Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội như thế nào?

07/09/2013

Sáng 6-9, Hội thảo về chính sách bảo hiểm hưu trí và các phương án cải cách khi xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) được Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội phối hợp Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tổ chức tại Hà Nội.

Tại hội thảo, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nhận định: "Kinh nghiệm quốc tế cho thấy cải cách BHXH đã khó, nhưng cải cách hệ thống hưu trí còn khó hơn nhiều do hệ thống hưu trí phụ thuộc rất nhiều nhân tố đầu vào. Trên con đường phát triển, mọi quốc gia đều quan tâm đến việc hoạch định chính sách để mở rộng diện bao phủ BHXH, tuy nhiên, với những thách thức khác nhau tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ phát triển và các yếu tố lịch sử mà giải pháp được ưu tiên lựa chọn ở mỗi quốc gia là khác nhau".

Cung cấp thông tin cho các đại biểu tham dự hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội Phạm Minh Huân cho biết, dự thảo Luật sửa đổi được dự kiến có rất nhiều điểm đổi mới quan trọng. Theo đó, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) không áp dụng đối với bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời bổ sung bảo hiểm hưu trí bổ sung (quy định trong chương quy định chung và điều về chính sách Nhà nước đối với BHXH). Dự luật cũng bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng trở lên; bổ sung đối tượng tham gia bắt buộc là chủ hộ kinh doanh cá thể; bổ sung đối tượng là người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương. Về đối tượng áp dụng BHXH tự nguyện, dự kiến là “công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên” (không khống chế tuổi trần tham gia BHXH tự nguyện).

Liên quan đến 2 nội dung được đa số các đại biểu tham dự hội thảo bày tỏ quan tâm là tuổi nghỉ hưu và mức đóng bảo hiểm, ông Huân cho biết, dự Luật đã sửa đổi điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu, cụ thể là đã đưa ra 2 phương án quy định lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu đối với từng nhóm đối tượng.

Ở phương án 1, từ năm 2016 trở đi, đối với CBCCVC cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 62 tuổi đối với cả nam và nữ.

Phương án 2, từ năm 2016 trở đi, CBCCVC cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, các đối tượng còn lại cứ 3 năm tăng lên 1 tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.

Độ tuổi để hưởng lương hưu trong trường hợp suy giảm khả năng lao động tăng thêm 5 tuổi so với quy định hiện hành.

Tỷ lệ hưởng lương hưu được sửa đổi theo hướng có lộ trình tăng dần số năm đóng BHXH tương ứng với 45% từ 15 năm lên 20 năm đóng BHXH (khoản 2 Điều 52). Quy định tỷ lệ giảm trừ do nghỉ hưu trước tuổi được điều chỉnh tăng từ 1% lên 2% tương ứng với mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

Hiện tại, so với lực lượng lao động cả nước thì tỷ lệ lao động tham gia BHXH ở Việt Nam còn  rất thấp. Tính đến hết năm 2012, trên cả nước mới có khoảng 10,5 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, mặc dù có tăng 3,3% so với năm 2011, nhưng chỉ đạt khoảng 78% so với số lao động thực tế phải tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Luật BHXH. Bất cập lớn nhất của hệ thống BHXH đã được chỉ ra là diện bao phủ BHXH còn thấp, mới đạt khoảng 20% lực lượng lao động, số người tham gia bảo hiểm y tế mới đạt khoảng 65% dân số. Quản lý nhà nước về BHXH, bảo hiểm y tế chưa đáp ứng yêu cầu; việc tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, bảo hiểm y tế còn có thiếu sót. Từ đó đặt ra yêu cầu tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, phấn đấu đến năm 2020, có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia BHXH, sử dụng an toàn và bảo đảm cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn, xây dựng hệ thống BHXH, bảo hiểm y tế hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao...

Dự án Luật BHXH sửa đổi đã được đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XIII, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2014) và thông qua vào kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2014).

 

ANH PHƯƠNG

(http://www.sggp.org.vn/)