Chú trọng các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp
Nhận định về tình hình năm 2021 còn nhiều khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp trong khu vực du lịch và dịch vụ, đại biểu Trần Thị Hằng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đề nghị Chính phủ cần tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả về tác động của các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua đại dịch COVID-19. Đề nghị Chính phủ cần quan tâm đến các nhóm giải pháp ngắn hạn và dài hạn, nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch đối với lao động, việc làm và an sinh xã hội, như tiếp tục triển khai các gói và chính sách hỗ trợ việc làm, an sinh xã hội, nhất là khu vực lao động phi chính thức và công nhân. Nâng cao hiệu quả hoạt động tín dụng cho vay ưu đãi từ quỹ quốc gia về việc làm, cơ chế cho vay, tài trợ, hỗ trợ, tạo việc làm nên đa dạng, bám sát định hướng chiến lược kinh tế của Trung ương và địa phương. Chú trọng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh gia đình và các cơ sở sản xuất nhỏ, để qua đó hỗ trợ người lao động ở khu vực này.
Đại biểu Trần Thị Hằng – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh
Kiến nghị một số giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế, đại biểu Nguyễn Như So – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng có hai vấn đề chính cần tập trung.
Đại biểu nêu rõ: Một là, xác định hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, là khâu đột phá, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời điểm dịch COVID diễn biến phức tạp. Theo đó, cần tích cực triển khai nhanh chóng, hiệu quả các chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi. Chính phủ đã có những gói hỗ trợ ngay khi dịch bệnh bùng phát, tuy nhiên hiệu quả trên thực tế lại không được như kỳ vọng.
Một nghịch lý là có đến 78,3 nghìn doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường lại, chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ. Do vậy, điều cần làm là nhanh chóng rà soát, cắt giảm các thủ tục, nới lỏng các điều kiện căn chỉnh thời gian cho phù hợp và triển khai các gói hỗ trợ lần hai không chỉ cần đủ lớn, đủ mạnh mà còn phải nhanh để phát huy hiệu quả, trong khi hàng triệu người thất nghiệp thì gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng để trả lương cho người lao động chỉ có một doanh nghiệp duy nhất đủ điều kiện được vay.
Đại biểu cũng cho rằng cần giảm các chi phí, giãn tối đa các khoản nghĩa vụ tập trung vào chính sách, giúp các doanh nghiệp tiết giảm dòng tiền, kéo dài thời gian giảm thuế thu nhập, miễn giảm phí công đoàn đến hết năm 2021. Cho biết, doanh nghiệp đang phải đối mặt với cả 2 vấn đề lớn bởi nứt gãy chuỗi cung ứng và dòng tiền để duy trì hoạt động, vì vậy cần giảm thuế VAT xuống 5% nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi phát triển, giảm tải áp lực cho các gói hỗ trợ.
Đại biểu nhấn mạnh gia tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua tháo gỡ rào cản về thể chế, chính sách. Cần phải đột phá điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh sang hậu kiểm, thúc đẩy mạnh mẽ, giải quyết thủ tục hành chính trên nền tảng số nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí. Theo đại biểu Nguyễn Như So, đây cũng là điều kiện tiên quyết góp phần thu hút vốn FDI trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang tìm kiếm những điểm đến an toàn để thiết lập cơ sở sản xuất sau đại dịch, mà Việt Nam hứa hẹn trở thành điểm sáng khi nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh.
Đại biểu Nguyễn Như So – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh
Đồng thời, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mạnh dạn hỗ trợ những người lao động học các khóa đào tạo kỹ năng chuyển đổi nghề nghiệp và cấu trúc lại hệ thống đào tạo chuyên nghiệp, bám sát nhu cầu thực tế và đặt hàng của doanh nghiệp giúp người lao động còn được cần câu, có cơ hội việc làm phù hợp hơn và doanh nghiệp cũng được nguồn nhân lực có năng suất cao hơn. Cần xác định cải tiến công nghệ là động lực cốt lõi để xây dựng, phát triển ngành công nghiệp hiện đại nhằm thực hiện hóa mục tiêu biến Việt Nam trở thành nước công nghiệp thực sự trong 10 đến 15 năm tới.
Mục tiêu phát triển nông nghiệp làm kim chỉ nam
Vấn đề thứ hai đại biểu Nguyễn Như So cho rằng cần tập trung thực hiện trong thời gian tới là tiếp tục lấy mục tiêu phát triển nông nghiệp làm kim chỉ nam. Tận dụng lợi thế từ Hiệp định thương mại đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác thị trường nội địa gần 100 triệu dân đầy tiềm năng.
Để thực hiện được mục tiêu này, đại biểu Nguyễn Như So cho rằng cần sớm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng nông sản theo hướng phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Ví dụ như mặt hàng nông sản EU tin tưởng vào tiêu chuẩn ASC hơn là tiêu chuẩn global GAP, do đảm bảo về chất lượng, đảm bảo môi trường lao động và phúc lợi động vật. Những yếu tố Việt Nam còn xem nhẹ và thiếu kinh nghiệm, đẩy mạnh việc thực hiện cấp mã số vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý với nông sản xuất khẩu chủ lực tương xứng với giá trị của sản phẩm.
Cần tiếp tục nghiên cứu chính sách hỗ trợ đặc thù cho lĩnh vực nông nghiệp như xây dựng thương hiệu nông sản, xúc tiến thương mại, thực hiện Chương trình an ninh thực phẩm, mở rộng các đối tượng bảo hiểm nông nghiệp, nâng mức hỗ trợ bảo hiểm vật nuôi, tăng cường các giải pháp tiếp cận nguồn vốn giúp chủ thể nông nghiệp không phải đánh bạc với thiên tai, dịch bệnh.
Cuối cùng là, tăng cường vai trò đầu mối các hiệp hội, các cơ quan đại diện ngoại giao, thúc đẩy liên kết, tăng cường cập nhật thông tin thường xuyên để doanh nghiệp nắm bắt rõ ràng, cụ thể những lợi thế cũng như yêu cầu của các hiệp định thương mại, từ đó xây dựng được chiến lược kinh doanh phù hợp trong bối cảnh tình hình mới.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách và luật pháp phát triển kinh tế biển
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho rằng, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, mặc dù nước ta đã cơ bản kiểm soát tốt 2 đợt dịch vừa rồi. Tuy nhiên, tác động xấu từ nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới đối với nền kinh tế trong nước là không hề nhỏ. Hệ lụy của nó đã để lại cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh và người dân vô cùng lớn. Mặc dù Chính phủ đã ban hành các gói hỗ trợ nhằm kích thích kinh tế nhưng tình hình dịch COVID-19 vẫn đang tiềm ẩn, những biến đổi khó lường và hiện nay các doanh nghiệp, hộ kinh doanh và nhiều đối tượng khác vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và để khôi phục lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn.
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận
Do đó, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị Chính phủ cần phải tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, kịp thời giải ngân các gói hỗ trợ nhằm để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh bị tác động bởi đại dịch và đồng thời tiếp tục chỉ đạo rà soát, bổ sung một số đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng chưa được quy định trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ như là các xe thồ, thợ hồ, xe ôm có sự đảm bảo của cộng đồng thôn và tổ tự quản và bảo mẫu, cấp dưỡng, bảo vệ trong các trường mẫu giáo, tiểu học và nhóm trẻ thuộc cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Quan tâm đến mục tiêu Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển theo hướng phát triển bền vững, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cho biết, vấn đề này trong báo cáo của Chính phủ chưa hoặc ít đề cập các biện pháp, giải pháp để phát triển kinh tế biển. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải chú trọng quy hoạch và tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và luật pháp về lĩnh vực biển, về các huyện có đảo. Có cơ chế phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế biển đảo trên cơ sở chủ trương định hướng phát triển chung của cả nước, cần có quy hoạch tổng thể chung cũng như đối với từng lĩnh vực, từng địa phương, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm dẫn đến sự phân tán, thiếu tập trung giữa các địa phương với cả vùng, giữa địa phương với từng ngành. Đồng thời cũng có các biện pháp hỗ trợ cho ngư dân khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến trên biển đảo. Phát triển du lịch kết hợp với việc triển khai các dịch vụ công ích trên biển./.