Theo Tờ trình của Chính phủ, sau 3 năm triển khai, Luật Bảo hiểm y tế đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, Luật hiện hành mới chỉ quy định các đối tượng có trách nhiệm tham gia, chứ không phải là bắt buộc tham gia – điều này đã ảnh hưởng đến quá trình thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Vẫn còn tình trạng cấp trùng thẻ, lựa chọn ngược, chỉ những người bị bệnh mới tham gia... gây ảnh hưởng đến tính bền vững của quỹ bảo hiểm y tế. Quy định phân cấp quản lý quỹ bảo hiểm y tế cho các địa phương cũng chưa rõ ràng, chưa gắn với trách nhiệm của địa phương trong quản lý, sử dụng quỹ; chưa quy định cụ thể thứ tự ưu tiên trong việc trích lập quỹ dự phòng, cũng như phân bổ, sử dụng phần kết dư quỹ của địa phương. Các đại biểu tán thành với việc sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế để thể chế hóa chủ trương phát triển bảo hiểm y tế toàn dân đã được đưa ra trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Khóa XI. Dự thảo Luật cũng đã đưa ra một số quy định mới, tiến bộ, hợp lý hơn so với quy định hiện hành... Để thực hiện được lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân đến năm 2020, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần quy định bắt buộc mua bảo hiểm y tế với mọi cá nhân và xác định rõ sự bắt buộc tham gia bảo hiểm y tế đối với hộ gia đình. Tuy nhiên, để các cá nhân, hộ gia đình đều tham gia bảo hiểm y tế thì không nên dựa vào các chế tài xử phạt mà cần nghiên cứu các hình thức khuyến khích để thu hút đông đảo người dân tham gia. Cần nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để đưa quy định vừa bảo đảm công bằng theo chiều ngang (quyền lợi tương ứng với mức đóng góp), vừa bảo đảm công bằng theo chiều dọc (Nhà nước sẽ hỗ trợ trước cho đối tượng khó khăn, cần được chăm sóc hơn rồi mới đến các đối tượng khác); xác định rõ mức đóng góp của Nhà nước, của người dân trong bảo hiểm y tế...
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình bổ sung quy định về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn; trong đó quy định quan hệ sở hữu giữa họ được giải quyết theo thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự về sở hữu riêng và sở hữu chung theo phần; sửa đổi, bổ sung các chế định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; sửa đổi, bổ sung các quy định về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; bổ sung chế định tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận; sửa đổi, bổ sung các quy định về nghĩa vụ, quyền giữa các thành viên khác trong gia đình và cấp dưỡng... Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hiện hành, song cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ các nội dung: nếu áp dụng tập quán hôn nhân gia đình thì cần xác định rõ tập quán nào trái pháp luật nhưng vẫn diễn ra, tập quán nào đúng với pháp luật để bảo đảm hôn nhân tự nguyện, quyền và tập quán của con người. Hay, nếu quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, thì quy định nào bảo đảm tính nhân đạo của mang thai hộ? Việc bổ sung quy định về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn cũng cần được cân nhắc, bởi lẽ pháp luật không quy định chung sống mà không kết hôn, thì tại sao dự án Luật lại quy định việc giải quyết hậu quả của việc chung sống mà không kết hôn?