PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN KHẮC ĐỊNH CHỦ TRÌ CUỘC HỌP CHUYÊN ĐỀ ''CÁC VẤN ĐỀ PHÁP LÝ PHÁT SINH TRONG BỐI CẢNH ĐẠI DỊCH COVID-19''

05/11/2021

Sáng 05/11, tại Nhà Quốc hội, Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức cuộc họp chuyên đề về ''Các vấn đề về pháp lý phát sinh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và định hướng giải pháp''. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tổ trưởng Tổ Công tác, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp.

 

Toàn cảnh cuộc họp chuyên đề “Các vấn đề về pháp lý phát sinh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và định hướng giải pháp”

Tham dự cuộc họp, về phía Quốc hội có Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng; Thường trực các Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Về phía Chỉnh phủ có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; đại diện Bộ Tư Pháp; đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện trường Đại học Luật Hà Nội và các chuyên gia, nhà khoa học…

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Tổ trưởng Tổ Công tác nhấn mạnh, Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội được đông đảo nhân dân và các cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao, thể hiện tính kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Từ khi được thành lập đến nay, Tổ công tác đã có nhiều báo cáo chuyên đề về tài chính - ngân sách, về vận tải, về lao động, y tế, vắc-xin… Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, cuộc họp này nhằm đề xuất nội dung có tính khái quát, bao trùm về đại dịch Covid-19 và những vấn đề pháp lý đặt ra không chỉ đối với Việt Nam mà đối với toàn cầu. Đây là đại dịch chưa từng có nên nhiều vấn đề pháp lý phát sinh, các nước cũng đã nghiên cứu về vấn đề này. Ở Việt Nam, trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức hội thảo quốc tế “Đại dịch Covid-19 và những vấn đề pháp lý đặt ra” với sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đã đề xuất Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nghiên cứu về nội dung này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu khai mạc cuộc họp

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, cuộc họp để các nhà quản lý, các chuyên gia, các nhà khoa học trao đổi, thảo luận về một số vấn đề pháp lý đặt ra không chỉ đối với lĩnh vực y tế mà còn là pháp lý đối với toàn bộ nền kinh tế, công tác điều hành kinh tế - xã hội của đất nước. Có rất nhiều vấn đề đặt ra trong bối cảnh hiện nay, do vậy Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng cuộc họp chuyên đề bước đầu nghiên cứu, trao đổi về vấn đề này và nghe báo cáo của các cơ quan, các chuyên gia, từ đó sẽ tiếp thu ý kiến của các chuyên gia để hình thành báo cáo của Tổ Công tác để kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, gửi báo cáo của Tổ Công tác cho Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cung cấp thông tin cho các cơ quan Đảng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo đề dẫn một số vấn đề về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19

Cũng tại cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, thành viên Tổ Công tác, đã báo cáo đề dẫn một số vấn đề về việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19. Báo cáo đã đánh giá những kết quả đạt được trong thời gian từ khi Nghị quyết số 30/2021/QH15 có hiệu lực để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời chỉ ra một số bất cập, hạn chế ảnh hưởng đến hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh, từ đó Thường trực Ủy ban Pháp luật đã tham mưu Tổ Công tác thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 tổng kết, đánh giá lại hệ thống pháp luật đầy đủ hơn cũng như tham mưu tổ chức cuộc họp chuyên đề này.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã nghe PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội, báo cáo một số vấn đề pháp lý phát sinh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và định hướng giải pháp. PGS.TS Vũ Thị Lan Anh đã nêu những khó khăn, thách thức và yêu cầu đặt ra đối với hệ thống pháp luật dưới tác động của đại dịch Covid-19, về bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân, về công tác lập pháp trong điều kiện dịch bệnh, các thủ tục hành chính trong giai đoạn dịch bệnh, về quy định những biện pháp cấp bạch, tạm thời ứng phó với dịch bệnh, về lĩnh vực thương mại, lĩnh vực lao động….; nghe đồng chí Nguyễn Đức Lam, Trưởng phòng nghiệp vụ bồi dưỡng, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử kiến nghị cần sớm tập trung xây dựng, ban hành Luật Phòng, chống dịch Covid-19 để đáp ứng nhanh chóng yêu cầu phải có cơ sở pháp lý cao nhất, hiệu quả để phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân.

Đồng chí Nguyễn Đức Lam, Trưởng phòng Nghiệp vụ bồi dưỡng, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử, đóng góp ý kiến tại cuộc họp

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nghe Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đậu Anh Tuấn trình bày về các cơ chế quản lý đối với hoạt động kinh doanh trong hệ thống pháp luật kinh doanh hiện tại đặt trong bối cảnh ứng phó với đại dịch, cùng với sự phát triển mạnh của công nghệ giai đoạn vừa qua, các hoạt động kinh doanh trên nền tảng trực tuyến phát triển mạnh mẽ./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác