Sáng ngày 15/7, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Cùng tham dự Hội nghị ở điểm cầu Nhà Quốc hội có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, nguyên Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân; các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Hội đồng Bầu cử quốc gia, Văn phòng Quốc hội; các đồng chí đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, ban ngành…và đại diện lãnh đạo tại các điểm cầu trực tuyến ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, những mặt còn hạn chế, bất cập trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức cuộc bầu cử, tìm ra nguyên nhân để đúc kết thành những kinh nghiệm quý và bài học cho các kỳ bầu cử tiếp theo.
Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại Hội nghị.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là một cuộc bầu cử rất đặc biệt, một sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm của cả nước và quốc tế; đồng thời diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đạt được nhiều thành tựu sau 35 năm Đổi mới, Đại hội XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp, nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức khi mà cùng lúc vừa phải tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật, vừa phải bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid -19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân.
Theo Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, trong bối cảnh nêu trên và quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, trong phạm vi, thẩm quyền, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sớm ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2021; chủ động phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn về tổ chức cuộc bầu cử; tổ chức nhiều phiên họp Chính phủ và Thường trực Chính phủ, kịp thời ban hành các nghị quyết của Chính phủ, kết luận và Công điện của Thủ tướng Chính phủ để lãnh đạo, chỉ đạo các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp triển khai đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Song song với việc tập trung chỉ đạo công tác bầu cử, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát diễn biến tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra, quyết tâm, quyết liệt thực hiện mục tiêu kép; vừa chỉ đạo sát sao, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid– 19 vừa tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, chăm lo đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo..., bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, UBND các cấp quan tâm, khơi dậy và phát huy ý chí tự lực, tự cường của các tầng lớp nhân dân, vượt qua khó khăn, thách thức, tích cực tham gia thực hiện “chống dịch như chống giặc” và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định cuộc sống và an toàn cho nhân dân, tạo động lực quan trọng để nhân dân phấn khởi, tích cực tham gia cuộc bầu cử.
Các Bộ, ngành và UBND các cấp triển khai đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ được giao
Đóng góp vào thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, không thể không kể đến vai trò của các Bộ ngành, UBND các cấp. Theo đó, Bộ Nội vụ (cơ quan thường trực của Chính phủ về bầu cử) đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu giúp Chính phủ trong công tác phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành các văn bản quy định hướng dẫn về bầu cử; tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị, Công điện và theo phạm vi, thẩm quyền đã ban hành Thông tư hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử; chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để hướng dẫn nghiệp vụ công tác bầu cử; kịp thời hướng dẫn, trả lời các địa phương về những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện; tham gia đầy đủ các đoàn kiểm tra, giám sát; trực tiếp tổ chức các đoàn kiểm tra công tác bầu cử tại các địa phương; giúp các địa phương trong cả nước triển khai nghiêm túc, đúng quy định, hiệu quả công tác nghiệp vụ bầu cử.
Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử; phân bổ, sử dụng dự toán ngân sách; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp kinh phí và bổ sung kính phí phục vụ bầu cử năm 2021 cho các Bộ, ngành và các địa phương.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chủ quản, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí để tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam thường xuyên, liên tục chỉ đạo các cơ quan báo chí tuyên truyền hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử.
Bộ Y tế đã ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức kiểm tra việc thực hiện của các địa phương về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tổ chức nhiều cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch Covid-19 và công tác bảo đảm y tế phục vụ bầu cử; kịp thời hỗ trợ chuyên môn và cử các đoàn công tác đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ca dương tính với SARS-Cov-2 và những địa phương có dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không để xảy ra dịch lan rộng và bùng phát trong thời gian tổ chức cuộc bầu cử.
Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chủ động xây dựng các phương án cụ thể triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng; huy động toàn dân và cả hệ thống chính trị tham gia bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; kịp thời ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; có phương án bố trí, phân công lực lượng bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn cho các khu vực bỏ phiếu; phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid - 19.
Thanh tra Chính phủ hướng dẫn việc kê khai tài sản đối với người được giới thiệu ứng cử; tích cực triển khai đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, góp phần bảo đảm ổn định an ninh trật tự cho cuộc bầu cử.
Bộ Ngoại giao đã xây dựng và phối hợp triển khai kế hoạch tuyên truyền đối ngoại về cuộc bầu cử, cung cấp thông tin các cuộc họp báo quốc tế; chủ động cung cấp thông tin cho báo chí nước ngoài; tổng hợp và báo cáo dư luận nước ngoài về cuộc bầu cử; hướng dẫn các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt là trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về nội dung, mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: Trong phạm vi, thẩm quyền thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bầu cử; về hướng dẫn, chỉ đạo của Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm ổn định đời sống cho nhân dân.
Các địa phương đã chủ động đảm bảo bầu cử an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19
Các địa phương đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc, linh hoạt, sáng tạo, đúng quy định chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan; chủ động, kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức bầu cử trên địa bàn; xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch về bầu cử; thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử bảo đảm số lượng, đúng thành phần và thời gian theo quy định; chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nghiệp vụ bầu cử; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho ngày bầu cử; thực hiện tốt, có hiệu quả các phương án, kịch bản về phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Trong bối cảnh, điều kiện rất khó khăn, các địa phương triển khai tích cực, đồng bộ, toàn diện, nhất quán, chặt chẽ, sáng tạo trong suốt quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử; đồng thời vừa chủ động đảm bảo an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa tập trung thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm đời sống, an toàn cho người dân. Với sự quyết tâm và nỗ lực lớn, cuộc bầu cử đã được các địa phương triển khai thực hiện bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng phát luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.
Đã được đánh giá sâu đậm trong báo cáo tổng kết cuộc bầu cử của Hội đồng bầu cử quốc gia, tựu trung lại, cuộc bầu cử đã được các địa phương tổ chức bảo đảm đúng luật, trang trọng, nghiêm túc, an toàn, tạo không khí sôi nổi, phấn khởi, tin tưởng và tự hào của Nhân dân. Với tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt tỷ lệ 99,60%, kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã bảo đảm định hướng về số lượng, cơ cấu, thành phần là minh chứng sinh động của ý Đảng, lòng dân, của tinh thần đại đoàn kết dân tộc và niềm tin, niềm tự hào của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, đối với chế độ xã hội chủ nghĩa.
Cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, khách quan, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm
Căn cứ Hướng dẫn số 670/HD-BTĐKT ngày 30/3/2011 của Ban Thi đua, Then thưởng Trung ương về thực hiện công tác thi đua, khen thưởng trong tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; trên cơ sở kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác bầu cử và đề nghị của các Bộ, ngành và các địa phương: đã có 08 Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho 244 tập thể và 218 cá nhân; một số Bộ, ngành, cơ quan đã tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong công tác bầu cử. Trong đó Bộ Nội vụ đã tặng bằng khen cho 13 tập thể (Sở Nội vụ) và 13 cá nhân tiêu biểu xuất sắc ở một số địa phương.
Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định: Cuộc bầu cử đã diễn ra trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp; sự tích cực, nghiêm túc, trách nhiệm, quyết liệt, sáng tạo của các tổ chức phụ trách bầu cử ở các địa phương; với tinh thần làm chủ và sự đồng sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, cùng với việc thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong từng bước tiến hành theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử.
Các Bộ, ngành, các địa phương theo phạm vi, quyền hạn đã chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời triển khai và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc ban hành các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo hướng dẫn về bầu cử; thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn phát sinh; cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, khách quan, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.
Xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND
Bên cạnh những kết quả đạt được, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 cũng gặp một số khó khăn, tồn tại. Đó là dịch bệnh Covid-19 đã diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử; do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc thống kê, rà soát, lập danh sách cử tri có nhiều biến động, khó khăn do nhiều cử tri đi làm ăn xa hoặc có người di cư từ nơi khác đến. Công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử ở cơ sở còn hạn chế và gặp khó khăn tại một số địa bàn miền núi, vùng cao, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Kinh phí phục vụ cho cuộc bầu cử còn hạn hẹp do phát sinh nhiều khoản chi liên quan đến thực hiện nghiệp vụ bầu cử trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Nhiều địa phương phụ thuộc chủ yếu chi thường xuyên từ ngân sách Trung ương nên gặp nhiều khó khăn, cần tiếp tục có biện pháp xem xét, giải quyết.
Ngoài ra, một số khu vực bầu cử chưa nắm chắc nghiệp vụ bầu cử, còn để xảy ra sai sót, nhầm lẫn trong phiếu bầu; một số đơn vị hành chính cấp xã chưa bầu đủ số lượng đại biểu cần bầu, phải tổ chức bầu thêm, có một số ít đơn vị phải tổ chức bầu cử lại.
Với những khó khăn, bất cập trên, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã thay mặt Chính phủ đưa ra kiến nghị, đề xuất đối với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND. Cụ thể như: về thời gian bỏ phiếu đối với khu vực đạt tỉ lệ 100% cử trị trong danh sách đã đi bỏ phiếu; khoảng thời gian để địa phương in ấn tài liệu, phiếu bầu và niêm yết danh sách người ứng cử; quy định về cử tri đi bỏ phiếu nơi khác; về danh sách người ứng cử trong lần bầu cử thêm.../.