ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH VIỆC THÀNH LẬP MỘT SỐ ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH THUỘC TỈNH THANH HÓA, BÌNH DƯƠNG, KIÊN GIANG VÀ AN GIANG

09/12/2020

Thực hiện chương trình Phiên họp thứ 51, chiều 09/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc thành lập một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Thanh Hóa, Bình Dương, Kiên Giang và An Giang. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành nội dung làm việc.

Trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, về quy trình, thủ tục, căn cứ đề nghị của UBND các tỉnh: An Giang, Bình Dương, Kiên Giang, Thanh Hóa, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương liên quan nghiên cứu, khảo sát thực tế, đánh giá đúng thực trạng phát triển của các đơn vị hành chính và tổ chức hội nghị thẩm định hồ sơ, Đề án theo quy định. Hồ sơ, thủ tục đã đáp ứng đủ theo quy định. Đề án đã được đa số cử tri trên địa bàn đồng ý và được 100% đại biểu Hội đồng nhân dân tham dự cuộc họp biểu quyết, tán thành chủ trương. Đề án đã bảo đảm các nội dung theo quy định tại Điều 29 Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13. Theo đó, đã nêu rõ sự cần thiết, các điều kiện, tiêu chuẩn thành lập; định hướng phát triển và giải pháp cụ thể về sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức của đơn vị hành chính sau khi sắp xếp, thành lập.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Tờ trình tại Phiên họp

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, ngày 14/11/2020, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 31 để thẩm tra hồ sơ, Đề án của Chính phủ. Căn cứ ý kiến tại cuộc họp, Chính phủ đã có báo cáo giải trình, bổ sung. Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Trình bày báo cáo thẩm tra tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, về sự cần thiết thành lập thành phố,phường và thị trấn, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với sự cần thiết thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc; các phường thuộc thành phố Thanh Hóa và 04 thị trấn thuộc tỉnh Bình Dương và An Giang với những lý do nêu trong các Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Về tiêu chuẩn, điều kiện thành lập thành phố, phường và thị trấn, căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Nghị quyết số 1211 về tiêu chuẩn thành lập thành phố, phường và thị trấn, đối chiếu với các đơn vị dự kiến thành lập thành phố, phường và thị trấn, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, các đơn vị đều đạt các điều kiện và tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, phân loại đô thị và tiêu chuẩn về cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội theo quy định. Việc thành lập thành phố Phú Quốc, các phường và các thị trấn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Bình Dương, An Giang do Chính phủ trình lần này đều trên cơ sở nguyên trạng đơn vị hành chính cùng cấp; đối với việc thành lập phường thuộc thành phố Phú Quốc còn làm giảm được 01 đơn vị hành chính cấp xã. Về hồ sơ, trình tự, thủ tục, qua xem xét hồ sơ các Đề án của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật thấy rằng, hồ sơ các Đề án đã được chuẩn bị nghiêm túc, đầy đủ, đúng quy định. Trình tự, thủ tục lập các Đề án đáp ứng quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết số 1211 và Nghị quyết số 653 (đối với trường hợp thành lập thành phố Phú Quốc).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra tại Phiên họp.

Đối với một số vấn đề đề nghị giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Hoàng Thanh Tùng chỉ ra rằng, tạị phiên họp thẩm tra, các thành viên Ủy ban Pháp luật đã đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh Kiên Giang, Thanh Hóa, Bình Dương, An Giang giải trình một số nội dung mang tính chất chung liên quan đến việc thành lập đơn vị hành chính ở đô thị như về định hướng, giải pháp xây dựng, điều chỉnh quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng sau khi thành lập thành phố, phường, thị trấn; các biện pháp cải thiện, nâng cao chất lượng đô thị, bảo vệ môi trường trong quá trình đô thị hóa; việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của chính quyền đô thị…

Ngoài ra, đối với Đề ánthành lập thành phố Phú Quốc và thành lập các phường thuộc thành phố Phú Quốc, Ủy ban Pháp luật còn đề nghị giải trình thêm 02 nội dung về rà soát quy hoạch, chương trình phát triển đô thị trên địa bàn để có phương án đẩy mạnh đầu tư, phát triển đô thị đối với một số xã để nối liền khu vực nội thị của thành phố; làm rõ thêm mức độ ảnh hưởng của việc phát triển đô thị đến việc bảo tồn diện tích rừng và phương án, kế hoạch đầu tư xây dựng, sử dụng và bảo vệ diện tích rừng và Vườn quốc gia Phú Quốc cũng như có phương hướng, giải pháp để hạn chế những tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa đối với môi trường và định hướng phát triển bền vững, đồng bộ của huyện đảo.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, về cơ bản, việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường, thị trấn thuộc các tỉnh: Thanh Hóa, Bình Dương và An Giang là cần thiết, phù hợp với quy hoạch. Các đơn vị hành chính đề nghị thành lập thành phố, phường, thị trấn đều đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩntheo quy định.Hồ sơ, trình tự, thủ tục lập Đề án đáp ứng quy định của pháp luật.

Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang;c ác phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; thị trấn Tân Bìnhthuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; thị trấn Vĩnh Thạnh Trung thuộc huyện Châu Phú, thị trấn Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn và thị trấn Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang với những nội dung nêu trong Tờ trình, Đề án của Chính phủ và đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, ý kiến tham gia thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Bên cạnh đó, trường hợp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp này, Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉnh lý, hoàn thiện về kỹ thuật văn bản đối với dự thảo Nghị quyết và xác định thời điểm có hiệu lực của các Nghị quyết như sau: Đối với Nghị quyết về thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, do việc thành lập thành phố Phú Quốc có tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, nên cũng giống với Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết là từ ngày01/01/2021. Đề nghị Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, bảo đảm trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, phải hoàn thành xong việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, thay đổi con dấu và các điều kiện cần thiết khác cho hoạt động của các đơn vị hành chính mới được thành lập. Đối với các Nghị quyết thành lập các phường và thị trấn thuộc các tỉnh Thanh Hóa, Bình Dương và An Giang, do việc thành lập các đơn vị hành chính được thực hiện trên cơ sở nâng cấp nguyên trạng nên đề nghị xác định thời điểm có hiệu lực của các Nghị quyết này là từ ngày 01/02/2021.

Thảo luận về nội dung này tại Phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biểu quyết

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, 100% các đồng chí thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thể hiện sự tán thành cao đối với việc quyết định việc thành lập một số đơn vị hành chính thuộc tỉnh Thanh Hóa, Bình Dương, Kiên Giang và An Giang./.

Hồ Hương - Minh Thành

Các bài viết khác