Ủy ban Thường vụ Quốc hội “nóng” vấn đề bảo hiểm y tế

12/09/2013

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn bày tỏ bức xúc về vụ việc “nhân bản” ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức- Hà Nội.

“Tôi thấy bức xúc vô cùng”

Phát biểu sau khi nghe Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ báo cáo về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012, sáng 11/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nói: “Báo cáo cho rằng 4 năm thực hiện luật BHYT đã đạt được nhiều mặt khích lệ, nhưng khích lệ là cái gì? Tôi thấy rằng chưa được, bởi mới chỉ đạt được một số mặt. Báo cáo có nêu nhiều nguyên nhân hạn chế yếu kém, nhưng trách nhiệm thì lại không có. Báo cáo nặng về BHYT, nhưng khám chữa bệnh BHYT như thế nào thì lại đánh giá không sâu. Thực hiện BHYT bằng việc khám chữa bệnh như thế nào, y đức ra sao?”.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết nhiều người bức xúc về vụ “nhân bản” xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) hay một trạm y tế mà làm giả cả giấy tờ, dấu giả, báo cáo khống về BHYT.

“Tôi thấy bức xúc vô cùng. Một bệnh viện tuyến huyện ở Thủ đô mà lại "nhân bản" kết quả xét nghiệm. Lấy kết quả của ông già đưa cho trẻ nhỏ, của trẻ đưa cho người già”, ông Huỳnh Ngọc Sơn nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, phải làm rõ hơn mục đích giám sát, tìm ra tồn tại và trách nhiệm khắc phục. Trong báo cáo chưa chỉ ra được trách nhiệm giữa BHYT, BHXH mà chỉ đề xuất chung chung.

“BHYT đang để ở BHXH hay Bộ Y tế? Từ quản lý sử dụng quỹ này và thẻ BHYT thì người dân được cái gì, chưa được cái gì? Thực tế bức xúc rất nhiều. Do chúng ta chưa quy định rõ kết dư và bội chi trong BHYT nên cấp nào tuyến nào cũng muốn giữ BHYT, ảnh hưởng tới người bệnh”, ông Lý nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cũng nêu một thực tế là bệnh viện tuyến huyện không chuyển bệnh nhân lên tỉnh dù bệnh rất nặng, vì chuyển thì BHYT cũng phải chạy theo. Việc sử dụng BHYT không đúng sẽ ảnh hưởng tới tính mạng sức khỏe của người dân. Vậy tuyến huyện, tỉnh phải có điều chỉnh gì không?

“Cung ứng thuốc, khám chữa bệnh theo BHYTvà không BHYT rất khác nhau. Có khi không đưa thẻ BHYT còn tốt hơn là đưa thẻ. Chỗ này cần xử lý thế nào? Những tỉnh nào cung ứng được thầu thuốc, mặt được và chưa được ra sao? Báo cáo về thanh tra, kiểm tra chỉ có 18 dòng thì rút ra được cái gì?”, ông Lý băn khoăn.

Sai sót khi thực hiện

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề: Bây giờ bệnh nhẹ nhưng lại kê nhiều đơn thuốc, yêu cầu xét nghiệm nhiều vượt quá mức chi của BHYT thì giám định việc này như thế nào? Bệnh viện quá tải thì ai cũng thấy rõ, nhưng trong điều kiện kinh tế khó khăn, việc không có đầu tư của Nhà nước thì sẽ như thế nào? Do đó cần phân tích sâu hơn.

Phát biểu tại phiên làm việc, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho rằng, khi triển khai thực hiện, các cấp đã để sai sót xảy ra. Báo cáo mới dừng ở mô tả tình hình khám chữa bệnh, thực hiện BHYT mà chưa chỉ ra được nơi nào làm tốt, chưa tốt, hay trách nhiệm thế nào.

“Tình trạng không được đối xử công bằng, chi trả bảo hiểm rất lâu, không đủ, nhiều địa phương giữ người lại không cho chuyển lên tuyến trên khiến bệnh của họ trầm trọng hơn. Vậy xử lý các vấn đề này như thế nào?”, Phó Chủ tịch nước nêu câu hỏi.

Phó Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh đến góc độ tuân thủ pháp luật khi nhiều sự việc buồn đã xảy ra trong quá trình thực hiện, không chỉ ở bảo hiểm y tế mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như: ăn bớt tiền thương binh liệt sĩ, tiền cho người nghèo, trẻ em vùng cao, người bệnh… làm cho chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân không được như mong muốn./.

 

Ngọc Thành/VOV online

(http://vov.vn/)