ĐBQH-BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP: VẪN CÒN NHỮNG TỒN TẠI TRONG CÔNG TÁC XÂY DỰNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT THUỘC CÁC LĨNH VỰC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

26/02/2021

Báo cáo tới các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, qua rà soát văn bản thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước cho thấy bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn những tồn tại, hạn chế.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo một số nội dung tại Kỳ họp thứ 10

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, kết quả rà soát cho thấy, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nước ta đã tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội; phần lớn văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng tốt, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, đóng góp tích cực và quan trọng vào quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Thể chế phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường đã từng bước được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật được nâng lên thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin để đăng tải ngày càng kịp thời, đầy đủ văn bản quy phạm pháp luật (Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Công báo điện tử).

Bên cạnh đó, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được cải tiến, hoàn thiện, từng bước bảo đảm chính sách, pháp luật được xây dựng, phản ánh đúng nhu cầu thực tiễn; nội dung quy định trong các bộ luật, luật ngày càng cụ thể hơn và thi hành được ngay sau khi bộ luật, luật có hiệu lực. Công tác soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, lấy ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật sau khi ban hành ngày càng thực chất, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, khả thi của văn bản quy phạm pháp luật; công tác pháp điển, hợp nhất bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch, dễ tiếp cận của hệ thống pháp luật.

Mặt khác, công tác thi hành pháp luật đã được chính quyền các cấp quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Việc ban hành văn bản quy định chi tiết các bộ luật, luật… có nhiều tiến bộ; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được chú trọng, thực hiện với nhiều hình thức sinh động, nội dung thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội, nhất là trong hoạt động quản lý của các cơ quan nhà nước. Cơ chế giám sát thi hành pháp luật từ phía các cơ quan nhà nước cũng như xã hội và người dân có nhiều đổi mới cả về hình thức và nội dung, ngày càng thực chất và hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể:

Về hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật. Quy định bất cập trong một số văn bản quy phạm pháp luật mặc dù đã được phát hiện, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, cách diễn đạt phải rõ ràng, dễ hiểu” theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất. Điều khoản về thực hiện chuyển tiếp trong một số văn bản quy phạm pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng, gây khó khăn, vướng mắc trong thi hành pháp luật.

Về thi hành pháp luật, việc gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực pháp luật chưa thực sự hiệu quả, chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời nhu cầu thực tiễn. Cơ chế đảm bảo cho người dân giám sát thi hành pháp luật còn chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn. Một số trường hợp ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa chú trọng đúng mức đến đánh giá tác động và các điều kiện bảo đảm thi hành, dẫn đến khó đi vào cuộc sống. Việc tổng kết thực tiễn thi hành văn bản quy phạm pháp luật trong một số trường hợp chưa được tiến hành kịp thời, hiệu quả.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng cho biết, kết quả tổng hợp những phản ánh, kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, nhiều vướng mắc, bất cập xuất phát từ việc hiểu không đúng, không nắm vững nguyên tắc áp dụng pháp luật dẫn đến lúng túng, thậm chí áp dụng sai pháp luật. Do đó, cần áp dụng đồng bộ các giải pháp để khẩn trương khắc phục những tồn tại này trong thời gian tới./.

Hồ Hương

Các bài viết khác