CHÍNH PHỦ NỖ LỰC THỰC HIỆN MỤC TIÊU KÉP, PHỐI HỢP CHẶT CHẼ ĐỂ TỔ CHỨC THÀNH CÔNG CUỘC BẦU CỬ

14/07/2021

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ ngành, địa phương, thể hiện quyết tâm, nỗ lực thực hiện mục tiêu kép: vừa nghiêm túc phòng chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội và tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là một cuộc bầu cử rất đặc biệt, một sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm của cả nước và quốc tế; đồng thời diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đạt được nhiều thành tựu sau 35 năm Đổi mới, Đại hội XIII của Đảng thành công rất tốt đẹp, nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức khi mà cùng lúc vừa phải tổ chức cuộc bầu cử thành công, đúng pháp luật, vừa phải bảo đảm an toàn trong điều kiện phòng, chống đại dịch Covid -19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống và an toàn cho người dân.

Trong bối cảnh nêu trên và quán triệt sâu sắc sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, trong phạm vi, thẩm quyền, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã sớm ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14/01/2021; chủ động phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn về tổ chức cuộc bầu cử; tổ chức nhiều phiên họp Chính phủ và Thường trực Chính phủ, kịp thời ban hành các nghị quyết của Chính phủ, kết luận và Công điện của Thủ tướng Chính phủ để lãnh đạo, chỉ đạo các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các cấp triển khai đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo kế hoạch của Hội đồng bầu cử quốc gia.

Song song với việc tập trung chỉ đạo công tác bầu cử, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã bám sát diễn biến tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặt ra, quyết tâm, quyết liệt thực hiện mục tiêu kép; vừa chỉ đạo sát sao, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19, vừa tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế, ổn định xã hội, chăm lo đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là ở những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo...,bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp quan tâm, khơi dậy và phát huy ý chí tự lực, tự cường của các tầng lớp nhân dân, vượt qua khó khăn, thách thức, tích cực tham gia thực hiện “chống dịch như chống giặc” và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định cuộc sống và an toàn cho nhân dân, tạo động lực quan trọng để nhân dân phấn khởi, tích cực tham gia cuộc bầu cử.

Thủ tướng Phạm Minh Chính lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cử tri quận Cái Răng, TP. Cần Thơ.

Các bộ, ngành và địa phương đã rất sát sao, phối hợp chặt chẽ, thể hiện quyết tâm, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ kép: vừa nghiêm túc phòng chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội và tổ chức thành công cuộc bầu cử.

Các Bộ đã tham mưu giúp Chính phủ trong công tác phối hợp với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn về tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2026 như Bộ Nội vụ. Bộ Tài chính tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp kinh phí phục vụ bầu cử năm 2021 cho các Bộ, ngành, các địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chủ quản, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo chí tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử. Bộ Y tế ban hành các văn bản hướng dẫn về phòng, chống dịch Covid-19%; tổ chức kiểm tra việc thực hiện của các địa phương về phòng, chống dịch bệnh Covid-19; tổ chức nhiều cuộc họp với các Bộ, ngành, địa phương để chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch Covid-19 và công tác bảo đảm y tế phục vụ bầu cử...

Các địa phương đã xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch về bầu cử; thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử bảo đảm số lượng, đúng thành phần và thời gian theo quy địnho; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho ngày bầu cử; thực hiện tốt, có hiệu quả các phương án, kịch bản về phòng, chống dịch Covid - 19 và bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn.

Đánh giá chung về kết quả đạt được, cuộc bầu cử đã diễn ra trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp; sự tích cực, nghiêm túc, trách nhiệm, quyết liệt, sáng tạo của các tổ chức phụ trách bầu cử ở các địa phương; với tinh thần làm chủ và sự đồng sức, đồng lòng, ủng hộ của nhân dân, cùng với việc thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong từng bước tiến hành theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc bầu cử.

Các Bộ, ngành, các địa phương theo phạm vi, quyền hạn đã chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao; kịp thời triển khai và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc ban hành các văn bản pháp luật, văn bản chỉ đạo hướng dẫn về bầu cử; thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra, giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn phát sinh; cuộc bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, khách quan, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương.

Bên cạnh những kết quả nêu trên, Chính phủ cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các quy định về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

- Dịch bệnh Covid-19 đã diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử; do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc thống kê, rà soát, lập danh sách cử tri có nhiều biến động, khó khăn do nhiều cử tri đi làm ăn xa hoặc có người di cư từ nơi khác đến.

- Công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử ở cơ sở còn hạn chế và gặp khó khăn tại một số địa bàn miền núi, vùng cao, vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số.

- Kinh phí phục vụ cho cuộc bầu cử còn hạn hẹp do phát sinh nhiều khoản chi liên quan đến thực hiện nghiệp vụ bầu cử trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Nhiều địa phương phụ thuộc chủ yếu chi thường xuyên từ ngân sách Trung ương nên gặp nhiều khó khăn, cần tiếp tục có biện pháp xem xét, giải quyết.

- Một số khu vực bầu cử chưa nắm chắc nghiệp vụ bầu cử, còn để xảy ra sai sót, nhầm lẫn trong phiếu bầu; một số đơn vị hành chính cấp xã chưa bầu đủ số lượng đại biểu cần bầu, phải tổ chức bầu thêm, có một số ít đơn vị phải tổ chức bầu cử lại.

Chính Phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc nêu trên do nguyên nhân khách quan của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, do vậy công việc rất nhiều, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu.

Cụ thể, sau Đại hội Đảng, một số người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp, Ban Công tác Mặt trận ở thôn, khu dân cư có sự thay đổi; một số người chưa có kinh nghiệm về công tác bầu cử, còn chủ quan, chưa chú ý nghiên cứu kỹ các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, chưa bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên. Một số nơi, cấp ủy, chính quyền chưa thực sự sát sao, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chưa quan tâm đúng mức đến công tác kiểm tra, giám sát để khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót trong công tác chuẩn bị và tổ chức cuộc bầu cử. Cá biệt, có nơi lãnh đạo Ủy ban bầu cử cấp xã còn chưa làm hết vai trò, trách nhiệm của mình trong lãnh đạo, chỉ đạo và giải quyết những vấn đề phát sinh trong cuộc bầu cử.

Từ thực tiễn và kết quả triển khai thực hiện các quy định về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Chính phủ cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử quốc gia. Đối với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Cụ thể như: về thời gian bỏ phiếu đối với khu vực đạt tỉ lệ 100% cử trị trong danh sách đã đi bỏ phiếu; khoảng thời gian để địa phương in ấn tài liệu, phiếu bầu và niêm yết danh sách người ứng cử; quy định về cử tri đi bỏ phiếu nơi khác; về danh sách người ứng cử trong lần bầu cử thêm...

Đối với Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ đề nghị xem xét để có hướng dẫn phù hợp trong các lần bầu cử sau đối với những nơi bầu cử sớm thì ngày bầu cử sớm nên quy định từ 5 ngày đến 10 ngày trở lên, để địa phương có thời gian chuẩn bị. Về chế độ thông tin báo cáo trong ngày bầu cử nên quy định 02 lần vào thời điểm 11h trưa và 19h tối, sau khi kết thúc bỏ phiếu. Việc phân bổ kinh phí bầu cử ngoài căn cứ vào số lượng cử tri, dân số, đề nghị xem xét thêm các yếu tố đặc thù của từng địa phương./.

Bích Ngọc