Các thành viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV tại phiên họp toàn thể lần thứ nhất
Vào đầu nhiệm kỳ, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội khóa XIV có 40 thành viên, gồm Chủ nhiệm, 5 Phó Chủ nhiệm, 3 Ủy viên Thường trực hoạt động chuyên trách ở trung ương và 31 Ủy viên chuyên trách, kiêm nhiệm hoạt động ở các bộ, ngành, địa phương. Tham mưu, giúp việc cho Uỷ ban Tư pháp là Vụ Tư pháp thuộc Văn phòng Quốc hội. Chất lượng thành viên và bộ máy giúp việc của Uỷ ban Tư pháp nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV tiếp tục được đảm bảo, đáp ứng yêu cầu của công tác. Cơ cấu thành viên Uỷ ban Tư pháp và bộ máy giúp việc nêu trên là điều kiện quan trọng bảo đảm chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban trong công tác lập pháp, giám sát và tham mưu cho Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề quan trong trong lĩnh vực tư pháp.
Dấu ấn lập pháp: góp phần thể chế hóa chủ trương về cải cách tư pháp và bảo đảm quyền con người, quyền công dân
Quán triệt sự lãnh đạo của Đảng về công tác tư pháp và phòng, chống tham nhũng, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Tư pháp và các cơ quan hữu quan đã đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án, bổ trợ tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tổ chức bộ máy của cơ quan tư pháp.
Là cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì thẩm tra và chủ trì giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trong lĩnh vực tư pháp và phòng, chống tham nhũng, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Uỷ ban Tư pháp đã chủ trì thẩm tra và chỉnh lý, hoàn thiện 06 dự án luật gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015; Luật Đặc xá năm 2018; Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018; Luật Thi hành án hình sự năm 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 và 04 nghị quyết, trong đó có nhiều dự án lớn, phạm vi điều chỉnh rộng, quy định về nhiều vấn đề quan trọng nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân…
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp, tạo cơ sở cho hoạt động giám sát của Quốc hội đối với các cơ quan này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Viện kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án. Nghị quyết đã được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành các Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp để xây dựng một nghị quyết chung về công tác tư pháp với các chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp trình bày báo cáo trước Quốc hội
Thực tế cho thấy các dự án do Uỷ ban Tư pháp chủ trì thẩm tra, chỉnh lý đều được xem xét kỹ cả về nội dung và kỹ thuật văn bản, qua đó, chất lượng dự án được nâng lên rõ rệt từ kết cấu, bố cục đến nội dung các điều khoản so với dự thảo ban đầu. Các luật, nghị quyết thuộc lĩnh vực do Uỷ ban Tư pháp phụ trách sau khi được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua đều đáp ứng yêu cầu về chất lượng, bảo đảm cụ thể, chi tiết, có tính khả thi, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Hoạt động giám sát góp phần nâng cao tính đúng đắn và tuân thủ pháp luật trong hoạt động của các cơ quan tư pháp
Trong công tác giám sát, thực hiện quy định của pháp luật, hàng năm Uỷ ban Tư pháp tổ chức các phiên họp toàn thể thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, công tác thi hành án, công tác phòng, chống tham nhũng; các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Tòa án nhân dân, ngành Kiểm sát nhân dân... trình Quốc hội tại các kỳ họp cuối năm. Các báo cáo thẩm tra đã phản ánh, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về chất lượng và hiệu quả hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác phòng, chống tham nhũng, việc chấp hành pháp luật của các cơ quan tư pháp; đã phát hiện những hạn chế, tồn tại, làm rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, đồng thời kiến nghị nhiều giải pháp khắc phục. Đây là căn cứ quan trọng để Quốc hội, đại biểu Quốc hội tiến hành chất vấn, giám sát tối cao tại kỳ họp Quốc hội, thảo luận, đánh giá hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, trong nhiệm kỳ, Ủy ban Tư pháp đã đã tổ chức các Đoàn giám sát chuyên đề tại các địa phương để giám sát về các nội dung: (i) Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Ủy ban nhân dân; (ii) Việc chấp hành pháp luật về giám định tư pháp trong tố tụng hình sự.
Ủy ban Tư pháp cũng đã chủ trì tổ chức triển khai có hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”. Qua giám sát, Uỷ ban Tư pháp đã giúp Quốc hội phân tích, đánh giá làm rõ những mặt được cũng như những mặt hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước, trong hoạt động thực thi pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, làm rõ về nguyên nhân, trách nhiệm của thực trạng này đồng thời đề xuất kiến nghị, giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập.
Đặc biệt, Ủy ban Tư pháp của một trong những cơ quan của Quốc hội đã chủ động và đẩy mạnh hoạt động giải trình tại Ủy ban của Quốc hội. Theo đó, Uỷ ban Tư pháp đã tổ chức 03 phiên giải trình về Việc chấp hành các quy định của pháp luật về đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em; về: Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người từ khi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2012 có hiệu lực đến hết năm 2017; về: Tình hình vi phạm pháp luật và tội phạm xâm phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt trong các năm 2017, 2018, đầu năm 2019 và giải pháp trong thời gian tới.
Phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp về Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người từ khi Luật Phòng, chống mua bán người năm 2012 có hiệu lực đến hết năm 2017
Ủy ban Tư pháp đã chủ động tổ chức rà soát và giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ... thuộc lĩnh vực của Ủy ban phụ trách cũng như giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo và giám sát một số vụ án cụ thể.
Ngoài ra, Uỷ ban Tư pháp thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến vấn đề tổ chức và nhân sự của các cơ quan tư pháp; phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội trong tham mưu quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước liên quan đến kinh tế - xã hội, đối ngoại và quốc phòng, an ninh. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, Ủy ban Tư pháp đã tiến hành thẩm tra 18 Tờ trình, Đề án về tổ chức bộ máy và công tác nhân sự đối với các cơ quan tư pháp. Qua đó, đã làm rõ được những bất cập, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của bộ máy các cơ quan tư pháp, từ đó kịp thời kiến nghị những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần tích cực vào quá trình cải cách tư pháp và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện của Đảng, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội; sự phối hợp, hợp tác, giúp đỡ của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn Đại biểu Quốc hội, các vị Đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, cố gắng, nỗ lực thực hiện thắng lợi chức năng, nhiệm vụ thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả, tính đúng đắn và tuân thủ pháp luật trong hoạt động của các cơ quan tư pháp, các cơ quan hữu quan, tạo sự chuyển biến tích cực trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, bổ trợ tư pháp, công tác phòng, chống tham nhũng, góp phần bảo đảm mục tiêu của cải cách tư pháp ở nước ta là: xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Với chức năng là cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban Tư pháp đã không ngừng đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động, tổ chức triển khai toàn diện, có hiệu quả các mặt công tác thuộc lĩnh vực Ủy ban phụ trách, thực hiện tốt chế độ làm việc tập thể, đoàn kết, phát huy dân chủ, tổ chức công việc kịp thời, linh hoạt nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, tiến độ công việc, bảo đảm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao; cá nhân từng đồng chí thành viên Ủy ban đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thể hiện được bản lĩnh công tác, vai trò, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội, đã đóng góp quan trọng vào sự thành công của Uỷ ban Tư pháp trong nhiệm kỳ, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của Quốc hội. Bằng hoạt động thực tiễn, Uỷ ban Tư pháp đã tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, uy tín của mình trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy nhà nước.
Tuy nhiên do khối lượng công việc của Ủy ban Tư pháp tập trung vào một số thời điểm là khá lớn, có nhiều việc phức tạp, đòi hỏi yêu cầu về thời gian và chất lượng, trong khi đa số thành viên Ủy ban hoạt động kiêm nhiệm, số lượng Thường trực Ủy ban chưa đáp ứng nhu cầu, bộ máy giúp việc của Uỷ ban chưa đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, còn có trường hợp các cơ quan hữu quan chưa tuân thủ đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; chất lượng một số văn bản trình Quốc hội còn hạn chế; nhiều báo cáo đánh giá tác động còn hình thức, chủ yếu mang tính định tính, thiếu căn cứ; việc gửi tài liệu để phục vụ hoạt động thẩm tra, giám sát có lúc còn chậm; trách nhiệm của cơ quan, cá nhân trong xử lý các kiến nghị sau giám sát trong một số trường hợp còn chưa kịp thời... Những nguyên nhân nêu trên đã gây khó khăn và làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động thẩm tra, giám sát của Ủy ban.
Do đó, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV trên cơ sở kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm và kết quả đã đạt được của Uỷ ban Tư pháp các nhiệm kỳ trước, tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động. Tăng cường sự phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan trong quá trình hoạt động để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Đặc biệt là kiện toàn về tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động các Ủy ban của Quốc hội theo hướng chuyên sâu trong hoạt động; tăng cường số lượng đại biểu chuyên trách, bố trí cơ cấu thành viên hợp lý, bảo đảm hoạt động khách quan, độc lập trong quá trình thẩm tra, giám sát và tham mưu cho Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; bảo đảm hơn nữa điều kiện làm việc của Đại biểu Quốc hội chuyên trách để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động./.