CẦN NẮM RÕ MỘT SỐ NỘI DUNG CỦA LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI VÀ CÁC VẤN ĐỀ CỬ TRI QUAN TÂM VỀ NỘI DUNG NÀY

27/04/2021

Tại Hội thảo “Nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và việc thúc đẩy bình đẳng giới” do Nhóm nữ ĐBQH Việt Nam phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội và Ban Công tác đại biểu tổ chức vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Lê Thị Nguyệt đã chia sẻ tới các nữ ứng cử viên một số nội dung của Luật Bình đẳng giới.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các nữ ứng cử viên được cung cấp thông tin cơ bản về Quốc hội, tình hình kinh tế - xã hội, một số chính sách pháp luật kinh tế - xã hội và bình đẳng giới mà cử tri quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm, thực hành các kĩ năng tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử, xây dựng chương trình hành động... Đồng thời, các ứng cử viên được các đại biểu, nguyên đại biểu Quốc hội hướng dẫn về các kỹ năng tiếp xúc cử tri, vận động tranh cử, xây dựng chương trình hành động, xây dựng hình ảnh xuất hiện trước các phương tiện truyền thông, tạo quan hệ với báo chí.

Chia sẻ tới các nữ ứng cử viên một một số vấn đề của Luật bình đẳng giới,  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt cho biết, Luật bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực ngày 01/7/2007. Luật bao gồm 44 điều được chia thành 6 chương với Mục tiêu bình đẳng giới là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, Luật đã tạo ra khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ về vấn đề bình đẳng giới cụ thể như sau:

Thứ nhất, trong Luật đã có nhiều quy định để đảm bảo sự thống nhất trong việc thi hành bao gồm những quy định về nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới, chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới, nội dung quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Trong đó, nổi bật là quy định nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới. Các nguyên tắc này là cơ sở để việc thực hiện công tác bình đẳng giới một cách nhất quán.

Cụ thể như tại Điều 6 đã quy định chi tiết các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới. Theo đó, nam, nữ bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình; Nam, nữ không bị phân biệt đối xử về giới; Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới không bị coi là phân biệt đối xử về giới; Chính sách bảo vệ và hỗ trợ người mẹ không bị coi là phân biệt đối xử về giới; Bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực thi pháp luật; Thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân.”

Thứ hai, Luật đã quy định việc bảo đảm bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, bao gồm: chính trị; kinh tế; lao động; giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao; y tế; gia đình. Đây cơ sở để xây dựng các quy định, chính sách, cũng như tạo điều kiện cho nam, nữ có cơ hội ngang nhau được tham gia, phát huy năng lực, thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển trong các lĩnh vực. Đặc biệt, để giảm khoảng cách tỉ lệ nữ giới so với nam giới tham gia trong lĩnh vực chính trị, Luật đã quy định nội dung cũng như biện pháp để thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực này.

Cụ thể, tại Điều 11 quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị. Theo đó, nam, nữ bình đẳng trong tham gia quản lý nhà nước, tham gia hoạt động xã hội; Nam, nữ bình đẳng trong tham gia xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng hoặc quy định, quy chế của cơ quan, tổ chức;  Nam, nữ bình đẳng trong việc tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân; tự ứng cử và được giới thiệu ứng cử vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; Nam, nữ bình đẳng về tiêu chuẩn chuyên môn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm vào cùng vị trí quản lý, lãnh đạo của cơ quan, tổ chức.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt phát biểu

Thứ ba, Luật quy định các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới; thông tin, giáo dục, truyền thông về giới và bình đẳng giới; nguồn tài chính cho hoạt động bình đẳng giới. Các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới được quy định chi tiết tại Điều 19, bao gồm: Quy định tỷ lệ nam, nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng; Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ hoặc nam; Hỗ trợ để tạo điều kiện, cơ hội cho nữ hoặc nam; Quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ hoặc nam; Quy định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam; Quy định việc ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam;

Luật cũng đã có quy định mang tính chất nguyên tắc về việc bảo đảm lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, quy định này sẽ giúp hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới cũng như nâng cao được nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan về công tác bình đẳng giới. Từ đó, vấn đề bình đẳng giới được quan tâm và được lồng ghép trong các văn bản quy phạm pháp luật, các chính sách, chương trình…

Thứ tư, Luật quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc thực hiện và bảo đảm bình đẳng giới. Luật quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan của Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, gia đình, cá nhân trong công tác bình đẳng giới. Trong đó, hằng năm Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, Luật còn có các quy định về thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt nhấn mạnh, cử tri quan tâm nhiều đến pháp luật về bình đẳng giới nói chung và Luật Bình đẳng giới nói riêng. Sự ra đời và triển khai Luật đã góp phần thúc đẩy việc thực hiện công tác bình đẳng giới; bước đầu có kết quả tích cực, tạo được sự bình đẳng thực chất của nam, nữ trong các lĩnh vực của xã hội cũng như đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Trên cơ sở xác định được những vấn đề cử tri quan tâm và những kỹ năng được trang bị, khi viết về chương trình hành động, các ứng cử viên sẽ nêu được vài nét nổi bật không chỉ về vấn đề bình đẳng giới mà còn về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, của địa phương, lĩnh vực chuyên môn của ứng cử viên. Đồng thời, ứng cử viên cũng thể hiện được sự hiểu biết về những vấn đề quan trọng mà cử tri quan tâm, mong muốn và đề xuất; qua đó, đưa ra một số giải pháp để tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của cử tri./.

Hồ Hương