NÔNG NGHIỆP LÀ TRỤ ĐỠ BỀN VỮNG, LÂU DÀI CỦA NỀN KINH TẾ

20/11/2020

Thảo luận Tổ về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội ghi nhận đóng góp tích cực của nông nghiệp vào phát triển kinh tế - xã hội, khẳng định vai trò trụ đỡ, phát triển chiến lược của nông nghiệp trong giai đoạn tới.

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Ghi nhận những kết quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội năm qua, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, qua COVID-19 mới thấy nông nghiệp càng là bệ đỡ của phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, đề nghị trong báo cáo kinh tế - xã hội phải nhấn mạnh thêm đóng góp rất lớn, kể cả cho xuất khẩu của nông nghiệp. Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Vương Đình Huệ cũng cho rằng trong thời gian tới để phát triển nông nghiệp cần tập trung cho nông nghiệp theo 2 hướng: Một là chúng ta tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Hai là tổ chức lại sản xuất bằng kinh tế hợp tác và hợp tác xã là nòng cốt.

Tại Tổ 02 – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lại bày tỏ không hoàn toàn đồng tình với nhận định nông nghiệp là trụ đỡ khi khó khăn. Đại biểu làm rõ, nông nghiệp đối với Việt Nam từ 5 năm trở lại không phải là trụ đỡ khi khó khăn nữa mà là một ngành kinh tế chiến lược, bảo đảm phát triển bền vững lâu dài và sẽ đóng góp rất nhiều vào GDP nếu chúng ta đi theo hướng hiện đại hóa kết hợp với công nghệ và học tập kinh nghiệm của một số nước có nền nông nghiệp tiên tiến.

Đại biểu nhấn mạnh nông nghiệp sẽ là một trong những trụ đỡ nói chung bền vững, lâu dài chứ không phải chỉ khi khó khăn. Do đó, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, trong 5 năm tới, hướng đến tăng trưởng bền vững và tự chủ thì nội lực phải mạnh, trong đó có nông nghiệp và công nghiệp chế biến, cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế tri thức.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

Có cùng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng nông nghiệp không phải là cứu cánh mà nông nghiệp phải là phát triển chiến lược. Cho biết hiện nay chúng ta có nghị quyết về tam nông, nông nghiệp, nông dân và nông thôn đang phát triển bền vững, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng cần phải làm tốt những gì đang làm và phải giữ cho được thành quả đạt được, đồng thời tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản vào châu Âu.

Về vấn đề này, tại Tổ 09 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn, Gia Lai và TP. Hải Phòng, đại biểu Trần Sỹ Thanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn ghi nhận do quá trình tự nhiên, do chính sách, do chúng ta hội nhập mà người nông dân Việt Nam đã có thay đổi nhận thức căn bản toàn diện về câu chuyện chuyển đổi sản xuất hàng hóa sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang sản xuất hàng hóa nông nghiệp.

Đại biểu Trần Sỹ Thanh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn

Dẫn chứng từ thực tế nhiều địa phương như Bắc Giang với sản phẩm vải thiều xuất khẩu và cho biết hiện nay rất nhiều các sản phẩm nông nghiệp chúng ta đều có CO, CQ, xuất xứ rõ ràng và tạo điều kiện bán được sản phẩm với giá tốt hơn và có cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài. Đại biểu Trần Sỹ Thanh cho rằng đây là sự tích lũy và trong nhiệm kỳ vừa qua là quan trọng nhất, là cơ hội để cho nông nghiệp của chúng ta được những kết quả như báo cáo, trở thành cứu cánh.

Đại biểu Trần Sỹ Thanh cũng cho rằng là điểm quan trọng là xây dựng được thương hiệu rồi nhưng quản trị thương hiệu, giữ gìn thương hiệu, quảng bá thương hiệu và đặc biệt là quy trình mở ra cơ hội không chỉ về mặt kinh tế mà cả về sức khỏe dân tộc khi được sử dụng sản phẩm sạch an toàn, không còn chuyện “rau hai luống, lợn 2 chuồng”.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm – Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh lại cho rằng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều cuộc họp ở rất nhiều vùng miền khác nhau và cũng đưa ra rất nhiều những nhận định, đánh giá và có những chủ trương nhưng thực tế đi vào cuộc sống rất chậm và xót ruột, không đáp ứng được những mong muốn. Đại biểu đặt câu hỏi nguyên nhân là gì.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, dư địa của ngành nông nghiệp nước ta cực kỳ lớn. Trong điều kiện tất cả các nước xung quanh, những nước là thị trường lớn của Việt Nam trong xuất khẩu nông nghiệp không sản xuất được thì đây là dư địa, là cơ hội để nước ta có thể đẩy sản xuất nông nghiệp lên và cung cấp hàng hóa cho thị trường quốc tế. Đây cũng là một mũi tên 2 chiều, vừa kích cầu và kích sản xuất trong nước, vừa làm nhiệm vụ cung cấp hàng hóa trong khi nhiều nước đang gặp rất nhiều khó khăn, vấn đề lương thực, thực phẩm v.v. Tuy nhiên hiện chưa có sự đột phá để kích hoạt chỗ này. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm bày tỏ mong muốn Chính phủ nói thêm về những giải pháp cho việc phát triển lĩnh vực nông nghiệp./.

Bảo Yến