Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (19/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Lưu ý về phạm vi điều chỉnh và không gian áp dụng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Luật này là một trong những cơ chế đảm bảo để con người được sống trong bầu không khí trong lành như Hiến pháp đã ghi. Do đó, cơ quan soạn thảo cần tiếp thu các ý kiến, rà soát, nghiên cứu và chỉnh lý thật kỹ trước khi trình Quốc hội.
Về tính khả thi của Dự thảo Luật, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) do Chủ nhiệm Pham Xuân Dũng trình bày, khẳng định, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi được xây dựng trên cơ sở tổng kết 8 năm thực hiện Luật BVMT năm 2005 và những yêu cầu thực tiễn đặt ra trong hoạt động BVMT, đồng thời bổ sung một số nội dung mới phù hợp với tình hình thực tế của công tác BVMT. Do vậy, về cơ bản nội dung của Dự thảo Luật bảo đảm tính khả thi.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng tình với Thường trực Ủy ban KH,CN&MT cho rằng, Dự thảo Luật vẫn còn nhiều điều, khoản chờ hướng dẫn chi tiết mới thực hiện được (12 điều giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 16 Điều giao Bộ quy định), trong đó không ít nội dung đã rõ, đã kiểm chứng có thể quy định ngay trong Dự thảo Luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, để luật đi vào cuộc sống và đáp ứng được yêu cầu thì cần gia công nhiều.
“Luật quy định thì chính sách phải rõ ràng. Phạm vi quá rộng, nếu làm hết phải là bộ luật, còn không phải tách riêng thành luật khác. Ví dụ biến đổi khí hậu chỉ nên quy định dưới góc độ chung, còn phải có luật riêng. Ngoài ra, mối quan hệ giữa luật này với rất nhiều luật khác phải được rà soát, nghiên cứu thêm, vì nhiều quy định còn mâu thuẫn, thậm chí trái nhau như quy định về ngân sách, thuế, phí”, ông Lý nêu ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa thì lưu ý, Luật cần mở rộng phạm vi không gian áp dụng, không chỉ trên “lãnh thổ” đất liền mà còn trên “thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế” của nước CHXHCNVN. Điều này rất khó khả thi và các quy định cũng chưa thật sự đầy đủ, cụ thể, chặt chẽ. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc điều chỉnh cho phù hợp với hệ thống pháp luật nói chung, nhất là Luật Biển Việt Nam.
Báo cáo tác động môi trường với các dự án đầu tư
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội; thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ và những dự án trong danh mục Chính phủ quy định “phải thực hiện đánh giá tác động môi trường sơ bộ trong giai đoạn báo cáo đầu tư”, như vậy, việc thực hiện đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án này phải được tiến hành 2 bước: “đánh giá tác động môi trường sơ bộ” và “đánh giá tác động môi trường”.
Có 2 loại ý kiến trong Ủy ban KH,CN&MT về vấn đề này. Theo đó, có ý kiến cho rằng, thực tiễn trong thời gian qua, có một số dự án phải lập báo cáo đầu tư, xin chủ trương đầu tư nhưng sau khi lập ĐTM thấy xuất hiện những tác động xấu đến môi trường, buộc phải điều chỉnh dự án, thậm chí phải đình chỉ dự án, gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội. Vì vậy việc quy định 2 bước lập ĐTM đối với một số dự án lớn, có tác động xấu đến môi trường phải do Chính phủ quy định là cần thiết.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc quy định 2 bước lập ĐTM sẽ phát sinh thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. ĐTM sơ bộ có thể gây lãng phí cho chủ đầu tư và xã hội, nảy sinh xung đột với một số quy định của một số luật khác (như luật Đầu tư).
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, ông Đào Trọng Thi cho rằng cần quy định có đánh giá tác động sơ bộ nhưng nên quy định quy trình thủ tục có sự phân loại đối với các dự án khác nhau.
“Cho dù là đánh giá tác động môi trường sơ bộ thì cũng phải quy định mức độ xin ý kiến, thẩm định (như xin ý kiến chuyên gia, cơ quan chuyên môn, tổ chức khoa học), nếu không việc ghi vào đánh giá chỉ là cho vui, người đọc báo cáo cũng chưa chắc đủ khả năng thẩm định”, ông Thi nhấn mạnh.
Cần làm rõ trách nhiệm
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, tồn tại trong bảo vệ môi trường hiện nay liên quan chế độ trách nhiệm. Do đó, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cần quy định rõ việc xử lý trách nhiệm.
“Quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản… dẫn đến ô nhiễm môi trường sẽ xử lý thế nào chưa rõ. Anh cấp phép lung tung để người ta phá hoại môi trường thì trách nhiệm thế nào? Những vi phạm thấy rõ mà anh không chịu giải quyết thì trách nhiệm của anh đến đâu?”, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thấy rằng dự án luật đưa ra khá đồ sộ. Tuy nhiên, ông băn khoăn không biết trong Luật hiện hành, điểm yếu nhất về quản lý nhà nước trong vấn đề bảo vệ môi trường nằm ở điểm nào, để từ đó có giải pháp, chế tài phù hợp.
“Cái gì cũng gọi cảnh sát môi trường đâu có được, mà phải toàn dân tham gia bảo vệ môi trường. Nhưng khi vi phạm thì ai đứng ra tuýt còi, xử lý hay cứ để dân bức xúc quá nên tự xử như bao vây nhà máy, chặn xe? Cơ quan Nhà nước không thực hiện được các chức năng mà đáng lẽ họ phải làm thì người dân tự phát làm. Nên chăng có sự hỗ trợ theo cơ chế như thế nào cho nhân dân trong vấn đề bảo vệ môi trường?”, ông Ksor Phước nêu ý kiến.
Đề cập một số vụ việc nhà máy gây ô nhiễm khiến người dân bức xúc và báo chí đang phản ánh, ông Ksor Phước bày tỏ: “Môi trường liên quan không những đời sống hiện tại mà còn cả tương lai thế hệ sau nên người dân quyết tâm ngăn chặn vi phạm. Hãy lấy cuộc sống của dân làm mục tiêu bảo vệ. Luật cần trao cho chính quyền địa phương một quyền giải quyết thế nào khi có những sự việc như trên”.
Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, nếu không phát huy nội lực của nhân dân, của hệ thống chính quyền cơ sở thì có xây dựng luật và đầu tư lớn cũng không thể đảm bảo thành công trong bảo vệ môi trường./.