CHỦ TỊCH QUỐC HỘI VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: PHÁT HUY SỨC MẠNH TOÀN HỆ THỐNG TRONG GIÁM SÁT

27/08/2021

Sáng 27/8, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp cho ý kiến về dự thảo các kế hoạch giám sát, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề. Đây là cơ sở để triển khai các hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022.

Tham dự phiên họp còn có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện lãnh đạo các cơ quan hữu quan.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp cho ý kiến về dự thảo các kế hoạch giám sát, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề

Trước đó, thực hiện chương trình hoạt động giám sát cho năm 2022 tại Nghị quyết số 09/2021/QH15, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 18/2021/QH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021” do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn; ban hành Nghị quyết số 19/2021/QH15 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành” do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải làm Trưởng đoàn.

Đối với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sẽ tiến hành 2 giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” và giám sát “Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 – 2021”.

Tại Nghị quyết số 09/2021/QH15, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình giám sát tối cao của Quốc hội và giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đầu tiên của khoá XV nói trên. Do đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu phải tiếp tục đổi mới cách làm, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát, xác định đây là khâu trọng yếu để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

Với phương châm chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về danh sách ủy viên và đại biểu khách mời tham gia hai Đoàn giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội; các Đoàn giám sát đã chủ động xây dựng các dự thảo kế hoạch và đề cương giám sát.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc buổi làm việc

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội báo cáo một số vấn đề về việc triển khai 04 Đoàn giám sát năm 2022; nghe đại diện các Đoàn giám sát báo cáo dự kiến kế hoạch và đề cương giám sát chuyên đề.

Cho ý kiến bước đầu vào dự thảo kế hoạch, đề cương các chương trình giám sát, Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự chuẩn bị của các Đoàn giám sát trong việc chuẩn bị các tài liệu, xây dựng kế hoạch và đề cương giám sát. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, các chuyên đề giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có phạm vi rộng, do đó, phải xác định rất rõ mục đích, yêu cầu của từng chuyên đề giám sát, từ đó xác định được phạm vi, đối tượng và lĩnh vực trọng điểm phải tiến hành giám sát.

Nhấn mạnh vai trò của đề cương báo cáo giám sát chi tiết, Chủ tịch Quốc hội cho rằng đề cương phải xuất phát từ xác định rõ mục đích của giám sát. Về mặt quy định pháp luật và tổ chức thực hiện, phải đánh giá cho được kết quả, thể chế hóa chủ trương quan điểm của đảng, chỉ ra những điểm nổi trội, cùng với đó tồn tại, hạn chế, yếu kém. Đánh giá được thực trạng để có kiến nghị đề xuất hoàn thiện pháp luật, thể chế chính sách; kiến nghị trong tổ chức thực thi  để tạo chuyển biến căn bản; đồng thời xem xét trách nhiệm của tập thể và cá nhân.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid- 19 đang diễn biến phức tạp ở một số địa phương, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các Đoàn giám sát phải hết sức linh hoạt trong tổ chức thực hiện, vấn đề phối hợp cũng cần được đặt ra. Đối với từng chuyên đề giám sát, những vấn đề nào vừa qua đã có giám sát, có báo cáo rồi thì tận dụng kết quả này và yêu cầu các cơ quan báo cáo bổ sung, cập nhật chứ không phải là “chạy lại từ đầu”. Đồng thời cần phân công nhiệm vụ rất rõ ràng, có đầu mối chịu trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, để bảo đảm hiệu lực giám sát của Quốc hội thì công tác tổ chức, tổng hợp, phân tích, điều phối, huy động sức mạnh của cả hệ thống trong giám sát. Do đó cần phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân các cấp và Đoàn đại biểu Quốc hội.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo tình hình triển khai công việc của các Đoàn giám sát

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, sẽ có một số điểm khác biệt so với thông lệ trong triển khai giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lần này. Cụ thể, Đoàn giám sát sẽ quyết định thành phần, sự tham gia của các chuyên gia là đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Kiểm toán nhà nước và lãnh đạo các Bộ, ngành. Căn cứ hình hình thực tế và trên cơ sở xem xét báo cáo của các cơ quan, Đoàn giám sát sẽ chủ động lựa chọn cơ quan, địa phương cụ thể để đi giám sát. Có sự phối hợp, tham gia giám sát của HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các tổ chức chính trị, xã hội. Các mốc thời gian trong kế hoạch không được ấn định cụ thể như trước đây và được dự kiến căn cứ theo quy định tại Quy chế tổ chức hoạt động giám sát của Quốc hội về thời hạn gửi báo cáo của đối tượng chịu sự giám sát.

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã cho ý kiến chi tiết về dự kiến kế hoạch, phạm vi, nội dung, tiến độ của từng chuyên đề giám sát. Các nội dung này sẽ tiếp tục được hoàn thiện để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tại phiên họp tháng 9 tới./.

Bảo Yến - Bùi Hùng