Thẩm tra Luật giao thông đường thủy nội địa sửa đổi

30/09/2013

Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 6, sáng 27/9, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa. Dự án Luật sẽ được Quốc hội khóa XIII xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6.

Các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đều thể hiện sự tán thành với những căn cứ về sự cần thiết ban hành dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa như Tờ trình của Chính phủ. Dự án luật được xây dựng trên cơ sở đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm thực tiễn thi hành Luật Giao thông đường thủy nội địa năm 2004 và những yêu cầu đặt ra trong quản lý hoạt động giao thông vận tải đường thủy, khắc phục được những hạn chế, tồn tại của Luật hiện hành, bổ sung dự án luật về cơ bản bảo đảm tính khả thi.

Tuy nhiên, nhiều thành viên cho rằng dự án luật còn nhiều điều khoản giao cho Chính phủ và các bộ quy định.

Đại biểu Trương Minh Hoàng dẫn chứng dự án Luật sửa đổi 36 điều nhưng có đến 16 điều giao cho Chính phủ và các bộ quy định là quá nhiều. Trong đó có nhiều điều, khoản nhỏ nhưng giao cho Chính phủ quy định là chưa đủ tầm.

Đại biểu Hoàng đề nghị ban soạn thảo cần xem xét, điều chỉnh lại việc này để bảo đảm rõ ràng, thuận lợi trong triển khai thực hiện. Các thành viên Ủy ban cũng đề nghị đối với các điều, khoản giao Chính phủ hướng dẫn, ban soạn thảo cần có các dự thảo Nghị định kèm theo.

Về quy hoạch và quản lý khai thác cảng, bến thủy nội địa, một số ý kiến cho rằng dự án luật quy định chưa rõ ràng, chặt chẽ về bến thủy nội địa, còn lẫn lộn bến thủy nội địa là độc lập hay là một khu cảng của cảng hay là công trình bến.

Các ý kiến cũng đề nghị để tăng cường công tác quản lý, khai thác cảng, bến, dự án luật cần bổ sung quy định cơ quan quản lý đường thủy nội địa và cơ quan quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa với các chức năng, nhiệm vụ rõ ràng hơn trong việc quản lý hoạt động, cho phép, cấp phép, kiểm tra, xử lý vi phạm và bảo đảm an toàn công trình.

Đặc điểm tự nhiên của Việt Nam rất đa dạng, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có kênh rạch chằng chịt, vùng đất ngập nước rất rộng lớn, tuy phụ thuộc vào thủy triều nhưng cơ bản là ổn định, đời sống dân cư gắn liền với sông, kênh, rạch...; trong khi đó, ở khu vực miền Bắc và miền Trung, các con sông có độ dốc lớn, mức nước chênh lệch giữa mùa cạn và mùa lũ rất lớn, mặt khác hoạt động giao thông đường thủy nội địa diễn ra trên các địa hình có đặc điểm thủy văn khác nhau như sông, hồ, vịnh... Do đó, các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa các quy định liên quan đến luồng đường thủy nội địa, hành lang an toàn giao thông thủy nội địa để bảo đảm điều kiện an toàn cho các phương tiện lưu thông, phù hợp với đặc thù của vùng, miền, cũng như các hoạt động khác trên sông.

Liên quan đến điều kiện hoạt động của phương tiện tham gia giao thông, vận tải trên đường thủy nội địa, đại biểu Trương Minh Hoàng cho rằng thực tế cuộc sống ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, di chuyển bằng giao thông đường thủy là chủ yếu, từ bao đời nay, bà con tự chế tạo những loại thuyền, xuồng máy để có thể di chuyển. Nếu dự án Luật yêu cầu phải có chứng nhận đăng ký phương tiện thủy nội địa sẽ gây khó khăn cho bà con bởi họ không có bản thiết kế kỹ thuật để cấp chứng chỉ.

Bên cạnh đó, bà con nơi đây cũng chỉ cần học để biết cái chữ rồi bám cuộc sống theo nghề. Dự án luật quy định dự thi nâng hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền trưởng, máy trưởng sẽ gây khó khăn cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ vấn đề này, đại biểu Hoàng nhấn mạnh.

Thể hiện sự tán đồng với đại biểu Trương Minh Hoàng, tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nêu rõ đối với những phương tiện và chủ phương tiện hiện chưa đủ điều kiện đăng ký, đăng kiểm, cần rà soát, thống kê. Tuy nhiên, sau khi luật có hiệu lực, có quy định về đăng ký phương tiện thủy nội địa, chủ phương tiện cũng cần dự thi nâng hạng giấy chứng nhận khả năng chuyên môn để thuận lợi cho việc quản lý. Nếu các chủ phương tiện tuổi đã quá cao cũng không phải dự thi. Trong quá trình kiểm tra, xử lý, cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn cụ thể để người dân hiểu về vấn đề này.

Đối với quy định về cứu nạn, cứu hộ giao thông đường thủy nội địa, các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường quan tâm đến việc thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ việc chìm tàu, gây thiệt hại lớn về người và vật chất, đồng thời công tác cứu nạn, đặc biệt là sự phối hợp của các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan cứu nạn, công an quốc phòng còn hạn chế vì vậy cần nâng cao trách nhiệm quản lý tàu thuyền; tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát đối với phương tiện tham gia giao thông đường thủy, đặc biệt là trong vận chuyển hành khách.

Tuy nhiên, các đại biểu Bùi Thị An, Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Nguyễn Thùy Trang cho rằng các điều khoản về cứu nạn trong dự án luật còn chung chung, đơn giản.

Các đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần quy định chi tiết hơn về sự phối hợp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, của các cơ quan tìm kiếm, cứu nạn... trong hoạt động cứu nạn, trong đó, cần nhấn mạnh quy định của các cơ quan quản lý đường thủy nội địa trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn, nội dung tìm kiếm, khắc phục hậu quả sau khi vụ việc xảy ra.

Ngoài ra, công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn luôn gắn liền với công tác thường trực, điều tiết, khống chế, hướng dẫn bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các điểm đen, các công trình trọng điểm trên sông trong mùa bão lũ, vì vậy, ban soan thảo cần rà soát, bổ sung các quy định này vào dự án luật...

Trong phiên làm việc buổi sáng, các thành viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng dành nhiều thời gian thảo luận về việc bảo vệ môi trường giao thông đường thủy nội địa; quản lý Nhà nước về giao thông đường thủy nội địa; các quy định liên quan đến điều kiện, trách nhiệm của thuyền trưởng, thuyền viên và người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông đường thủy nội địa.../.

Phúc Hằng (TTXVN)

(http://www.vietnamplus.vn/)