KỶ NIỆM 75 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG VPQH (02/3/1946-02/3/2021): ĐỒNG HÀNH VỚI QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI CỦA QUỐC HỘI

02/03/2021

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền ghi nhận, thời gian qua, hoạt động của Văn phòng Quốc hội đã liên tục được đổi mới, ngày càng hiệu quả hơn, sát với nhu cầu đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội...

 


Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật Bùi Văn Xuyền ghi nhận, thời gian qua, hoạt động của Văn phòng Quốc hội đã liên tục được đổi mới, ngày càng hiệu quả hơn, sát với nhu cầu đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quốc hội cũng luôn giữ tinh thần cầu thị, liên tục tổng kết, đánh giá để qua đó dần hoàn thiện tổ chức bộ máy, phương thức làm việc.

Liên tục đổi mới, đóng góp hiệu quả

- Thời gian qua, Văn phòng Quốc hội đã luôn nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Ông đánh giá như thế nào về quá trình này của cơ quan tham mưu, giúp việc cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội?

Ảnh: Quang Khánh

- Qua thực tế làm đại biểu chuyên trách tại Ủy ban Pháp luật trong hai nhiệm kỳ Khóa XIII và XIV, tôi nhận thấy, hoạt động của Văn phòng Quốc hội liên tục được đổi mới, ngày càng hiệu quả hơn, sát với nhu cầu của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cũng như quá trình đổi mới hoạt động của Quốc hội.

Những đổi mới có được thời gian qua có lẽ một phần do tinh thần cầu thị, không ngại khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thể hiện rõ nhất qua công tác tổng kết, rút kinh nghiệm không chỉ được tiến hành sau 6 tháng, 12 tháng như thông lệ, mà qua mỗi kỳ họp, Văn phòng Quốc hội đều xin ý kiến các đại biểu Quốc hội đánh giá về công tác phục vụ kỳ họp; qua đó liên tục cải tiến, đổi mới phương thức hoạt động, phục vụ ngày càng hiệu quả hơn các hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. 

Có thể khẳng định rằng, công tác tham mưu, giúp việc của Văn phòng Quốc hội nói chung, các vụ phục vụ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội nói riêng đều đạt kết quả tốt, đóng góp quan trọng vào những thành công, đổi mới của Quốc hội được cử tri cả nước đánh giá cao ở nhiệm kỳ Khóa XIII và XIV.

- Ông ấn tượng với những đổi mới nào của Văn phòng Quốc hội?

- Nhìn chung, các hỗ trợ cho hoạt động của đại biểu Quốc hội chuyên trách như bảo đảm về cơ sở vật chất, tham mưu ban hành chế độ thuê chuyên gia, thư viện, cung cấp thông tin, tuyên truyền cho các hoạt động của Quốc hội đều để lại nhiều ấn tượng với các đại biểu. Trong đó, ấn tượng nổi bật nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của Quốc hội được tiến hành mạnh mẽ thời gian gần đây. Từ cuối Khóa XIII đến nay, Văn phòng Quốc hội đã tham mưu để trang bị Ipad, máy tính, thực hiện cung cấp tài liệu, thông tin qua internet cho các đại biểu Quốc hội, tiến hành họp trực tuyến... tạo ra những thay đổi lớn trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Còn nhớ đầu Khóa XIII, mỗi kỳ họp, tôi và các đại biểu Quốc hội đều nhận vài chục kg tài liệu, để tràn bàn làm việc, phòng ở. Đại biểu Quốc hội thường chỉ quan tâm đến một số nội dung trong dự án luật, nghị quyết, nên để tìm những thông tin mình cần thì phải mất rất nhiều thời gian nếu đọc trên bản giấy, gây lãng phí không ít. Nhưng từ cuối Khóa XIII đến nay, nhiều cải tiến trong phương thức hoạt động của Quốc hội được triển khai đã giúp tiết kiệm kinh phí, tạo điều kiện làm việc thuận lợi hơn cho đại biểu (do được tiếp cận tài liệu sớm, nhanh chóng và thuận tiện hơn).

Đối với cá nhân mình, tôi nhận thấy, không phải lúc nào đại biểu cũng mang đủ tài liệu liên quan đến dự án luật, nghị quyết, nhất là khi đưa ra ý kiến tranh luận lại với cơ quan chức năng hay phát biểu trước đó. Với tài liệu, thông tin được cung cấp qua internet, tôi và nhiều đại biểu khác đều nhanh chóng tìm được dữ liệu mình quan tâm, giúp ích rất nhiều khi tham gia hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, thậm chí trong từng hội thảo, tọa đàm do cơ quan chuyên môn tổ chức. Cách thức này cũng khiến tôi không mất nhiều thời gian để ngồi ở một vị trí cố định khi tra cứu thông tin, tài liệu, mà hoàn toàn có thể tiếp cận dự thảo khi đi tiếp xúc cử tri hay đi công tác. Một chiếc máy tính, Ipad cung cấp lượng thông tin khổng lồ cho đại biểu, song lại không cồng kềnh, chiếm nhiều diện tích như tài liệu giấy. Phương thức cung cấp tài liệu, thông tin này đã mang lại hiệu ứng rất tốt cho hoạt động của tôi. Nhiều đại biểu Quốc hội khác cũng có đánh giá tương tự.

Nhìn rộng hơn, có thể thấy, tham mưu này của Văn phòng Quốc hội còn giúp tiết kiệm kinh phí, thu gọn tổ chức bộ máy phục vụ. Trước đây, một văn bản khi in ra, vận chuyển, gửi đến từng đại biểu Quốc hội mất nhiều thời gian, công sức, qua nhiều bộ phận thực hiện. Hiện nay, bộ phận phục vụ trực tiếp chỉ cần kích chuột là văn bản được nhanh chóng gửi đến đại biểu ở 63 tỉnh, thành phố. Do vậy, tôi mong rằng, thời gian tới, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện các công tác liên quan.  

Bổ sung nguồn lực, bảo đảm điều kiện hoạt động

- Cuối Khóa XIV này, các phiên họp trực tuyến đã được tổ chức giúp giữ liên tục hoạt động của Quốc hội, thích ứng với tình hình thực tế và đáp ứng kịp thời các yêu cầu phát triển đất nước. Để tiến hành những phiên họp đặc biệt này, bộ phận tham mưu, giúp việc đã rất cố gắng, nỗ lực, thưa ông?

- Đúng vậy. Phương thức họp trực tuyến được triển khai nhằm đáp ứng đòi hỏi của nhu cầu giãn cách xã hội, góp phần phòng, chống đại dịch Covid-19, qua đó bảo đảm thực hiện liên tục các hoạt động của Quốc hội. Đây là phương thức họp mới, thời gian chuẩn bị không nhiều, trong khi việc bảo đảm khả năng kết nối từ điểm cầu trung tâm tại Phòng họp Diên Hồng, Nhà Quốc hội tới 63 điểm cầu trên cả nước đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn. Tuy vậy, công tác bảo đảm điều kiện họp trực tuyến đã được triển khai thực hiện tốt, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao. 

Qua hai kỳ họp áp dụng phương thức họp này, tôi nhận thấy, thời gian tới, ngoài một số nội dung thuộc bí mật Nhà nước hay cần thiết phải tiến hành họp tập trung, các nội dung khác trong kỳ họp của Quốc hội hoàn toàn có thể tiến hành họp trực tuyến. Khi tiến hành theo phương thức này, đại biểu Quốc hội ở địa phương có thêm thời gian lấy ý kiến các cơ quan chức năng, cử tri tại địa bàn sinh sống, công tác, qua đó giúp thu thập thông tin đa dạng hơn trước.

- Với hoạt động tham mưu, giúp việc của vụ phục vụ chuyên môn cho Ủy ban Pháp luật, ông có đánh giá như thế nào?

- Ủy ban Pháp luật là một trong 10 cơ quan của Quốc hội được giao chức năng thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết, giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý các dự thảo văn bản trước khi trình Quốc hội thông qua; đồng thời có nhiệm vụ phối hợp thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, bảo đảm kỹ thuật lập pháp đối với tất cả các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội. Trong đó, công tác phối hợp thẩm tra, tiếp thu chỉnh lý, chủ trì rà soát kỹ thuật lập pháp trước và sau thông qua nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên và áp lực nhất đối với Thường trực Ủy ban và Vụ Pháp luật. Bởi nhiệm vụ này có khối lượng công việc lớn, nội dung phức tạp, thuộc nhiều lĩnh vực, chuyên ngành khác nhau, tính chất công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, kỹ lưỡng, trong khi thời gian thực hiện thường lại rất khẩn trương. Do vậy, trong các kỳ họp Quốc hội, việc làm thêm ngoài giờ, làm đêm, làm việc vào thứ bảy, chủ nhật đối với Thường trực Ủy ban và công chức Vụ Pháp luật để bảo đảm tiến độ trình Quốc hội là khá phổ biến.

Tuy nhiên, các lãnh đạo, công chức tại Vụ Pháp luật luôn nỗ lực hoàn thành tốt công tác tham mưu, giúp việc, chủ động tiếp cận sớm các tài liệu, văn bản để phân tích, đánh giá, đưa ra những ý kiến phản biện xác đáng, hỗ trợ hữu hiệu cho Thường trực Ủy ban. Thời gian tới, Văn phòng Quốc hội cần quan tâm bổ sung nguồn lực, biên chế, bảo đảm các điều kiện hoạt động cho Vụ Pháp luật; đồng thời, tăng cường đào tạo các kiến thức chuyên ngành khác cho cán bộ, công chức Vụ Pháp luật bên cạnh kiến thức về luật pháp. Bởi, để rà soát kỹ thuật lập pháp trước và sau thông qua các dự án luật cần có kiến thức chuyên ngành mới có thể đánh giá quy phạm pháp luật được đưa ra đã chính xác, có mâu thuẫn, chồng chéo với các luật khác hay không... Các cán bộ, công chức Vụ Pháp luật cũng cần được quan tâm về chế độ, chính sách bồi dưỡng, vì thời gian làm việc của họ không giống như ở các cơ quan hành chính khác, thậm chí có thời điểm bằng 150% thời gian lao động thông thường.

- Xin cảm ơn ông!

(Theo Báo Đại biểu Nhân dân)