Tại phiên họp Ủy ban Các vấn đề Chính trị, các thành viên Ủy ban tập trung thảo luận về: Hỗ trợ xây dựng Cộng đồng Chính trị-an ninh ASEAN (APSC) và Báo cáo của Hội nghị Nhóm tư vấn AIPA (AIPA Caucus) lần thứ 5 được tổ chức tại Đà Lạt, Việt Nam. Các đại biểu đều nhấn mạnh tầm quan trọng của một ASEAN đoàn kết và gắn kết, đóng góp vào duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng chung ở khu vực; cam kết tăng cường hơn nữa vai trò tích cực của AIPA trong hỗ trợ xây dựng Cộng đồng APSC thông qua điều chỉnh và hài hòa hóa khung pháp lý, góp phần xây dựng các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung. Muốn vậy, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa kênh lập pháp và hành pháp; tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giữa AIPA và ASEAN theo hướng hiệu quả, thực chất. Phát biểu tại phiên họp, đại diện Đoàn ĐBQH Việt Nam cho rằng, Quốc hội/Nghị viện các nước thành viên AIPA cần tiếp tục hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết và vững mạnh, phát huy vai trò trung tâm trong xử lý các vấn đề then chốt liên quan đến hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác ở khu vực. Tiếp tục tạo điều kiện để Chính phủ các nước ASEAN triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng APSC thông qua xây dựng, điều chỉnh các khuôn khổ pháp lý phù hợp, nhất là đối với việc lồng ghép các nội dung, biện pháp trong Kế hoạch tổng thể APSC vào các chính sách, chương trình hành động quốc gia.
Tại phiên họp Ủy ban Các vấn đề Kinh tế, các thành viên Ủy ban trao đổi và thảo luận về hai dự thảo Nghị quyết: Thúc đẩy tăng trưởng và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp vừa và nhỏ và Tăng cường vai trò của AIPA ứng phó với những thách thức của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và hỗ trợ tăng trưởng xanh. Về dự thảo Nghị quyết Thúc đẩy tăng trưởng và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp vừa và nhỏ, các đại biểu cho rằng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng vai trò quan trọng và là lực lượng chính của nền kinh tế ASEAN, có trách nhiệm tạo việc làm, đổi mới sáng tạo, góp phần giảm nghèo cũng như trao quyền cho thanh niên và phụ nữ trong khu vực. Do đó, Chính phủ các nước cần tiếp tục tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ bằng cách cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết để tạo một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp này. Về nội dung này, đại diện Đoàn ĐBQH Việt Nam đề xuất cần có những cơ chế hỗ trợ cụ thể để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vừa và nhỏ, để các doanh nghiệp này có thể đến được các thị trường và tiếp cận các nguồn lực quan trọng. Và một trong những bước đi cụ thể là thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng của Chính phủ. Ủy ban nhất trí với đề xuất cần sớm cụ thể hóa sáng kiến này, tuy nhiên cần cân nhắc điều kiện, nguồn lực của từng quốc gia để xây dựng lộ trình phù hợp.
Với dự thảo Nghị quyết về Tăng cường vai trò của AIPA ứng phó với những thách thức của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và hỗ trợ tăng trưởng xanh, theo đề xuất của Việt Nam và Indonesia, đa số thành viên Ủy ban nhất trí cho rằng, sau giai đoạn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, tăng trưởng xanh hay kinh tế xanh đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia như một động lực thúc đẩy và phục hồi kinh tế toàn cầu và công cụ để phát triển bền vững. Thúc đẩy tăng trưởng xanh là một giải pháp hữu hiệu để ứng phó với những thách thức nảy sinh trong quá trình hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Đoàn ĐBQH Việt Nam đã cung cấp thêm thông tin cụ thể về lộ trình, mục tiêu, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc hoạt động, nguồn lực... của Trung tâm tăng trưởng xanh ASEAN.
Các thành viên Ủy ban Các vấn đề Xã hội thảo luận và thông qua Dự thảo Nghị quyết về tăng cường vai trò của thanh niên đối với những thách thức trong tương lai của ASEAN; Dự thảo Nghị quyết về Vai trò của AIPA trong việc thúc đẩy các chương trình phát triển sau năm 2015; và Dự thảo Nghị quyết về hợp tác xây dựng Khu vực ASEAN không có lạm dụng trẻ em. Ủy ban cũng đã thông qua Báo cáo của Hội nghị lần thứ 10 Ủy ban Điều tra thực trạng của AIPA nhằm đấu tranh chống hiểm họa ma túy (AIFOCOM-10) tổ chức từ ngày 12-16.5.2013 tại Brunei. Các thành viên Ủy ban đề nghị lãnh đạo các nước ASEAN tiếp tục xây dựng các chính sách và hành động giúp thanh niên ASEAN có sức khỏe tốt hơn và tham gia chủ động vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; ủng hộ việc thành lập Quỹ về thanh niên ASEAN; khẩn trương xây dựng lộ trình và các định hướng ưu tiên cho giai đoạn sau năm 2015; đồng thời khẳng định cam kết tiếp tục hợp tác giữa các nước trong khu vực nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu sau năm 2015.
Ủy ban Các vấn đề Tổ chức đã thông qua 19 Nghị quyết quan trọng liên quan việc sửa đổi Điều lệ AIPA, quy chế nhân viên AIPA, Điều khoản tham chiếu của Hội nghị Nhóm Tư vấn AIPA, Nhóm Công tác kỹ thuật của AIFOCOM, Chương trình nâng cao nhận thức; thông qua việc Đông Timor trở thành Quan sát viên AIPA; việc thực hiện các Nghị quyết của AIPA, dự toán ngân sách của Ban Thư ký AIPA cho giai đoạn từ tháng 10.2013 đến tháng 9.2014 và một số vấn đề thủ tục quan trọng khác. Liên quan đến việc sửa đổi Điều lệ của AIPA, Ủy ban thống nhất thông qua đề xuất bổ sung Chương 11 trong Điều lệ AIPA về bản sắc, biểu tượng và lá cờ của AIPA. Về việc sửa đổi Quy chế Nhân viên AIPA và cơ cấu tổ chức mới của Ban Thư ký AIPA, Ủy ban thống nhất đề nghị Tổng Thư ký AIPA rà soát các vị trí không cần thiết và báo cáo Đại hội đồng AIPA xem xét. Về việc thực hiện các Nghị quyết của AIPA, Ủy ban nhất trí, Nhóm Tư vấn AIPA là cơ chế hiệu quả để rà soát việc thực hiện các Nghị quyết và nên tập trung thực hiện các Nghị quyết từ năm 2009 đến nay vì nhiều Nghị quyết trước đây không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại.
+ Chiều cùng ngày, trong khuôn khổ Đại hội đồng AIPA – 34 đã diễn ra các phiên đối thoại với các nước Quan sát viên của AIPA gồm: Belarus, Australia, Canada, Trung Quốc, Nghị viện châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga. Nội dung trao đổi, thảo luận tại các phiên đối thoại tập trung vào chủ đề tăng cường hợp tác giữa AIPA với các nước Quan sát viên. Đại biểu tham dự các phiên đối thoại cho rằng, để tăng cường và phát triển của quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các nước Quan sát viên, cùng với nỗ lực của Chính phủ các nước ASEAN và các nước Quan sát viên thì AIPA và nghị viện các nước Quan sát viên có vai trò và nhiệm vụ quan trọng. Nghị viện các nước thành viên AIPA và các nước Quan sát viên cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh khung pháp lý phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai các cam kết hợp tác của hai bên, nhất là trong các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế - thương mại, kết nối, giao thông vận tải, hàng hải, và các lĩnh vực hợp tác văn hóa - xã hội khác, trong đó có giao lưu nhân dân. AIPA và nghị viện các nước Quan sát viên cần xem xét, hỗ trợ Chính phủ hai bên thúc đẩy các hoạt động thể hiện lập trường và phối hợp ủng hộ nhau trên các diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế như ASEM, APEC, G20, Liên Hợp Quốc... Đồng thời cần phát huy tốt vai trò của cơ quan lập pháp trong gắn kết quan hệ giữa nghị viện các nước và Hiệp hội ASEAN.