Băn khoăn quy định công chứng viên công chứng bản dịch

20/09/2013

Chiều 18/9, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng.

Các ý kiến đồng tình với Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trình bày khẳng định, Luật công chứng được Quốc hội ban hành năm 2006 đã tạo điều kiện cho việc phát triển hoạt động công chứng và các tổ chức hành nghề công chứng, tuy nhiên trong quản lý và triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về lĩnh vực này vẫn còn nảy sinh nhiều bất cập. Do đó, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật.

Luật công chứng năm 2006 dự kiến bổ sung 9 điều mới, sửa đổi 26 điều và bãi bỏ 1 điều trong tổng số 67 điều của Luật công chứng hiện hành.

Công chứng viên chịu trách nhiệm về nội dung

Theo quy định của dự thảo Luật, nhiệm vụ công chứng bản dịch được giao lại cho công chứng viên thực hiện thay vì để các Phòng Tư pháp cấp huyện chứng thực chữ ký người dịch như trong 6 năm qua để bảo đảm tính chính xác của bản dịch, quản lý tốt hơn thị trường dịch vụ dịch thuật, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người yêu cầu dịch.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cho biết có kiến còn băn khoăn về tính khả thi của quy định này, bởi lẽ dịch thuật là công việc mang tính chuyên môn cao, nội dung được dịch thuật cũng như các ngôn ngữ có thể có yêu cầu dịch rất đa dạng, phong phú. Do đó, yêu cầu công chứng viên phải kiểm tra các tài liệu cần dịch và chịu trách nhiệm hoàn toàn hoặc liên đới cùng với người dịch về tính hợp pháp, tính xác thực của các giấy tờ, nội dung được dịch sẽ vượt quá khả năng của những người này (vì tiêu chuẩn của công chứng viên tại Điều 13 của Luật cũng không đòi hỏi công chứng viên phải biết ngoại ngữ).

Các ý kiến này cho rằng, chất lượng các bản dịch thời gian qua không cao là do quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, yêu cầu và trách nhiệm của đội ngũ dịch thuật viên còn chưa rõ ràng, thiếu sự quản lý chặt chẽ. Vì vậy, việc chuyển trách nhiệm chứng thực bản dịch từ Phòng tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện sang cho các tổ chức hành nghề công chứng cũng khó có thể bảo đảm chất lượng các bản dịch được công chứng sẽ tốt hơn vì bản chất của vấn đề phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ dịch thuật viên.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện nêu ý kiến không đồng tình với quy định này và đề nghị nên theo quy định hiện hành. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng cho rằng công chứng viên chịu trách nhiệm với nội dung bản dịch là không thực thi, và trong một số vụ việc liên quan có thể dẫn đến việc công chứng viên chịu tội oan.

Xã hội hóa cần có lộ trình

Về chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với chủ trương cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng với các giải pháp được đề ra trong dự thảo Luật. Tuy nhiên, các ý kiến trong Ủy ban pháp luật cho rằng, hoạt động công chứng là một loại hình dịch vụ công, công chứng viên do Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện dịch vụ này; đây là hoạt động đòi hỏi tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao. Do đó, việc xã hội hóa hoạt động này cần phải có lộ trình thích hợp.

Hiện tại trình độ phát triển của xã hội còn nhiều hạn chế cộng với tính phức tạp, thiếu ổn định của hệ thống pháp luật đã khiến cho nhận thức cũng như nhu cầu về hoạt động công chứng trong dân cư chưa đồng đều giữa các vùng miền, khó có điều kiện phát triển thêm các tổ chức công chứng tư nhân tại các địa bàn nông thôn xa trung tâm, vùng núi, vùng sâu, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.... như quy hoạch mà Chính phủ đã đề ra. Vì vậy, các ý kiến này đề nghị cân nhắc quy định về việc phải hoàn thành việc chuyển đổi các Phòng công chứng (đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở tư pháp) thành Văn phòng công chứng (hoạt động theo Luật doanh nghiệp) vào trước năm 2020 như Tờ trình của Chính phủ mà đối với các địa bàn đặc thù thì vẫn nên duy trì mô hình Phòng công chứng như hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu về công chứng của địa phương.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng cần cân nhắc kỹ về xã hội hóa hoạt động công chứng, theo đó phải có lộ trình, cũng như nghiên cứu kinh nghiệm thế giới để áp dụng cho phù hợp với tình hình Việt Nam.

Cũng theo ông Hiện, do trình độ của một số công chứng viên còn hạn chế nên thực tế nhiều hợp đồng được công chứng không đảm bảo, gây nhiều phức tạp.

Phát biểu tại phiên làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định sửa đổi bổ sung Luật Công chứng là cần thiết. Công tác xã hội hóa hoạt động này cũng nên theo hướng ủng hộ nhưng cần nghiên cứu kỹ và cần quan tâm đến việc nâng cao chất lượng công chứng viên./.

 

Ngọc Thành/VOV online

(http://vov.vn/)