Công tác đảm bảo an ninh trật tự cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được lực lượng công an xây dựng kế hoạch và triển khai đến các cấp công an trên toàn quốc. Công tác trên được triển khai từ rất sớm, do đó, lực lượng công an đã chủ động để đảm bảo việc giữ gìn an ninh trật tự. Các âm mưu, ý đồ cũng như kế hoạch hoạt động của các đối tượng có ý đồ lợi dụng bầu cử để chống phá đã được phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, một số đối tượng hoạt động manh động vi phạm pháp luật đã bị xử lí trong thời gian qua.
Trên không gian mạng, lực lượng công an cũng tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách cũng như các quy định về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời phản bác lại các luận điệu xuyên tạc về bầu cử, vạch rõ bản chất của các tổ chức, cá nhân có ý đồ lợi dụng bầu cử để hoạt động chống phá.
Về nội dung này, phóng viên THQHVN đã có cuộc trao đổi với Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường - Phó Trưởng phòng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An.
Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường - Phó Trưởng phòng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An trả lời phỏng vấn
Phóng viên: Thưa ông, thời điểm của cuộc tổng tuyển cử đang đến rất gần, đây cũng là giai đoạn chống phá bầu cử diễn ra mạnh mẽ, vậy chúng ta phải nhận diện hoạt động chống phá này như thế nào ?
Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường - Phó Trưởng phòng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An: Chúng ta đều biết, các thế lực thù địch có những âm mưu lâu dài, kích động hoạt động gây bất ổn đất nước, từ đó chống chính quyền, đạp đổ chế độ chính trị và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trước những sự kiện chính trị lớn như hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, các đối tượng sẽ lợi dụng để chống phá, chúng ta cũng dễ nhận ra những luận điệu tương đối cũ mòn mà các đối tượng sử dụng. Ví dụ, các đối tượng dựng lên các phong trào như không biết không bầu, với luận điệu chế độ chính trị chúng ta là đảng cử dân bầu, các vị trí đã được sắp xếp, không có tự do dân chủ, việc bầu cử là không cần thiết.
Chúng ta cũng đều đã biết, chúng ta có Luật Bầu cử Quốc hội và bầu cử HĐND, chế độ bầu cử cũng như các quy định về cuộc bầu cử cũng được các cơ quan công bố công khai sâu rộng từ rất sớm. Trên thực tế, các khóa đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp cũng có đại biểu là những người tự ứng cử. Do đó, chúng ta dễ dàng nhận ra những luận điệu xuyên tạc của các đối tượng trong vấn đề này.
Thủ đoạn thứ 2, các đối tượng cũng sử dụng hành vi biên soạn các tài liệu bầu cử, đòi đa nguyên đa đảng, cũng như kích động hoạt động chống phá và đưa lên không gian mạng, thâm chí các đối tượng còn phát tán thư rác vào hòm thư cơ quan nhà nước lập để phục vụ công vụ cũng như phục vụ người dân.
Thứ ba, các đối tượng còn đưa lên mạng nhiều thông tin bịa đặt về đời tư, sức khỏe, gia đình của một số đồng chí lãnh đạo Nhà nước, nhằm bôi nhọ hạ uy tín trong cuộc bầu cử sắp tới.
Thứ 4, các đối tượng lợi dụng quyền ứng cử được Quốc hội thông qua trong Hiến pháp và pháp luật. Một số đối tượng mặc dù biết rõ bản thân không đủ điều kiện và không vượt qua được các vòng hiệp thương nhưng vẫn ứng cử nhằm mục đích xuyên tạc chính quyền, kích động phá hoại bầu cử.
Bên cạnh đó, các đối tượng còn lập các tổ chức, trang web, tài khoản mạng xã hội với những danh xưng gây hiểu lầm như: Trung tâm Quốc hội Việt Nam dân chủ 2021, hoặc trang web "quốc hội.vn" nhằm tập trung dư luận và chống phá bầu cử.
Phóng viên: Thưa ông, trước những tình trạng chống phá trên, chúng ta cần có những biện pháp như thế nào?
Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường - Phó Trưởng phòng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An: Công tác đảm bảo an ninh trật tự cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được lực lượng công an xây dựng kế hoạch và triển khai đến các cấp công an trên toàn quốc.
Công tác trên được triển khai từ rất sớm, do đó, lực lượng công an đã chủ động để đảm bảo việc giữ gìn an ninh trật tự. Các âm mưu, ý đồ cũng như kế hoạch hoạt động của các đối tượng có ý đồ lợi dụng bầu cử để chống phá đã được phát hiện, đấu tranh ngăn chặn kịp thời, một số đối tượng hoạt động manh động vi phạm pháp luật đã bị xử lí trong thời gian qua.
Trên không gian mạng, lực lượng công an cũng tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách cũng như các quy định về bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đồng thời phản bác lại các luận điệu xuyên tạc về bầu cử, vạch rõ bản chất của các tổ chức, cá nhân có ý đồ lợi dụng bầu cử để hoạt động chống phá.
Về công tác quản lý nhà nước, chúng ta đã thực hiện các giải pháp bảo vệ an ninh mạng theo quy định pháp luật cũng như yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông internet ở trong và ngoài nước ngăn chặn, gỡ bỏ những thông tin sai lệch về hoạt động bầu cử tại Việt Nam, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh, xử lí các cá nhân, tổ chức có hoạt động chống phá.
Phóng viên: Thưa ông, để đảm bảo tình hình an ninh trật tự cho sự kiện trọng đại của đất nước, đặc biệt là ngăn chặn các hoạt động chống phá trên không gian mạng, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã có những công tác chuẩn bị như thế nào?
Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường - Phó Trưởng phòng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An: Thứ nhất, tích cực tuyên truyền tới người dân để người dân nắm được các thông tin chính thống.
Thứ hai, phân tích, chỉ rõ các luận điệu xuyên tạc trong luận điệu các đối tượng đưa ra. Vạch rõ bản chất của các cá nhân, tổ chức đứng sau có hành vi lợi dụng cuộc bầu cử để có ý đồ chống phá chính trị cũng như thực hiện chức năng quản lý nhà nước để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông internet trong và ngoài nước ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh xử lí các cá nhân vi phạm.
Phóng viên: Trong công tác đảm bảo an ninh trật tư, ngăn chặn các hành vi chống, phá cuộc bầu cử đã gặp phải những khó khăn, thách thức như thế nào, thưa ông ?
Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường - Phó Trưởng phòng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An: Không gian mạng có tính lan tỏa rất nhanh, công tác phát hiện đấu tranh ngăn chặn phải rất khẩn trương, kịp thời, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ở biên giới chưa thực sự chấp hành quy định pháp luật của Việt Nam cũng như yêu cầu của cơ quan chức năng.
Đây cũng là sự khó khăn cho công tác đảm bảo an ninh trật tự, cũng như thực thi pháp luật của Việt Nam. Ngoài ra, các đối tượng có âm mưu ý đồ lâu dài với Việt Nam sử dụng rất nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi. Mặc dù luận điệu không mới, nhưng phương thức thủ đoạn có sự thay đổi theo từng thời điểm, do đó lực lượng công an phải rất chủ động và cần có sự chung tay giúp sức của quần chúng nhân dân để kịp thời cảnh báo và ngăn chặn.
Phóng viên: Vậy ông có những khuyến cáo như thế nào đối với người tham gia không gian mạng?
Thiếu tá Nguyễn Tiến Cường - Phó Trưởng phòng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công An: Mỗi người dân khi tham gia không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội để cập nhật thông tin phải hết sức chú ý những thông tin đặc biệt như bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã được các cơ quan chính quyền tuyên truyền trên rất nhiều kênh thông tin, báo chí.
Đối với những thông tin trên mạng xã hội, chúng ta phải hết sức cảnh giác đặc biệt là những thông tin pha trộn thật giả, những hình ảnh đưa lên nhưng không được kiểm chứng. Ngoài ra, lực lượng công an đã đưa ra cảnh báo về những âm mưu, thủ đoạn cũng như cảnh báo về một số các nhân tổ chức, một số trang web thường xuyên đăng tải những thông tin xấu, quần chúng nhân dân cần nắm rõ để nhận diện được đấy là những thông tin cần phải cảnh giác.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Ông!