Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình làm rõ một số nội dung
Theo Tòa án nhân dân tối cao cho biết, tổng số văn bản được rà soát là 57 văn bản. Trong đó: 08 Bộ luật, Luật, Pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì soạn thảo, gồm: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Luật Tố tụng hành chính năm 2015; Luật Phá sản năm 2014; Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20-01-2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân; Pháp lệnh số 02/2012/UBTVQH13 ngày 28-3-2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về chi phí giám định, định giá, chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng; Pháp lệnh số 11/2010/UBTVQH12 ngày 16-3-2010 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thủ tục bắt giữ tàu bay; Pháp lệnh số 05/2008/UBTVQH12 ngày 27-8-2008 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thủ tục bắt giữ tàu biển. Đồng thời rà soát 24 Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, 10 Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành các bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu; 15 Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành các bộ luật, luật, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu trên do Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp soạn thảo, ban hành.
Đối với kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, Tòa án nhân dân xác định có 02 văn bản. Cụ thể:
Thứ nhất, trong Luật Phá sản, tại Điều 71 Luật Phá sản và khoản 2 Điều 52 Luật Thi hành án dân sự, trường hợp Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản, cơ quan thi hành án đã ra quyết định đình chỉ thi hành án: Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 71 Luật Phá sản thì trường hợp cơ quan thi hành án đã ra quyết định đình chỉ thi hành án nhưng Tòa án nhân dân ra quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản và đình chỉ thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh, thì cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Thi hành án dân sự thì việc thi hành án kết thúc khi có quyết định đình chỉ thi hành án. Như vậy nếu trường hợp này áp dụng theo Điều 71 Luật Phá sản 2014 thì cơ quan thi hành án ra quyết định hủy bỏ quyết định đình chỉ đã ban hành và tiếp tục thi hành án. Tuy nhiên, Luật Thi hành án dân sự không quy định về việc hủy bỏ quyết định đình chỉ.
Tại Khoản 1 Điều 120 Luật Phá sản và khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự, Khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự quy định thời hạn ra quyết định thi hành án đối với quyết định tuyên bố phá sản là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định; khoản 1 Điều 120 Luật Phá sản 2014 quy định: “Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm chủ động ra quyết định thi hành”. Như vậy, quy định giữa Luật Phá sản và Luật Thi hành án dân sự là không thống nhất, gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật.
Tại Điều 41 Luật Phá sản và khoản 2 Điều 49 Luật Thi hành án dân sự, Điều 41 Luật Phá sản quy định trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân thụ lý vụ việc phá sản, cơ quan thi hành án dân sự phải tạm đình chỉ thi hành án dân sự về tài sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã là người phải thi hành án. Khoản 2 Điều 49 Luật Thi hành án dân sự quy định thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án về việc đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án. Như vậy, Điều 41 Luật Phá sản và khoản 2 Điều 49 Luật Thi hành án dân sự quy định không thống nhất về thời hạn ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án.
Thứ hai, trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, tại điểm a khoản 2 Điều 46 và khoản 1 Điều 504 Bộ luật Tố tụng dân sự. Điểm a khoản 2 Điều 46 quy định những người tiến hành tố tụng dân sự gồm có Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án. Tuy nhiên, tại khoản 1 Điều 504 lại quy định người tiến hành tố tụng gồm có Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án. Như vậy, hai điều luật có sự mâu thuẫn với nhau về việc quy định người tiến hành tố tụng là Phó Chánh án Tòa án.
Trên cơ sở kết quả rà soát, Tòa án nhân dân tối cao đề xuất tiếp tục tổng kết thực tiễn xét xử đối với Luật Phá sản năm 2014 để xây dựng hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật Phá sản nếu cần thiết; Đối với các nội dung khác, Tòa án nhân dân tối cao đề nghị cân nhắc sửa đổi, bổ sung khi Quốc hội có kế hoạch sửa đổi các dự án luật, pháp lệnh có liên quan./.