu cấp trên đã khen thì cấp dưới không khen trùng và cấp nào khen thì cấp đó thưởng. Có ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ và chi tiết hơn đối với Kỷ niệm chương, Huy hiệu và Chính phủ cần hướng dẫn cụ thể; vì trong thực tế thời gian qua, các hình thức khen thưởng này có phần tràn lan, hình thức.