Có tham nhũng trong lực lượng phòng chống tham nhũng?

19/09/2013

Đây là một trong các câu hỏi mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khi đánh giá báo cáo của Chính phủ về phòng chống tham nhũng.

Một trong những nội dung quan trọng trong phiên họp thứ 21 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hôm nay là việc cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2013. Thảo luận về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị làm rõ trách nhiệm trong phòng ngừa tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu.

Tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, từ tháng 1 đến tháng 8 năm nay, cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh phòng chống tham nhũng và đạt hiệu quả nhất định. Kết quả, đã có 36 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng.

Cụ thể, có 4 người bị xử lý hình sự (ở Bắc Giang và Bắc Ninh), 4 trường hợp khác đang được xem xét, còn lại chỉ xử lý hành chính. Cũng trong thời gian này, đã có hơn 360 cán bộ, công chức nộp, trả lại quà tặng, với tổng giá trị 178 triệu đồng.

Về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay, trong quá trình xác minh đã phát hiện ra ba trường hợp kê khai không trung thực và các đối tượng này đều bị xử lý cảnh cáo. Gần 60 trường hợp (trong đó đa phần ở TP.HCM) bị xử lý kỷ luật vì chậm kê khai, chậm nộp báo cáo. Đáng lưu ý, mặc dù đã có một số vụ án điểm được đưa ra xé xử , được dư luận quan tâm, song nhìn chung tiến độ xử lý còn châm, án treo vẫn còn nhiều…

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ được thế giới đánh giá công tác phòng chống tham nhũng của Việt Nam như thế nào, dư luận trong nước thế nào, Mặt trận đánh giá ra sao, trong khi đây là những kênh đánh giá hết sức quan trọng. Báo cáo chưa nói rõ, lực lượng phòng chống tham nhũng có tiêu cực, có bao che không, có tham nhũng ngay trong lực lượng phòng chống tham nhũng không? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị làm rõ trách nhiệm trong phòng ngừa tham nhũng của cơ quan, tổ chức, cá nhân và trách nhiệm người đứng đầu.

“Thanh tra làm hết sức chưa? Kiểm sát, kiểm toán, điều tra đã làm hết sức chưa? Ví dụ trong trong lực lượng này có chuyện này, chuyện kia, có tiêu cực hay không? Xử sai hay không là trách nhiệm của Viện kiểm sát. Các đồng chí phải làm rõ. Còn cơ quan khác là chủ yếu là thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức. Dư luận, đánh giá của quốc tế, trong nước, chưa nói rõ, có tiêu cực hay bao che, bảo kê, tham nhũng trong nội bộ, tới mức nào chưa đề cập rõ và trách nhiệm của các cơ quan này?...” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Cho ý kiến vào báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Kso Phước đề nghị cho biết số thông tin liên quan đến tham nhũng mà các cơ quan có thẩm quyền nhận được trong năm và cách xử lý thông tin đó. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng, báo cáo cần nêu rõ vụ việc nào diễn ra trong thời gian dài mới phát hiện, vụ nào được phát hiện ngay, tỉnh nào kém nhất, bộ nào có vấn đề và điển hình là cái gì? Quốc hội cần địa chỉ. Báo cáo có chiều sâu thì mới thể hiện được hiệu qủa công tác phòng chống tham nhũng đến đâu.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nhấn mạnh, vì là báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013 nên cần bổ sung thông tin cho toàn diện, tổng quá. Chính phủ có thể yêu cầu các cơ quan cung cấp thêm thông tin trước khi báo cáo Quốc hội, trong đó cần thể hiện rõ hơn về tình hình, số liệu, tránh báo cáo chung chung. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng, báo cáo cần có đánh gía về mặt điều tra xã hội học, để thấy được mức độ hài lòng của người dân về công tác phòng, chống tham nhũng.

Cũng trong ngày hôm nay, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật công chứng và kế hoạch kiểm toán năm 2014./.

Ngọc Thạch

(http://vov.vn/)