Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xử lý khoản lãi dầu khí

13/10/2013

Chính phủ kiến nghị cho phép khoản lãi được thu trực tiếp vào ngân sách nhà nước 50%; đầu tư trở lại PVN 50% để thực hiện 1 số dự án

Tiếp tục phiên họp thứ 22, sáng 12/10, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc xử lý khoản lãi dầu, khí nước chủ nhà và tiền đọc, sử dụng tài liệu dầu khí nộp tập trung về Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam năm 2012.

Theo số liệu quyết toán tiền lãi dầu khí nước chủ nhà nộp tập trung về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) năm 2012 là gần 13.000 tỷ đồng. Tập đoàn PVN đã nộp số tiền 5.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà nộp tập trung về PVN chưa nộp ngân sách nhà nước còn lại năm 2012 là hơn 4.400 tỷ đồng.

Chính phủ kiến nghị cho phép thực hiện thu vào ngân sách nhà nước số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà chia nộp tập trung về PVN năm 2012 theo nguyên tắc: thu trực tiếp vào ngân sách nhà nước 50%; đầu tư trở lại PVN 50% để thực hiện một số dự án, công trình quốc phòng trên biển đảo.

Trước phương án đó, có ý kiến cho rằng, việc đầu tư cho Tập đoàn PVN rất quan trọng, tập trung vào các nhiệm vụ, dự án, công trình trên biển đảo, góp phần thực hiện bảo vệ chủ quyền đất nước, nuôi dưỡng nguồn thu từ hoạt động dầu khí.

Đa số ý kiến nhất trí với phương án mà Chính phủ trình cho rằng, trong bối cảnh ngân sách nhà nước năm 2013 gặp khó khăn, có xu hướng hụt thu lớn, việc Chính phủ đề nghị thực hiện thu 50% số còn lại chưa xử lý sẽ góp phần bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước, bảo đảm bổ sung thêm nguồn vốn thực hiện các nhiệm vụ chi đã được đề ra trong trường hợp thu ngân sách nhà nước không đạt dự toán.

Tán thành cao với các nội dung trong báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Tập đoàn dầu khí là tập đoàn kinh tế nhà nước mạnh, liên quan đến chiến lược biển vì thế việc đầu tư cho tập đoàn phát triển là điều cần thiết. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần nghiên cứu dứt điểm vấn đề này và có lộ trình phù hợp.

Theo ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, riêng với khoản 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với tờ trình của Chính phủ và đề nghị là cơ chế cho 2013, 2014 thì sắp tới sẽ báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị. Bộ Tài Chính phối hợp với Bộ Công thương xây dựng Nghị định về cơ chế thu và quản lý đầu tư đối với dầu khí như ý kiến của Ủy Ban Tài chính Ngân sách là khoản lãi dầu, khí nước chủ nhà và tiền đọc, sử dụng tài liệu dầu khí nộp tập trung về Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam, 75% nộp ngân sách nhà nước và 25% được đầu tư trở lại cho Tập đoàn.

Cũng trong sáng 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành biểu mức thuế suất tài nguyên. Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc tăng thuế suất thuế tài nguyên theo nội dung Tờ trình của Chính phủ là cần thiết, phù hợp với Chiến lược cải cách chính sách thuế đến năm 2020 và yêu cầu quản lý nguồn tài nguyên quốc gia. Tuy nhiên, cũng cần phân tích kỹ những tác động được và chưa được của việc tăng thuế sao cho hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và người dân./.

 

Lê Thơm/VOV-Trung tâm Tin

(http://vov.vn/)