Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIII, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật đấu thầu (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu và tiếp tục tổ chức các hội thảo, tọa đàm; xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan để lấy ý kiến hoàn chỉnh dự án Luật.
Tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật đấu thầu (sửa đổi). Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung quy định trong dự án Luật còn nhiều ý kiến khác nhau.
Về phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở tỷ lệ là 30% vốn nhà nước và quy định về quy mô vốn nhà nước cho các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước theo mức tuyệt đối bằng tiền là 500 tỷ đồng. Cũng có ý kiến đề nghị quy định mang tính nguyên tắc, giao Chính phủ quy định về mức giá trị này theo từng thời kỳ, bảo đảm tính ổn định của Luật. Ý kiến khác đề nghị quy định trong Luật hạn mức cụ thể để tránh tùy tiện.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng khi Quốc hội khóa XI xem xét, thông qua Luật đấu thầu, cũng đã có ý kiến đề nghị làm rõ cơ sở tỷ lệ là 30%; đồng thời, đề nghị quy định tỷ lệ vốn nhà nước khác nhau theo các mức khác nhau trong tổng mức đầu tư của dự án như: dưới 10 tỷ đồng thì 30%, dưới 100 tỷ đồng thì 20%, trên mức 100 tỷ đồng 10% ; hoặc quy định phần vốn nhà nước theo mức giá trị tuyệt đối, đến mức nào phải đấu thầu thì phù hợp hơn. Quốc hội khóa XI đã quyết định: chỉ những dự án sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên mới phải tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật đấu thầu.
Mặt khác, từ thực tiễn áp dụng Luật đấu thầu cho thấy, có dự án sử dụng vốn nhà nước rất lớn nhưng tỷ lệ phần vốn nhà nước dưới 30% tổng mức đầu tư thì không phải thực hiện lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật. Trong khi đó, có dự án tuy sử dụng vốn nhà nước ít nhưng chiếm trên 30% tổng mức đầu tư của dự án lại phải tuân thủ quy định của Luật. Vì vậy, dự án Luật quy định: đối với dự án sử dụng dưới 30% vốn nhà nước trong tổng mức đầu tư, khi sử dụng một mức vốn nhà nước từ 500 tỷ đồng trở lên, việc lựa chọn nhà thầu cũng phải thực hiện theo quy định của Luật.
Về bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn về mối quan hệ giữa nhà thầu với nhà thầu, nhà thầu với chủ đầu tư để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong đấu thầu. Ý kiến khác đề nghị bổ sung quy định cụ thể về mối quan hệ giữa các cá nhân có thẩm quyền của nhà thầu và cá nhân có thẩm quyền của chủ đầu tư, người quyết định đầu tư và những cá nhân có quan hệ nhân thân liên quan nhằm ngăn chặn hành vi tiêu cực trong đấu thầu.
Các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu trên cơ sở xem xét các mối quan hệ giữa các cá nhân có thẩm quyền trong mối tương quan ảnh hưởng đến yêu cầu về sự minh bạch, công bằng và hiệu quả của việc lựa chọn nhà thầu. Dự án Luật đã quy định cụ thể hơn sự độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính giữa nhà thầu với nhà thầu, giữa nhà thầu với chủ đầu tư, bên mời thầu.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định cấm nhà thầu, nhà đầu tư, bên mời thầu, chủ đầu tư và tổ chức, cá nhân khác tham gia hoạt động đấu thầu có mối quan hệ không bảo đảm công bằng, minh bạch trong đấu thầu vào quy định về các hành vi bị cấm trong đấu thầu. Những điều kiện cụ thể về sự độc lập pháp lý và độc lập tài chính giữa các chủ thể tham gia quan hệ đấu thầu sẽ được quy định chi tiết trong các văn bản hướng dẫn thi hành.
Về chỉ định thầu, một số ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ việc chỉ định thầu. Các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất dự án Luật được chỉnh lý theo hướng chỉ áp dụng chỉ định thầu trong những trường hợp đặc biệt; quy định cụ thể hơn về điều kiện, quy trình, tiêu chí áp dụng chỉ định thầu đối với nhà thầu, nhà đầu tư; quy định rõ về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác đối với gói thầu khi có thể áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác dù gói thầu đó thuộc trường hợp chỉ định thầu và đáp ứng điều kiện chỉ định thầu.
Xung quanh vấn đề mua thuốc của các cơ sở y tế, một số ý kiến đề nghị thiết kế riêng một chương hoặc một mục quy định về đấu thầu mua thuốc do tính chất đặc thù và quan trọng của việc mua thuốc cho các cơ sở y tế. Các thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, trên cơ sở xem xét tính cần thiết từ thực tiễn đấu thầu mua thuốc hiện nay và tham khảo kinh nghiệm quốc tế . Đối với một số loại thuốc có ít nhà sản xuất, thuốc biệt dược gốc, thuốc trong thời gian còn bản quyền thì việc lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc còn được thực hiện thông qua hình thức đàm phán giá.
Trường hợp các cơ sở y tế ngoài công lập không chọn áp dụng quy định của Luật đấu thầu đối với mua thuốc sử dụng vốn nhà nước, nguồn quỹ bảo hiểm y tế thì cơ sở y tế chỉ được thanh toán theo đúng mặt hàng và đơn giá thuốc đã trúng thầu của các cơ sở y tế công lập tuyến tỉnh trên cùng địa bàn.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Kinh tế tiếp thu ý kiến của các thành viên Thường vụ Quốc hội, đồng thời phối hợp với cơ quan soạn thảo sớm hoàn chỉnh dự án Luật trình Quốc hội thông qua./.